Vắc xin phòng ngừa sốt bại liệt cho trẻ em
Việc tiêm phòng vắc xin sốt bại liệt là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh bại liệt, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhập viện, tàn tật vĩnh viễn và thậm chí gây tử vong. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu hơn về các loại vắc xin phòng bệnh.
Bệnh sốt bại liệt là gì?
Sốt bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Polio gây ra. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Virus Polio xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng khi người nhiễm bệnh tiếp xúc với nước hoặc thức ăn bị nhiễm bởi phân của người bị nhiễm. Virus này sau đó xâm nhập vào hệ thần kinh, gây ra nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng, bao gồm liệt cơ và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Sốt bại liệt là căn bệnh nguy hiểm gây liệt cơ hoặc thậm chí tử vong
Các loại vắc xin phòng ngừa sốt bại liệt cho trẻ
Vắc xin phòng ngừa sốt bại liệt được phân loại thành: loại đơn độc và loại phối hợp.
Vắc-xin bại liệt đơn độc
Có 2 loại là: vắc xin tiêm (Inactivated Polio Vaccine – IPV) và vắc xin uống (Oral Polio Vaccine – OPV). Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và điều kiện của người tiêm, có thể cân nhắc lựa chọn loại vắc xin bại liệt cho phù hợp theo bảng so sánh dưới đây.
Tiêu chí | Vắc xin bại liệt dạng uống | Vắc xin dạng tiêm |
Đặc điểm | chứa virus bại liệt sống đã được giảm độc tính, giúp kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch với virus bại liệt. Nó giúp cơ thể tạo ra kháng thể phòng vệ khỏi bệnh bại liệt bằng cách ngăn chặn virus xâm nhập và kéo dài sự miễn dịch cho người được tiêm. | chứa virus bại liệt bị giết chết, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Nó có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với một số loại vắc xin khác để tăng cường hiệu quả phòng ngừa các bệnh khác. |
Ưu điểm | – Dạng uống dễ sử dụng – Chủng ngừa gián tiếp (nhiễm bệnh) qua hình thức tiếp xúc gần – Dễ sản xuất nên chi phí chủng ngừa thấp | – Đáp ứng của từng cá thể khá tương đồng – Không có nguy cơ bị bại liệt có liên quan đến vắc xin (VAPP) – Không có nguy có bại liệt do virus bại liệt lưu hành có nguồn gốc từ vắc xin (cVDPV) – Có thể kết hợp với các vắc xin cho trẻ nhỏ khác. |
Nhược điểm | – Khả năng tạo miễn dịch (dịch thể và tại ruột) tùy theo từng cá thể (all-or-nothing) – Nguy cơ xảy ra biến cố bất lợi về bệnh bại liệt liên quan đến vắc xin (VAPP) – Nguy cơ xuất hiện virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc xin lưu hành (cVDPV) | – Quy trình sản xuất phức tạp nên chi phí tiêm chủng cao – Vắc xin đường tiêm không tạo được hiệu quả phòng ngừa gián tiếp |
Vắc-xin bại liệt phối hợp
Vắc xin phòng bại liệt dạng tiêm thường được kết hợp hoặc tiêm chung với các loại vắc xin khác nhằm giảm thiểu thời gian tiêm phòng, tối ưu hóa hiệu quả phòng bệnh. Hiện nay, có 4 loại vắc xin phối hợp phòng ngừa bệnh bại liệt, gồm có:
Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa
Infanrix Hexa là một loại vắc xin 6 trong 1 được sản xuất bởi hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK). Loại vắc xin này bao gồm 6 thành phần bảo vệ khác nhau để phòng ngừa các bệnh ở trẻ em: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib).
Vắc xin phối hợp 6 trong 1 Infanrix Hexa được chỉ định tiêm cho các đối tượng là trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi với lịch tiêm 4 mũi như sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1.
Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2.
Mũi 4: cách mũi thứ 3 là 12 tháng (cách tối thiểu 6 tháng).
Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim
Hexaxim là một loại vắc xin phối hợp 6 trong 1 được sản xuất bởi hãng dược phẩm Sanofi Pasteur. Hexaxim cũng như Infanrix Hexa, cũng bao gồm 6 thành phần khác nhau để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib)
Vắc xin phối hợp 6 trong 1 Hexaxim được chỉ định tiêm cho các đối tượng là trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi với lịch tiêm 4 mũi như sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2
Mũi 4: cách mũi thứ 3 là 12 tháng (cách tối thiểu 6 tháng).
Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim
Pentaxim là một loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 được sản xuất bởi công ty dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới – Sanofi Pasteur. Vắc xin này bao gồm 5 thành phần khác nhau để phòng ngừa các bệnh ở trẻ em, bao gồm: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib).
Vắc xin phối hợp 5 trong 1 Pentaxim được chỉ định tiêm cho các đối tượng là trẻ từ 2 tháng tuổi đến tròn 2 tuổi với lịch tiêm 4 mũi như sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2 (Các mũi cách nhau 1-2 tháng)
Mũi 4: 1 năm sau mũi 3. Mũi tiêm nhắc lại tốt nhất là vào tháng thứ 16.
Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim
Tetraxim là một loại vắc xin phối hợp 4 trong 1, chứa 4 thành phần phòng ngừa 4 bệnh khác nhau ở trẻ em (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt), được sản xuất bởi hãng dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp).
Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên đến 13 tuổi (tùy theo khuyến cáo chính thức của từng quốc gia).
Lịch tiêm 5 mũi, như sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2
Mũi 4: 1 năm sau mũi 3
Mũi 5: 3 năm sau mũi 4 (trẻ 4 – 6 tuổi)
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh sốt bại liệt
Những lưu ý cần biết khi tiêm vắc xin phòng ngừa sốt bại liệt
Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin phòng bại liệt?
Bộ Y tế đã đưa ra quy định, những người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào đe dọa tính mạng đều không được tiêm vắc xin bại liệt. Nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe, cần tạm hoãn tiêm vaccine bại liệt.
Những trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin bại liệt bao gồm:
- Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin.
- Hệ thống miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng.
- Những trường hợp khác được nhà sản xuất khuyến cáo không nên tiêm.
Ngoài ra, những trường hợp sau đây cần xem xét tạm hoãn kế hoạch tiêm vaccine bại liệt:
- Các cơ quan đang trong tình trạng suy chức năng.
- Trẻ nhỏ đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ đang bị sốt từ 38 độ C trở lên hoặc thân nhiệt hạ từ 35.5 độ C trở xuống (đo tại nách).
- Trẻ đã sử dụng globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trước khi tiêm vaccine (ngoại trừ trường hợp kháng huyết thanh viêm gan B).
- Trẻ đang hoặc đã hoàn tất một khoa điều trị bằng corticoid liều cao, xạ trị hoặc hóa trị trong 14 ngày.
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim mạn tính đi kèm với tăng áp lực động mạch phổi.
- Những trường hợp khác được nhà sản xuất vắc xin khuyến cáo tạm hoãn tiêm chủng.
Vắc xin bại liệt được coi là an toàn và hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh bại liệt.
Tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin bại liệt?
Tuy nhiên, như bất kỳ loại vắc xin nào khác, vắc xin bại liệt cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ, bao gồm:
- Đau chân hoặc tay: Đây là phản ứng phổ biến nhất và thường xảy ra sau khi tiêm vắc xin bại liệt. Phản ứng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và thường không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu đau kéo dài cần báo với cơ sở tiêm chủng hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám.
- Sưng hoặc đỏ da: Phản ứng này cũng rất phổ biến. Thường xảy ra ở nơi tiêm vắc xin và cũng có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
- Sốt và đau đầu: Các triệu chứng này thường rất hiếm và thường không nghiêm trọng. Để giảm các triệu chứng này, nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu các triệu chứng không giảm, cần đến bác sĩ để được tư vấn.
- Phản ứng dị ứng nặng: tiêu chảy, nôn mửa, khó thở hoặc phát ban. Đây là phản ứng phụ sau khi uống/tiêm vắc xin bại liệt rất hiếm khi xảy ra.
Thông thường, các phản ứng phụ này thường không nghiêm trọng và sẽ tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng phản ứng phụ trở nên nghiêm trọng, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc chủ động tiêm vắc xin phòng sốt bại liệt.