Vắc-xin cần tiêm phòng bệnh giao mùa
Giao mùa là thời điểm rất dễ mắc bệnh. Do vậy, các gia đình cần chú ý thực hiện những biện pháp phòng bệnh trong thời điểm giao mùa. Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh giao mùa là gì?
Bệnh giao mùa là những bệnh thường xuất hiện tính theo chu kỳ thời gian trong năm, chủ yếu là vào thời điểm khi thời tiết thay đổi thất thường. Đây cũng là lúc nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Do hệ miễn dịch còn yếu nên trẻ em rất dễ bị tác động bởi các tác nhân gây bệnh này, gây nên một số bệnh lý khác nhau.
Các bệnh thường gặp khi giao mùa là cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, sởi, thuỷ đậu, viêm màng não, bệnh đau mắt đỏ, viêm xoang, dị ứng… Tiêm vắc xin khi giao mùa là một cách phòng bệnh hiệu quả.
Giao mùa là thời điểm rất dễ mắc bệnh
Các loại vắc-xin nên tiêm để phòng bệnh giao mùa
Vắc-xin cúm
Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus Influenza gây nên. Đây là một trong các bệnh giao mùa thường gặp. Bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và suy hô hấp. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vắc xin cúm hàng năm.
Vắc-xin phế cầu khuẩn
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở phổi. Đây là một trong các bệnh giao mùa có tỷ lệ mắc cao đặc biệt ở trẻ em. Tác nhân có thể do: virus cúm; Adenovirus; Phế cầu khuẩn; Liên cầu khuẩn nhóm B; Virus hợp bào hô hấp (RSV) thường ảnh hưởng trẻ dưới 5 tuổi.
Các tác nhân này có thể phòng ngừa dễ dàng bằng vắc xin. Ví dụ vắc xin phế cầu khuẩn giúp tạo ra kháng thể chống bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra.
Vắc-xin phòng quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh quai bị có thể bùng phát thành dịch, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não – màng não,… và có thể gây vô sinh ở các bé trai do viêm tinh hoàn và vô sinh ở bé nữ do viêm buồng trứng.
Để phòng bệnh quai bị, Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin. Đây là biện pháp rất quan trọng cho trẻ nhỏ, trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
Vắc-xin Viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus viêm não Nhật Bản (VNNB) lây truyền từ vật trung gian là muỗi có nhiễm virus từ các loài động vật như trâu, bò, chim hoang dã. Khi bị virus VNNB tấn công, trẻ có thể phải chịu đựng di chứng như liệt cứng, di chứng thần kinh (không nói được, rối loạn tính cách, thiểu năng trí tuệ…), trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa. Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Vắc xin phòng thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là với những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh. Vì vậy, tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả.
Vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván
Vắc-xin phòng Sởi, Quai bị, Rubella
Vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus
Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất khi giao mùa
Cách phòng bệnh khi giao mùa
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ, đúng lịch. Hiện nay tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: các thức ăn giàu protein (chất đạm), omega 3 có trong cá, các loại thực phẩm giàu vitamin và vi chất như sắt, kẽm, selen, …
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn.
- Ăn lượng dầu mỡ vừa phải, giảm lượng đường và muối.
- Tăng cường bổ sung vitamin trong các loại rau, củ, quả và uống đủ nước.
- Nên sử dụng thêm các loại nước ép bổ sung vitamin C như nước cam, nước ổi…
- Bảo đảm các quy tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thường xuyên vận động thể lực: Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu và giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, từ đó giúp chống lại virus và giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giao mùa, ốm đau hoặc sốt.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh, sát khuẩn vùng họng, răng miệng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch súc miệng khác sẽ giúp loại bỏ và hạn chế sự sinh sôi phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, hít phải khói bụi và phấn hoa do thay đổi thời tiết lúc giao mùa.
- Ngủ đủ giấc: Tạo thói quen ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể giúp tăng cường đáng kể hệ thống miễn dịch của bạn.
- Giảm căng thẳng: Cảm giác căng thẳng có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên cố gắng giữ tâm trí luôn thoải mái để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, không nên thức dậy quá sớm, không nên ra ngoài tập thể dục vào lúc sớm, thay vào đó, có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Hy vọng những chia sẻ hữu ích này sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, đặc biệt những khi thời tiết giao mùa. Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có những triệu chứng bất thường.