Viêm Amidan Và Cách Điều Trị
Amidan là bộ phận dễ bị viêm nhiễm nên việc chăm sóc và phòng ngừa viêm amidan rất cần thiết để tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn.
Tìm hiểu về amidan
Amidan chính là 2 phần mô tuyến nằm 2 bên thành sau họng, ở ngay khẩu cái mềm mà ta có thể tự quan sát được khi há miệng ra. Vì vậy đây còn gọi là amidan khẩu cái. Ngoài ra còn có các amidan khác như amidan đáy lưỡi, amidan vòm (VA), amidan vòi tai tạo thành hệ mô tuyến của họng có chức năng miễn dịch, ngăn chặn sự tấn công của virus và vi khuẩn đối với cơ thể chúng ta. Vi khuẩn hay virus sẽ lây lan trong không khí qua hành động ho hoặc hắt hơi của người bệnh. Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất hay thay đổi thời tiết làm niêm mạc vùng mũi họng giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, viêm amidan còn bắt nguồn từ nhiễm trùng răng miệng, viêm mũi xoang, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản,…
Khi nào nên điều trị viêm amidan?
Khi viêm ở mức độ nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Phần lớn các trường hợp viêm amidan gây ra các triệu chứng khó chịu kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày với các biểu hiện như khó thở, đau họng khi nuốt nước bọt và thức ăn, sốt, uể oải, nhức mỏi toàn thân, nổi hạch ở cổ,… Amidan là cơ quan miễn dịch có chức năng tạo sức đề kháng chống nhiễm trùng. Nếu viêm nhiễm amidan cấp cần phải điều trị giảm đau hạ sốt với Paracetamol, Ibuprofen, dùng các loại kháng viêm, bổ sung nước khi có sốt… Sử dụng kháng sinh khi có nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu bị viêm amidan mãn tính, tái phát nhiều lần trong năm, còn có thể có các triệu chứng như: ngủ ngáy, khó thở khi ngủ, hôi miệng, vướng họng hoặc ho khan kéo dài. Khi được chẩn đoán là tình trạng viêm nhiễm nặng (viêm trên 4 lần/ năm), amidan khi ấy trở thành ổ gây bệnh dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ.
Phòng ngừa viêm amidan
Đầu tiên, bạn cần chăm sóc răng miệng một cách tốt nhất có thể để hạn chế việc vi khuẩn sót lại trong khoang miệng và ở vòm họng. Nên súc miệng thường xuyên để làm sạch amidan, đánh răng 2 lần mỗi ngày. Đừng quên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế thuốc lá, rượu bia cũng như các thói quen không lành mạnh khác để giảm thiểu tối đa lượng vi khuẩn trong khoang miệng.