Viêm da cơ địa mãn tính: Dấu hiệu và cách phòng ngừa
Viêm da cơ địa thường được gọi là bệnh chàm, là bệnh mãn tính kéo dài gây khô da, ngứa và viêm. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần, khởi phát từ lúc nhỏ, với những đợt tái phát và có thể kéo dài suốt đời.
Viêm da cơ địa mãn tính
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa mãn tính
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa mãn tính là kết quả của sự tương tác nhiều yếu tố, bao gồm:
Di truyền: Protein “filaggrin” giúp duy trì độ ẩm cho da của bạn; sự thiếu hụt filaggrin có thể dẫn đến da khô hơn, ngứa hơn. Nếu bạn có thành viên trong gia đình bị viêm da cơ địa mãn tính thì bạn có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Chức năng hàng rào bảo vệ da bị rối loạn: Khi hàng rào bảo vệ da – lớp thượng bì bị viêm sẽ làm giảm hàm lượng ceramides và ảnh hưởng đến chức năng ngăn chặn, đáp ứng viêm của da. Ngoài ra, còn làm tăng tình trạng mất nước qua da và tăng khả năng xâm nhập của các chất gây kích ứng, dị ứng, tạo điều kiện để các tác nhân và vi khuẩn dễ dàng tấn công da, gây viêm da cơ địa dị ứng;
Đáp ứng miễn dịch bất thường
Môi trường: Các yếu tố môi trường có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch thay đổi hàng rào bảo vệ của da, khiến độ ẩm thoát ra nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến viêm da cơ địa. Những yếu tố này có thể bao gồm:
- Tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Một số loại chất gây ô nhiễm không khí.
- Nước hoa và các hợp chất khác được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da và xà phòng.
- Da khô quá mức.
Triệu chứng của người mắc bệnh viêm da cơ địa mãn tính
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm da cơ địa là ngứa, có thể nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Các mảng da khô, đỏ.
- Các vết phát ban có thể rỉ ra, chảy dịch trong hoặc chảy máu khi gãi.
- Lichen hóa: Làm dày và cứng da.
Các triệu chứng có thể bùng phát ở nhiều vùng trên cơ thể cùng một lúc và có thể xuất hiện ở cùng một vị trí và ở những vị trí mới. Sự xuất hiện và vị trí của phát ban khác nhau tùy theo độ tuổi; tuy nhiên, phát ban có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Những bệnh nhân có tông màu da sẫm màu hơn thường bị sạm hoặc sáng da ở những vùng da bị viêm.
- Nhũ nhi và trẻ em dưới 2 tuổi: phát ban đỏ thường xuất hiện nhất, có thể chảy dịch ra khi bị trầy xước, xuất hiện trên: mặt, da đầu, vùng da quanh khớp háng.
- Trẻ từ 2 tuổi đến tuổi dậy thì: phổ biến nhất là phát ban dày màu đỏ, có thể chảy nước hoặc chảy máu khi bị trầy xước, xuất hiện trên: Cổ, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân.
- Thanh thiếu niên và người lớn: phát ban có vảy màu đỏ đến nâu sẫm, có thể chảy máu và đóng vảy khi bị trầy xước là điều phổ biến nhất, xuất hiện trên: bàn tay, cổ, khuỷu tay và đầu gối, vùng da quanh mắt, mắt cá chân và bàn chân.
Viêm da cơ địa ở trẻ em
Những ai thường mắc bệnh viêm da cơ địa mãn tính
Viêm da cơ địa xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính nhưng trẻ em là đối tượng chiếm phần lớn – nhất là ở trẻ bị hen suyễn hoặc sốt cỏ khô (một dạng viêm mũi dị ứng). Tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn từ 2-5%, trong khi trẻ em lên tới 10-20%.
Ở trẻ sơ sinh, viêm da dị ứng thường có biểu hiện ban đầu là chàm sữa hoặc lác sữa – xuất hiện nhiều ở mặt, các nếp da vùng nách và bẹn; có thể lan rộng tới vùng da thân mình và tay chân. Thời gian bệnh thường bắt đầu từ 6 tới 12 tuần tuổi và dần cải thiện khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Ở trẻ lớn hơn, tình trạng viêm da có sự thay đổi qua các bộ phận như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân. Vùng da quanh miệng cũng có nguy cơ bị viêm bởi sự tác động của thức ăn và nước bọt. Nếu trẻ thường xuyên gãi ngứa sẽ dễ khiến vùng da tổn thương trở xơ hóa (da dày hơn, khô ráp hơn).
Đối với người lớn, người có ba mẹ hoặc người thân trong gia đình bị viêm da dị ứng hoặc người có da khô, da nhạy cảm là đối tượng có nguy cơ cao. Vùng da viêm da dị ứng ở người lớn thường tập trung ở bàn tay hoặc bàn chân.