Viêm da cơ địa có thể chữa trị dứt điểm được không?
Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý về da phổ biến nhất trong nhóm các bệnh về miễn dịch và di truyền. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân lây nhiễm viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, nhưng chúng lại khởi phát bởi nhiều yếu tố tác động tới cơ thể của người bệnh như:
- Do di truyền từ các thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh về da liễu, cơ địa nhạy cảm, có lượng protein filaggrin trong thượng bì bị thiếu hụt.
- Các triệu chứng của bệnh sẽ có chuyển biến khá xấu khi làn da tiếp xúc với tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
- Thời tiết thay đổi liên tục và đột ngột khiến làn da không kịp thích ứng.
- Cơ thể nạp các thức ăn dễ gây dị ứng.
- Bệnh nhân bị bệnh lý về tuyến giáp, chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Các biểu hiện của viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa có các triệu chứng điển hình:
- Da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ.
- Ngứa râm ran hay ngứa dữ dội.
Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi và giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi
Khoảng 60% ca mắc bệnh viêm da cơ địa khởi phát ở trẻ từ 0 – 1 tuổi và khởi phát chủ yếu khi được 2 – 3 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa sẽ có những triệu chứng sau:
- Xuất hiện ban đỏ, tróc vảy ở 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ và bẹn, các kẽ da (nếp da).
- Ở vùng ban đỏ có nhiều mụn nước nhỏ.
- Các mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt.
- Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát.
- Có thể đi kèm tiêu chảy, viêm tai giữa.
- Ngứa nhiều làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
Triệu chứng ở trẻ em
Với trẻ em từ 2 – 12 tuổi khi bị viêm da cơ địa thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng. Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em gồm:
- Da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ngáy.
- Tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da).
- Xuất hiện các mảng lichen hóa dạng đĩa. Lúc đầu, bệnh có biểu hiện ở mặt duỗi, đầu gối, cùi tay, sau lan đến những nếp gấp, ngoài ra có thể sẩn ngứa, da khô.
Triệu chứng ở người trưởng thành
Ở người trưởng thành, viêm da cơ địa ít có triệu chứng rầm rộ như trẻ em vì người lớn có nhiều kháng thể và sức đề kháng hơn so với trẻ em.
Ở người lớn, bệnh ít biểu hiện ra da hoặc chỉ có da khô sần sùi kéo dài dai dẳng (bệnh mạn tính); có thể đi kèm biểu hiện của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng trên da có sự khác biệt rõ rệt so với trẻ em.
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn trong giai đoạn cấp tính gồm:
- Xuất hiện nhiều ban đỏ.
- Trên bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông.
- Mụn nước vỡ chảy dịch gây phù nề, vảy tiết.
- Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau.
- Da bị tổn thương có thể bị bội nhiễm, loét, mụn mủ, sưng nóng,…
Viêm da cơ địa ở giai đoạn mạn tính gây ra các triệu chứng sau:
- Vùng da bị tổn thương có dấu hiệu thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ.
- Ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội.
Cách chữa trị bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, bệnh không thể chữa dứt điểm hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát được bệnh. Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm đưa da về tình trạng bình thường càng lâu càng tốt, phòng ngừa và điều trị các cơn bùng phát, các biến chứng. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bệnh viêm da cơ địa được điều trị với các chiến lược như sau:
Giai đoạn chữa bệnh
- Dùng kem chống ngứa: Đây là biện pháp giúp người bệnh giảm cảm giác ngứa, tránh gãi nhiều gây tổn thương da. Bệnh nhân được chỉ định dùng kem bôi để chống ngứa, trong trường hợp vẫn cảm thấy ngứa nhiều người bệnh cần uống thêm thuốc kháng histamine chống dị ứng.
- Bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm: Khi bị viêm da cơ địa, da thường bị khô, sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm da từ 2 – 3 lần mỗi ngày, tránh nứt nẻ gây nhiễm trùng.
- Bôi kem kháng viêm: Bôi khi da viêm, sưng đỏ, ngứa. Khi da đã bớt sưng đỏ, ngứa nên hạn chế sử dụng kem kháng viêm, tăng cường liệu pháp chăm sóc làm ẩm bằng kem dưỡng ẩm. Nếu lạm dụng quá nhiều thuốc kháng viêm khiến màu da thay đổi, da mỏng, mọc lông, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nên sử dụng kem kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị kháng sinh nếu da bị nhiễm trùng: Chỉ bổ sung thêm kháng sinh trong thời gian ngắn. Nếu vết thương bị hở hay chảy dịch cần đắp gạc và vệ sinh thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.
- Có thể chườm lạnh để giảm viêm và giảm ngứa ở da.
- Tránh áp lực và căng thẳng khi làm việc, cần nghỉ và ngủ điều độ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch.
Giai đoạn phòng bệnh
- Tiếp tục bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm
- Sử dụng các hóa mỹ phẩm dành cho da nhạy cảm
- Tiếp tục chế độ ăn uống, chế độ vận động lành mạnh
Cách phòng ngừa viêm da cơ địa
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh viêm da cơ địa, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh khởi phát bằng những cách sau:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi, sau khi chơi thể thao, tiếp xúc trong môi trường nhiều bụi ô nhiễm.
- Tránh khói thuốc lá và môi trường nhiều bụi, ô nhiễm.
- Bôi kem dưỡng ẩm cho da sau khi tắm để tránh da bị khô gây nứt nẻ, viêm nhiễm.
- Hạn chế tắm nước nóng để tránh kích thích da, gây ngứa và viêm.
- Lựa chọn nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với làn da của bạn. Nên đọc kỹ thành phần để tránh gây kích ứng cho da.
- Hạn chế ăn hải sản, uống rượu bia, không hút thuốc lá,… có thể kích thích dị ứng, gây ngứa ngáy.
- Hạn chế tối đa gãi ngứa, cắt móng tay tránh việc gãi mạnh gây tổn thương da, với trẻ em cần đeo tất tay vào buổi tối.
- Nên mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Không tự ý mua thuốc chống dị ứng, cần uống theo toa của bác sĩ.