Vì sao người cao tuổi thường xuyên bị táo bón?
Lão hóa là quá trình tất yếu của cơ thể, liên quan đến những thay đổi trong các cơ quan. Trong đó, sự lão hóa ở đường tiêu hóa làm hạn chế nhu động ruột có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở người cao tuổi. Ngoài ra, người cao tuổi cũng có thể mắc táo bón do các yếu tố như bệnh nền, dùng nhiều thuốc, suy nhược, ít vận động và chế độ ăn uống kém.
Táo bón người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao
Táo bón ở người cao tuổi là tình trạng thường xuyên xảy ra và gây nhiều bất tiện cho cuộc sống và sức khỏe lâu dài của người bệnh. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc táo bón chức năng ở người cao tuổi là gần 27%, tỷ lệ mắc táo bón cao hơn ở nữ giới(1).
Vì sao người cao tuổi dễ mắc và tái phát táo bón?
Táo bón mạn tính ở người cao tuổi có thể là hệ quả của nhiều yếu tố, bao gồm:
Táo bón chức năng(2): là loại phổ biến nhất ở người cao tuổi. Táo bón chức năng liên quan đến sự suy giảm nhu động ruột mà không phải do các yếu tố bệnh lý hay thuốc gây ra.
Táo bón do bệnh nền(2) như bệnh đường ruột, rối loạn thần kinh, bệnh về cơ, đái tháo đường, … bệnh nền ở người cao tuổi cũng là yếu tố phổ biến gây táo bón mạn tính. Đặc biệt khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Vì thế, phân bị giữ lại trong ruột lâu hơn, từ đó gây nên táo bón hoặc khiến tình trạng táo bón trở nặng.
Táo bón do thuốc(2): Việc sử dụng các loại thuốc điều trị Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc trung hòa acid dạ dày chứa calci, nhôm … cũng dẫn tới tình trạng táo bón mạn tính ở người cao tuổi.
Lựa chọn phương pháp điều trị táo bón phù hợp
Để điều trị táo bón, đầu tiên cần thay đổi chế độ ăn, uống đủ nước, bổ sung nhiều chất xơ từ các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu và tăng cường hoạt động thể chất như đi bộ, tập thể dục và yoga,… Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện, thuốc nhuận tràng có thể được đề xuất để giúp tăng nhu động ruột, tăng khối lượng và tần suất đi tiêu cho người cao tuổi. Các loại thuốc nhuận tràng thường được sử dụng hiện nay gồm:
- Nhuận tràng thẩm thấu làm mềm phân: như Lactulose, Macrogol,…
- Nhuận tràng kích thích: như Bisacodyl,…
- Nhuận tràng tạo trơn (hay bơm thụt): như Glycerin,…
- Nhuận tràng tạo khối: như Chất xơ,…
Việc hiểu rõ từng nhóm thuốc và lựa chọn đúng rất quan trọng để đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị táo bón ở người cao tuổi.
Tài liệu tham khảo:
- Arco S et al. Functional Constipation in Older Adults: Prevalence, Clinical Symptoms and Subtypes, Association with Frailty, and Impact on Quality of Life. Gerontology. 2022;68(4):397-406. doi: 10.1159/000517212.
- Zheng S et al. Expert consensus on the assessment and treatment of chronic constipation in the elderly. Aging Med (Milton). 2018 Apr 16;1(1):8-17. doi: 10.1002/agm2.12013.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: