Vi khuẩn E coli có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhiễm khuẩn và cách phòng bệnh hiệu quả
Vi khuẩn E coli thường là lợi khuẩn trong hệ thống đường ruột của người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, loại vi khuẩn này có khả năng gây hại đến sức khỏe con người. Trong bài viết này, Pharmacity sẽ giúp bạn nhận diện dấu hiệu nhiễm khuẩn E coli và cung cấp những phương pháp phòng ngừa hiệu quả để giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Tổng quan về vi khuẩn E coli
Vi khuẩn e coli là gì? Vi khuẩn Escherichia Coli (E coli) hay còn gọi là trực khuẩn lỵ. Chúng thường sống ký sinh trong ruột động vật và người. Hầu như chúng đều là những vi khuẩn vô hại, chỉ một số loài đặc biệt gây bệnh đường ruột như đau bụng, tiêu chảy, sốt hoặc ngộ độc thực phẩm.
E coli có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường khác nhau như nước uống, rau sống chưa được rửa sạch hoặc thịt bò còn sống,… Mọi lứa tuổi đều có khả năng cảm nhiễm với loại vi khuẩn này.
Ngoài ra, đối với loại vi khuẩn E coli type O157: H7 có thể dẫn đến suy thận, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu cần chú ý.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn E coli
Nhiễm khuẩn E coli là một loại lợi khuẩn thường sống trong ruột con người và động vật. Do đó, triệu chứng nhiễm khuẩn E coli gây hại thường đa dạng với các biểu hiện tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng kết hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Trong đó, dấu hiệu nhiễm bệnh thường gặp là:
- Mức độ tiêu chảy từ nhẹ đến nặng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đôi khi có kèm máu trong phân
- Đau bụng quặn thắt theo từng cơn hoặc đau âm ỉ, liên tục
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Sốt, mệt mỏi, chán ăn.
Ở một số trường hợp, nhiễm khuẩn E coli có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn, bao gồm dấu hiệu mất nước nhanh chóng, đi ra nước tiểu có máu, làm da mất màu, xuất hiện vết bầm tím mặc dù không có va chạm hay chấn thương.
Việc xác định nhiễm khuẩn E coli thường dựa vào triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng kết hợp kết quả xét nghiệm bệnh phẩm phân hoặc các dịch tiết tiêu hóa. Điều này giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cũng như xác định loại thuốc kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.
Nguyên nhân mắc bệnh E coli ở người
E coli là những vi khuẩn ký sinh, thường có ở ruột, nên khi gặp được điều kiện thuận lợi nó sẽ gây bệnh. Sự có mặt của E coli ở ngoại cảnh và ở trong thức ăn chứng tỏ đã có sự nhiễm bẩn do phân.
Khi chúng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể như đường máu, đường niệu,… và một số chủng E. coli có khả năng gây bệnh tiêu chảy như ETEC, EIEC, EPEC,… sẽ gây bệnh cho người.
Nhìn chung, một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh có thể kể đến như:
Nguồn nước bị ô nhiễm
Vi khuẩn E coli có thể tồn tại trong hầu hết các nguồn nước bao gồm ao, hồ, sông, suối, bể bơi, giếng nước, hoặc thậm chí là trong nguồn cung cấp nước của thành phố địa phương chưa qua khử trùng. Nếu bạn uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, bạn có khả năng bị nhiễm E coli và bị bệnh.
Thực phẩm bị ô nhiễm, không hợp vệ sinh
Đây là nguyên nhân phổ biến và dễ xảy ra nhất. Bảo quản và sơ chế không đúng cách là nguyên nhân khiến cho thực phẩm bị ô nhiễm:
- Ăn phải thực phẩm chưa chín hoặc không được rửa sạch như rau sống,…
- Không rửa tay trước khi ăn hoặc trước khi nấu ăn.
- Dụng cụ chế biến thức ăn, hoặc chén bát không được đảm bảo vệ sinh.
- Thức ăn bị hư thối hoặc nổi mốc do không được bảo quản đúng cách.
