10+ trò chơi vận động giúp trẻ mầm non phát triển trí tuệ và thể chất
Trẻ ở độ tuổi mầm non cần tham gia các hoạt động vui chơi để tạo điều kiện cho trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng. Bài viết sau đây sẽ gợi ý cho bố mẹ top 10+ trò chơi vận động vui nhộn, đơn giản và giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện.
Lợi ích của các trò chơi vận động cho trẻ mầm non
Việc cho trẻ mầm non tham gia các hoạt động vui chơi mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Một số lợi ích quan trọng của các trò chơi vận động bao gồm:
- Phát triển sức khỏe tổng thể: Các trò chơi giúp trẻ phát triển cơ bắp, xương khớp và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ.
- Phát triển các kỹ năng cơ bản: Qua việc tham gia các trò chơi vận động, trẻ sẽ học cách đi, chạy, nhảy, leo trèo và. Đây là những kỹ năng cơ bản quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
- Tăng cường khả năng tư duy và giải quyết vấn đề: Các hoạt động này cũng giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, tập trung và kiên nhẫn thông qua việc phải nghĩ cách vượt qua các trở ngại của trò chơi.
- Tạo niềm vui và hứng thú: Các trò chơi này thường mang lại niềm vui và hứng thú cho trẻ ở độ tuổi mầm non, giúp bé khám phá và tò mò về thế giới xung quanh.
- Xây dựng kỹ năng xã hội: Tham gia vào các trò chơi vận động cũng giúp trẻ xây dựng kỹ năng xã hội, như hợp tác, chia sẻ, tuân thủ các hoạt động của tập thể và tôn trọng người khác.
Bật mí 10+ trò chơi vận động cho trẻ mầm non đơn giản và thú vị
Dưới đây là các trò chơi vận động được nhiều trẻ mầm non yêu thích mà bố mẹ có thể tham khảo.
Rồng rắn lên mây
Trò chơi “Rồng rắn lên mây” là một trò chơi vận động vui nhộn và phát triển tinh thần đồng đội cho trẻ nhỏ. Cách thực hiện trò chơi này như sau:
Chuẩn bị:
- Trò chơi từ 5 người trở lên.
- Chọn ra một người làm thầy thuốc và còn lại sắp xếp thành đoàn rồng rắn.
- Đoàn rồng rắn xếp thành hàng dọc, mỗi người nắm chắc vào người phía trước.
Cách chơi:
- Thầy thuốc đứng ở một điểm cố định, còn đoàn rồng rắn sẽ đi quanh sân và đọc to bài đồng dao “Rồng rắn lên mây có cái cây lúc lắc có thầy thuốc ở nhà không”.
- Khi đoàn rồng rắn đọc xong, họ đứng trước mặt thầy thuốc và chờ câu trả lời.
- Nếu thầy thuốc trả lời “Có”, đoàn rồng rắn tiếp tục đi quanh sân và hỏi cho đến khi thầy thuốc trả lời “Rồng rắn đi đâu?”.
- Người đầu đoàn rồng rắn trả lời và thầy thuốc sẽ lao vào bắt đuổi đoàn rồng rắn, người đứng cuối hàng phải cố gắng tránh để không bị bắt.
- Trong quá trình bắt đuổi, đoàn rồng rắn không được đứt đoạn và phải giữ nguyên hàng.
- Khi thầy thuốc bắt được người cuối cùng, người đó sẽ trở thành thầy thuốc và vòng chơi mới bắt đầu.
Rồng rắn lên mây là trò chơi vận động dân gian thích hợp cho trẻ mầm non
Trò chơi vận động cho trẻ mầm non: Làm việc nhà
Làm việc nhà không chỉ giúp trẻ mầm non hình thành thói quen tốt từ nhỏ mà còn rèn luyện khả năng tự chủ. Để thực hiện trò chơi vận động này, bố mẹ có thể thực hiện theo các cách sau:
Chuẩn bị:
- Tất cả đồ chơi của bé.
- Thùng đựng đồ để bé có thể bỏ vào.
- Các dụng cụ dọn dẹp trong nhà.
Cách chơi:
- Đặt đồ chơi của bé lên sàn.
- Yêu cầu bé nhặt các đồ chơi rồi bỏ vào thùng.
