Ung thư vòm họng có chữa được không?
Ung thư vòm họng gây ra gánh nặng sức khỏe nghiêm trọng ở nhiều quốc gia và được xếp hạng là loại ung thư phổ biến thứ 6 trên toàn thế giới với số ca mắc bệnh và tử vong cao hơn rất nhiều so với các bệnh ung thư vùng đầu cổ khác. Ung thư vòm họng vô cùng nguy hiểm, vậy liệu ung thư vòm họng có chữa được không? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một căn bệnh nguy hiểm, ung thư vòm họng có biểu hiện tại họng khiến người bệnh nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường hô hấp nên thường có tâm lý chủ quan, thời điểm phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn và diễn biến nhanh chóng.
Tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng ở Việt Nam là 12%, tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác, trong đó số bệnh nhân ung thư vòm họng được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối chiếm 70% làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Hình ảnh ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng do nguyên nhân nào hiện vẫn chưa xác định được chính xác, chỉ tồn tại một số yếu tố nguy cơ cao gây bệnh như:
- Nhiễm virus EBV hoặc HPV
- Môi trường sống bị ô nhiễm (thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, chất độc hại)
- Thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn nhiều thực phẩm muối như trứng muối, cá muối, dưa cà muối)
- Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá
- Vấn đề di truyền (trong gia đình có người thân bị ung thư vòm họng)
- Tuổi tác (độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vòm họng càng lớn
Triệu chứng và dấu hiệu của ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng biểu hiện thông qua các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí của các tế bào ung thư xuất hiện bên trong vòm họng. Có thể nhận biết ung thư vòm họng thông qua các triệu chứng thường gặp sau:
- Khàn tiếng, giọng nói bị thay đổi, đau họng, khó nuốt, khó mở miệng, có cảm giác cộm vướng trong vòm họng, vô cùng khó chịu;
- Nghẹt mũi, sổ mũi, có thể chảy máu mũi kéo dài;
- Ù tai, đau nhức tai, giảm thính lực;
- Suy giảm thị lực, mắt mờ;
- Đau nhức hoặc tê vùng mặt;
- Đau nhức vùng miệng và vùng hầu họng, có thể chảy máu miệng;
- Ho khan kéo dài không dứt, có thể ho ra máu, trong nước bọt và đờm có lẫn máu;
- Xuất hiện khối u, hạch hoặc khối mềm ở miệng, sau họng hoặc ở cổ làm cản trở hô hấp, gây khó thở.
Một số triệu chứng ung thư vòm họng
Người bệnh ung thư vòm họng thường trải qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh thường diễn biến qua 4 giai đoạn chính, bao gồm:
Giai đoạn 1:
Giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ nằm ở lớp tế bào trên cùng bên trong vòm họng, chưa phát triển mạnh, chỉ nằm giới hạn trong vòm họng, không di căn. Các triệu chứng thường diễn biến âm thầm, không rõ ràng, rất khó phát hiện. Một số ít các trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn sớm xuất hiện triệu chứng nhức đầu âm ỉ, từng cơn, thường là đau nửa đầu kéo dài, dùng thuốc giảm đau cũng không giúp giảm nhẹ triệu chứng.
Giai đoạn 2:
Ở giai đoạn này, tế bào ung thư bắt đầu có dấu hiệu lây lan nhưng không xa hơn vùng hầu họng. Giai đoạn này, người bệnh thường cảm thấy nhức đầu dữ dội, đau vùng thái dương và nhức sâu trong hốc mắt, xuất hiện tổn thương hệ thống dây thần kinh sọ não. Vùng xoang bị ảnh hưởng, gây ngạt một bên mũi, cùng bên với bên đau đầu, chảy mũi nhầy, có thể chảy kèm mủ, thỉnh thoảng xì mũi ra có kèm máu. Vùng tai xuất hiện khối u, có cảm giác cộm tức cùng bên với bên đầu bị đau, ù tai, nghe kém một bên, có thể gặp tình trạng viêm tai giữa. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn khu trú cũng có thể xuất hiện các triệu chứng hạch ở cổ, vị trí sau góc hàm, lúc đầu nhỏ, sau to dần, hạch sờ vào cảm thấy cứng, ấn vào không gây đau, không gây viêm.
Giai đoạn 3:
Giai đoạn này, khối u có thể lan đến các cấu trúc xương quanh vùng vòm và/hoặc các xoang cạnh mũi nhưng chưa di căn đến các cơ quan xa của cơ thể. Người bệnh thường rơi vào tình trạng suy nhược nghiêm trọng, thể trạng suy yếu, kém ăn, mất ngủ, thiếu máu, da màu rơm, gầy sút, hay bị sốt cao do bội nhiễm. Đối với tình trạng lan đến các cấu trúc xung quanh vòm và xoang cạnh mũi, ung thư vòm họng thường gây ra các triệu chứng lan rộng và nghiêm trọng hơn
- Lan vào hốc mũi, gây tắc nghẹt mũi, chảy mũi nhầy thường kèm mủ, có mùi hôi, lẫn tia máu.
- Lan vào loa vòi, tai giữa gây ù tai, suy giảm thính lực một bên tai, đau trong tai, tai chảy mủ lẫn máu, có mũi hôi, thủng màng nhĩ, có u sùi trong tai.
- Lan xuống dưới hầu, đẩy phồng màn hầu, làm thay đổi giọng nói, khi nuốt hay bị sặc, có thể gây điếc tai giữa, khít hàm và liệt màn hầu.