- Giết mổ hoặc ăn phải những loại gia súc, gia cầm nhiễm bệnh.
Lây từ người này sang người khác
Vi khuẩn E coli có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu mọi người không rửa tay sau khi đi vệ sinh. Dùng chung dụng cụ cá nhân với người mắc bệnh cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Thịt bị nhiễm vi khuẩn E coli trong quá trình giết mổ
Vi khuẩn cũng có khả năng lây nhiễm từ động vật sống sang người. Những đối tượng dễ bị lây nhiễm theo hình thức này là những người thường xuyên tiếp xúc với trâu, bò, lợn, dê, cừu,…
Tác hại của vi khuẩn E coli đối với sức khỏe
Tác hại của vi khuẩn E Coli là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh về đường tiêu hóa như:
- Tiêu chảy hay gọi là nhiễm độc thức ăn: Người bệnh thường có biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn ói. Biến chứng nặng thường xảy ra do tiêu chảy nhiều mà không được bù dịch kịp thời dẫn đến tình trạng trụy mạch, suy thận, rối loạn tuần hoàn,…
- Nhiễm khuẩn huyết là khi vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa sau đó tiếp tục xâm nhập vào các mạch máu trong cơ thể và làm tổn thương các tạng lân cận như thận, tim, não khiến cho người nhiễm E coli có thể tử vong.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu do vi khuẩn E coli, đi từ bộ phận cuối cùng của đường tiêu hóa là hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, sau đó đi ngược dòng vào đường niệu. Hoặc là vi khuẩn E coli gây nhiễm khuẩn huyết và vi khuẩn từ máu bệnh nhân đi khắp cơ thể, đến đường niệu và dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu.
- Viêm màng não và các nhiễm khuẩn khác trong hệ thống tiêu hóa.
Nhiễm vi khuẩn E coli có gây ra biến chứng không?
Bất cứ ai cũng có khả năng bị nhiễm E coli, tuy nhiên ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong một số trường hợp, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm E coli chủng STEC (còn gọi là chủng O157:H7) thì có thể sẽ phát triển tình trạng gọi là hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS).
Lúc này, vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố trong đường ruột người bệnh. Sau đó, độc tố đi vào máu và phá hủy các tế bào hồng cầu, có thể dẫn đến suy thận cấp hoặc bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào khác. Biến chứng có thể đe dọa tính mạng xảy ra ở khoảng 5 – 10% bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm STEC.
Giải pháp phòng ngừa nhiễm E coli hiệu quả
Mặc dù vi khuẩn E coli dễ lây nhiễm nhưng bạn cũng có thể kiểm soát nguy cơ nhiễm khuẩn thông qua một số những lưu ý quan trọng sau đây:
- Rửa tay sạch với nước và xà phòng trong một số trường hợp như sau khi thay tã em bé, sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc bệnh nhân, rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
- Rửa kỹ rau quả, trái cây và những loại thực phẩm khác trước khi ăn
- Nấu kỹ thịt, đảm bảo nhiệt độ nấu thịt ít nhất là 70 độ C và không nên ăn thịt sống, tái
- Bảo đảm ăn chín uống sôi. Tránh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa, nước trái cây,… chưa qua tiệt trùng
- Bảo đảm vệ sinh các vật dụng làm bếp như chén, đĩa, thớt, dao, muỗng, đũa,…
- Ưu tiên dùng thớt nhựa thay vì thớt gỗ để dễ dàng vệ sinh hơn
- Không để thực phẩm đã nấu chín gần với thịt sống
- Nên rã đông thịt trong túi nhựa riêng
- Không nên chế biến thực phẩm, nấu ăn nếu bạn đang bị tiêu chảy.
- Sau khi ăn xong, bạn nên lưu trữ thức ăn thừa trong hộp kín và cho vào tủ lạnh
Vi khuẩn E coli có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Nhận diện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn và thực hiện biện pháp phòng ngừa như vệ sinh thực phẩm và rửa tay thường xuyên là cách hiệu quả để giúp bảo vệ sức khỏe. Hãy chủ động phòng bệnh để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn E coli.