- Sử dụng các dụng cụ để dọn dẹp phòng sạch sẽ.
Ban đầu, bạn có thể dặn bé dọn các đồ chơi xếp vào thùng rồi sau đó chuyển sang yêu cầu bé dọn dẹp nhà cửa như quét nhà, lau nhà, dọn chén dĩa và kèm theo phần thưởng để khuyến khích bé thực hiện.
Vượt chướng ngại vật
Trò chơi vận động này là một cách tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng vận động và thể chất ở trẻ mầm non. Dưới đây là cách tổ chức trò chơi:
Chuẩn bị:
- Đường hầm đồ chơi.
- Gối và chăn mền để tạo thành con đường.
- Nhà giấy, lều.
- Đồ chơi cho trẻ.
Cách chơi:
- Đặt nhiều gối liên tiếp nhau trên sàn nhà để tạo thành một con đường.
- Đặt đồ chơi ở trên con đường bằng gối, tạo ra các chướng ngại vật cho bé khi đi qua.
- Cuối con đường bạn có thể đặt một phần quà hấp dẫn mà bé thích để động viên bé.
Phát triển thể chất cho trẻ với trò chơi vượt chướng ngại vật
Trò chơi vận động di chuyển thành hàng
Di chuyển thành hàng là trò chơi nâng cao khả năng giữ thăng bằng khi đi bộ cho trẻ mầm non. Cách thực hiện trò chơi này như sau:
Chuẩn bị:
- Dây ruy băng màu.
- Băng keo để dán ruy băng lên sàn.
Cách chơi:
- Sử dụng băng keo để dán ruy băng lên sàn nhà thành các đường thẳng, sau đó chuyển góc 90 độ để tạo thành các đường vuông góc và song song với nhau.
- Bé cần đi bộ theo đường ruy băng, với chân sau nối gót chân trước.
- Bạn có thể cho bé chơi với gia đình hoặc bạn bè bằng cách nối đuôi thành đoàn tàu và đi theo nhau trên đường ruy băng để làm tăng sự thú vị.
Trò chơi vận động cho trẻ mầm non 5 tuổi: Nhảy lò cò
Để thực hiện trò chơi này, bố mẹ cần chuẩn bị theo các bước sau:
Chuẩn bị:
- Sân, công viên hoặc không gian rộng đủ cho trẻ tham gia vận động.
- Vẽ các ô trên sàn với số lượng tùy ý, bạn có thể vẽ hình vuông, hình tròn hoặc các hình dạng khác.
- Ghi số hoặc chữ cái vào mỗi ô.
Cách chơi:
- Trẻ sẽ đứng tại vị trí bắt đầu.
- Bố mẹ có thể chỉ định theo số hoặc chữ cái trong ô để bé nhảy vào.
- Tiếp tục lặp lại hoạt động này với đến khi hoàn thành các ô khác.
Trò chơi vận động cho bé: Chuyền bóng
Trò chơi chuyền bóng là một cách thú vị để khuyến khích trẻ mầm non tham gia vận động và hợp tác trong một nhóm. Dưới đây là cách tổ chức trò chơi:
Chuẩn bị:
- 2 đến 3 quả bóng.
Cách chơi:
- Chia trẻ thành 2-3 nhóm và cho mỗi nhóm đứng thành vòng tròn.
- Đưa một quả bóng cho trẻ đầu tiên trong mỗi nhóm.
- Khi bắt đầu trò chơi, trẻ đầu tiên trong mỗi nhóm sẽ chuyền bóng cho trẻ kế tiếp trong vòng tròn theo chiều kim đồng hồ.
- Trong khi chuyền bóng, các trẻ có thể vừa đi vừa hát một bài hát.
- Nhóm nào có ít trẻ làm rơi bóng nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.
Cướp cờ
Cướp cờ là trò chơi vận động thể chất hiệu quả mà bố mẹ nên áp dụng cho trẻ mầm non. Cách thực hiện trò chơi này như sau:
Chuẩn bị:
- Chia các bé thành hai nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 bạn.
- Cờ hoặc khăn tượng trưng cho cờ.
- Vòng tròn để làm đích.
- Vạch xuất phát cho hai đội.