- Lan lên nền sọ gây tăng áp lực nội sọ và các hội chứng thần kinh khu trú, dẫn đến tình trạng liệt vận nhãn, đau nhức ổ mắt và vùng trán; gây lác mắt, khít hàm, tê bì nửa mặt; có gây gây mù lòa, liệt nhãn cầu, liệt cơ nhai, liệt họng, liệt dây thanh, liệt lưỡi, thậm chí liệt toàn bộ 12 dây đôi thần kinh sọ não.
Giai đoạn 4:
Giai đoạn này, các khối u di căn đến các cơ quan xa hơn trên khắp cơ thể, làm tổn thương trầm trọng hệ thống các hạch bạch huyết mà chúng di căn tới. Thông thường, đây là giai đoạn muộn, diễn biến nghiêm trọng, tiên lượng xấu, cơ hội điều trị thấp, thường dẫn đến tử vong.
Điều trị ung thư vòm họng
Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng trong điều trị ung thư vòm họng:
- Xạ trị đơn thuần
- Chỉ định cho các giai đoạn sớm T1, T2, N0, N1, M0
- Kỹ thuật xạ trị: Trải liều 2Gy ngày, 10Gy tuần, tổng liều xạ cho T1, T2: 65 – 70Gy; N0: 50Gy; N1: 60 – 65Gy.
- Hoá trị kết hợp với xạ trị
- Chỉ định cho các giai đoạn muộn T3, T4, N2, N3 và một số trường hợp M1.
- Các hoá chất chủ yếu theo phác đồ 5FU kết hợp với Cisplatine, ba đợt sau đó chuyển sang xạ trị phối hợp.
- Kỹ thuật xạ trị như trên, tổng liều xạ cho T3, T4 từ 70 – 75 Gy; N2, N3 trung bình 65 – 70Gy, thời gian 7 – 8 tuần.
- Phẫu thuật
- Chỉ định cho các trường hợp hạch còn sót lại sau xạ trị 2 tháng.
Các biện pháp phòng tránh ung thư vòm họng
Là loại ung thư phổ biến với tỷ lệ tử vong cao nên ngoài thắc mắc ung thư vòm họng có lây không thì nhiều người cũng không biết làm thế nào để phòng tránh căn bệnh nan y này.
- Thói quen lành mạnh
- Bạn cần tránh xa thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác. Chúng không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan,…
- Ngoài ra, trong thói quen ăn uống hàng ngày, không nên sử dụng thức ăn, đồ uống khi còn quá nóng vì chúng làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng lên gấp 2 lần.
- Ăn uống khoa học
- Để phòng ngừa ung thư vòm họng nói riêng và các bệnh lý khác nói chung thì chế độ ăn hợp lý là rất quan trọng. Trong bữa ăn hàng ngày, nên tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây vì chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp chống lại các tế bào ung thư.
- Đồng thời, hạn chế tiêu thụ thịt muối, cá muối, các loại dưa cà, kim chi và các món nướng.
- Luyện tập mỗi ngày
- Mỗi ngày, bạn cần dành từ 30 – 45 phút để luyện tập, vận động, có thể là đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, thiền,… Những hoạt động này vừa giúp bạn giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng và áp lực, vừa tăng cường hệ miễn dịch để phòng chống lại bệnh tật, trong đó có ung thư vòm họng.
- Quan hệ tình dục an toàn
- Như đã chia sẻ ở trên, nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Đó là lý do bạn cần xây dựng đời sống tình dục chung thủy, một vợ một chồng và sử dụng biện pháp an toàn (bao cao su và màn chắn miệng) để tránh lây nhiễm virus HPV, phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
- Tiêm ngừa vắc xin phòng HPV
- Trẻ em, thanh thiếu niên và người dưới 26 tuổi nên tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa HPV. Sau độ tuổi này, vẫn có thể tiếp tục tiêm phòng để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV mới, từ đó, tránh được nguy cơ lây nhiễm virus HPV và phòng tránh ung thư vòm họng.
- Điều trị các bệnh lý
- Nếu bạn mắc các bệnh về tai mũi họng hay trào ngược dạ dày thực quản thì cần đi khám và điều trị tích cực nhằm phòng ngừa các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
- Ngoài ra, khi cơ thể xuất hiện các bất thường như ù tai, khó thở, khó nuốt, nổi hạch ở cổ,… thì cũng cần được đi khám nhanh chóng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ vừa giúp bạn phòng tránh bệnh, vừa kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể để có hướng điều trị tích cực, đặc biệt, nên thực hiện soi tai mũi họng với những người có nguy cơ cao.
- Song song với kiểm tra sức khỏe, bạn có thể thực hiện tầm soát ung thư nhằm phát hiện các bệnh ung thư ngay cả trước khi có triệu chứng. Việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị được thuận lợi và tỷ lệ chữa khỏi cao.
Kết luận:
Ung thư vòm họng là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, cơ hội chữa khỏi vẫn tồn tại. Việc chú ý đến các triệu chứng ban đầu, thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, và áp dụng lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Đừng quên tránh xa thuốc lá, rượu bia, duy trì chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng. Nếu bạn hoặc người thân có các dấu hiệu bất thường về hô hấp, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và khám bệnh. Sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe của chính mình và gia đình là chìa khóa giúp ngăn ngừa và đối phó hiệu quả với ung thư vòm họng.