Vắc-xin sốt bại liệt: Ai không nên tiêm?
Những điều cần biết về bệnh sốt bại liệt
Thế nào là sốt bại liệt
Sốt bại liệt là 1 bệnh truyền nhiễm do các virus bại liệt gây ra. Bệnh bại liệt chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Virus bại liệt xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, nước hoặc thức ăn bị ô nhiễm bởi mẫu phân của người bệnh. Virus sẽ nhân lên trong ruột, được bài tiết qua phân, có thể lây truyền cho những người khác.
Virus sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh.Với những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể bị tổn thương não và tủy sống, dẫn tới liệt 2 chân lan rộng, liệt hô hấp, thậm chí tử vong. Theo thống kê, cứ 200 người nhiễm bệnh bại liệt thì có 1 người bị liệt không thể phục hồi ( chủ yếu là ở chân).Trong số những người bị liệt, có khoảng 5-10% bệnh nhân tử cong do liệt các cơ hô hấp.
Căn bệnh này có thể để lại di chứng liệt hai chi dẫn đến teo cơ.Từ đó, việc sinh hoạt và lao động hằng ngày của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Triệu chứng bệnh sốt bại liệt
Triệu chứng bệnh sốt bại liệt sẽ khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh bại liệt được chia ra thành các thể sau:
- Thể liệt mềm cấp điển hình (chiếm 1%) với các triệu chứng điển hình nhất như: sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.
- Thể viêm màng não vô khuẩn: Sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.
- Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể phục hồi trong vài ngày.
- Thể ẩn: Không rõ triệu chứng là thể thường gặp, song thể nhẹ có thể biến chuyển sang nặng.
Dù chỉ có 1% người mắc bệnh biểu hiện triệu chứng liệt điển hình, bệnh bại liệt có thể gây liệt tủy sống hoặc liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt bại liệt
Để chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Vắc xịn phòng ngừa bệnh sốt bại liệt
Vắc-xin bại liệt đơn độc
Hiện nay, có hai loại vắc-xin chủ yếu được sử dụng để phòng ngừa sốt bại liệt: vắc-xin IPV (Inactivated Poliovirus Vaccine) và vắc-xin bOPV (Bivalent Oral Poliovirus Vaccine).
- Vắc- xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV): chứa virus bại liệt đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch.Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho virus xâm nhập vào cơ thể.
- Vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) :Chứa virus bại liệt chết có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh.Vắc-xin này có thể ở dạng phối hợp với một số vắc-xin khác.
Trong đó, vắc xin OPV dạng uống chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt ( tOPV) 1, 2, 3 đã được triển khai cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi trên thế giới hơn 50 năm qua.
Tuy nhiên, theo đề nghị của tổ chức Y tế Thế giới, VIệt Nam sẽ dùng vắc- xin sốt bại liệt uống ( OPV) mới gồm 2 chủng bại liệt và 3 (polio 1, 3) còn chủng bại liệt 2 thì sẽ dùng vắc-xin tiêm. Vì vậy, kể từ tháng 6 năm 2016, chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ chuyển sang sử dụng vắc-xin OPV 2 tuýp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 tuýp (t OPV) trước đây. Vắc-xin được khẳng định là an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh bại liệt.
Vắc-xin bại liệt phối hợp
Để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai vắc-xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc-xin đơn thì các vắc-xin phối hợp cũng được nhà sản xuất chú ý tích hợp thành phần ngừa bại liệt.
Hiện nay, tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm:
- Vắc-xin 6 in 1 Infanrix Hexa (Bỉ) và vắc xin 6 in 1 Hexaxim(Pháp) ngừa được 6 bệnh gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B(Hib).
- Vắc-xin 5 in 1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
- Vắc-xin 4 in 1 Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Nên tiêm hay uống vắc xin bại liệt?
Chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai 2 loại vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin bại liệt uống OPV và vắc xin dạng tiêm IPV. Bên cạnh đó, vắc xin bại liệt phối hợp chỉ có ở các điểm tiêm phòng dịch vụ.
Việc chủng ngừa bại liệt bằng vắc xin đường uống hay đường tiêm đều mang đến hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy nhiên nếu trẻ tiêm vắc xin có thành phần bại liệt trong các mũi vắc xin phối hợp sẽ vừa phòng được bại liệt, vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Việc chọn tiêm phòng vắc xin bại liệt tiêm hay uống, vắc xin tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ là tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện của từng gia đình.
Ai không nên tiêm vắc xin phòng sốt bại liệt
- Trẻ có phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin IPV hoặc vắc-xin có thành phần IPV trước đó.
- Trẻ dị ứng với các hoạt chất, tá dược trong vắc-xin hoặc dị ứng với neomycin, streptomycin, polymyxin B.
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn,suy tim, suy thận, suy gan đang giai đoạn cấp tính, … có thể trì hoãn đến khi sức khỏe trẻ ổn định để sử dụng vắc-xin cho trẻ.
- Người bị suy giảm miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, bao gồm những người đang điều trị ung thư bằng hóa trị liệu, hoặc những người bị bệnh AIDS, không nên tiêm vắc-xin bOPV. Tuy nhiên, họ có thể được tiêm vắc-xin IPV dưới sự giám sát của bác sĩ.
- Phụ nữ mang thai: Mặc dù chưa có bằng chứng về tác hại của vắc-xin Polio đối với thai nhi, phụ nữ mang thai nên thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định tiêm vắc-xin.
- Người đang mắc bệnh nặng: Những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc sốt cao nên hoãn tiêm vắc-xin cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Tạm hoãn tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ trong các trường hợp:
- Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh cấp tính.
- Trẻ sốt ≥ 37.5 độ C (đối với phòng tiêm ngoài bệnh viện), sốt ≥ 38 độ C (đối với phòng tiêm tại bệnh viện) hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.5 độ C (nhiệt độ được đo tại nách).
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị bằng corticoid liều cao tương đương prednisolon ≥ 2mg/kg/ngày cần tạm hoãn sử dụng vắc-xin sống giảm độc lực trong vòng 14 ngày.
- Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
Vắc-xin phòng ngừa sốt bại liệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của virus Polio. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin cần được thực hiện cẩn trọng và có sự tư vấn từ bác sĩ, đặc biệt đối với những trường hợp có tiền sử dị ứng hoặc suy giảm miễn dịch. Hiểu rõ về bệnh sốt bại liệt và các biện pháp phòng ngừa giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Hãy luôn đảm bảo rằng mọi thành viên trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và an toàn.