Cách chơi:
- Đánh số thành viên trong mỗi đội theo tứ tự: 1, 2, 3, 4,…
- Bạn gọi ra một số, các thành viên tương ứng của hai đội phải nhanh chóng chạy đến vòng tròn và cố gắng lấy cờ. Bạn cũng có thể gọi nhiều số một lượt.
- Khi cầm cờ, nếu bị đối phương vỗ vào người, người cầm cờ sẽ thua cuộc.
- Khi lấy được cờ, người chơi sẽ phải chạy về vạch xuất phát của đội mình.
Trò chơi vui nhộn cho trẻ mầm non: Ai nhanh hơn
Đây là trò chơi vừa rèn luyện thể chất vừa giúp tăng khả năng tập trung của trẻ. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho trò chơi này:
Chuẩn bị:
- Một số chướng ngại vật như ghế, hộp, bóng.
- Cầu trượt, hộp chui, vòng tròn, thang leo.
Cách chơi:
- Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu, các bé sẽ nhanh chóng di chuyển qua các chướng ngại vật được xếp trước đó.
- Bé nào về đích và hoàn thành trò chơi trong thời gian ngắn nhất sẽ giành chiến thắng.
Bịt mắt bắt dê
Để thực hiện trò chơi vận động này, bố mẹ có thể chơi cùng bé như sau:
Chuẩn bị:
- Khăn hoặc vải mềm để bịt mắt cho người thua.
Cách chơi:
- Bố mẹ cùng bé ngồi lại để chơi oẳn tù xì.
- Người thua sẽ bị bịt mắt bằng khăn hoặc vải mềm và sau đó sẽ đi tìm các thành viên còn lại.
- Các thành viên còn lại phải liên tục tạo ra tiếng động để người bị bịt mắt xác định được vị trí của mình.
- Khi người bị bịt mắt bắt được một người chơi khác, họ sẽ đổi vị trí cho nhau và trò chơi tiếp tục.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi vận động thú vị dành cho trẻ mầm non
Trò chơi vận động cho trẻ mầm non 5-6 tuổi: Trốn tìm
Trốn tìm là một trò chơi thú vị và đơn giản được nhiều trẻ ưa thích. Cách chơi trò chơi phổ biến này như sau:
- Bố mẹ sẽ đếm từ 1 đến 20 trong khi đó bé được phép đi trốn tại một khu vực đã được quy định.
- Khi đếm xong, bố mẹ sẽ bắt đầu tìm kiếm bé.
- Khi bé bị “bắt”, bố mẹ sẽ cùng bé đổi vai và trò chơi tiếp tục.
Một số lưu ý khi cho trẻ tham gia các trò chơi vận động
Khi cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, có một số lưu ý quan trọng mà bố mẹ cần nhớ:
- Đảm bảo an toàn: Loại bỏ những vật dụng sắc nhọn, nguy hiểm và đảm bảo không có nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ khi tham gia các trò chơi.
- Chọn trò chơi phù hợp với độ tuổi và khả năng: Bố mẹ nên chọn lựa các trò chơi vận động phù hợp với sở thích cũng như khả năng thực hiện của trẻ mầm non để bé có thể vui chơi thoải mái nhât.
- Giám sát liên tục: Luôn giữ mắt đến trẻ trong suốt quá trình chơi và đảm bảo có sự giám sát liên tục từ người lớn để đối phó với bất kỳ tình huống nguy hiểm nào có thể xảy ra.
- Thường xuyên khen ngợi trẻ: Khen ngợi và khích lệ trẻ khi tham gia và hoàn thành các hoạt động vận động giúp xây dựng sự tự tin và lòng kiên nhẫn của trẻ.
- Tạo ra môi trường vui vẻ: Các trò chơi vận động không chỉ là cơ hội để rèn luyện sức khỏe vận động mà còn là dịp để trẻ có thời gian vui vẻ và thư giãn cùng gia đình và bạn bè.
Việc tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ mầm non không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn phát triển các kỹ năng xã hội, kỹ năng tư duy và tinh thần đồng đội. Vì vậy, bố mẹ cần tạo điều kiện cho bé tham gia các hoạt động vận động thường xuyên để hỗ trợ trẻ hoàn thiện bản thân một cách hiệu quả.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.