Những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng?
Viêm đại tràng là gì?
Đại tràng (ruột già) là bộ phận quan trọng trong hệ thống đường ruột. Đại tràng chứa các chất cặn bã từ quá trình tiêu hóa thức ăn sau đó thải ra ngoài. Trước khi thải ra ngoài, đại tràng hấp thụ một phần dinh dưỡng từ các chất cặn bã đó. Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm, khu trú hoặc lan tỏa ở khu vực đại tràng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có rất nhiều cách để phân loại viêm đại tràng. Tuy nhiên chủ yếu viêm đại tràng được phân làm 2 loại chính dựa trên triệu chứng. Phổ biến nhất là viêm đại tràng cấp và mạn tính.
- Viêm đại tràng cấp tính thường do các vấn đề về ngộ độc thức ăn, vi khuẩn, virus hay do dùng thuốc. Bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng cấp tính của viêm đại tràng như sốt, đau bụng, mất nước, mất điện giải và thường đi đại tiện lỏng nhiều lần. Tuy nhiên mỗi lần đại tiện chỉ có một ít phân, trong phân có thể kèm theo máu hoặc chất nhầy.
- Viêm đại tràng mạn tính thường do các nguyên nhân viêm đại tràng tự miễn hoặc viêm đại tràng do các bệnh lý không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường gặp là bệnh nhân đau bụng quặn từng cơn. Bệnh nhân buồn đi ngoài và muốn đi ngoài nhiều lần trong ngày. Thường là vào buổi sáng khi ngủ dậy và sau khi ăn xong. Sau khi đi ngoài bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra tùy vào từng thể bệnh và bệnh nhân, có thể xuất hiện táo, bón hoặc đi lỏng.
Các nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đại tràng?
Theo thống kê mới đây cho biết, số người bị viêm đại tràng cấp và mạn tính ở nước ta chiếm khoảng trên 30% dân số và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. Mọi đối tượng đều có khả năng mắc phải, nhưng nguy cơ viêm đại tràng thường gặp nhất là:
- Người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi;
- Người bị táo bón kéo dài;
- Người thường xuyên bị căng thẳng, lo âu;
- Đối tượng ăn uống kém vệ sinh, môi trường sống không sạch sẽ;
- Người mắc các bệnh lý liên quan đến đường ruột;
- Người tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa, nhất là thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột.
Gợi ý thực đơn cho người mắc bệnh viêm đại tràng
Chế độ dinh dưỡng cho người viêm đại tràng hợp lí kèm một thói quen sinh hoạt sẽ giúp cho bệnh nhanh được hồi phục hơn. Cụ thể như sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, nên ăn nhiều rau quả tươi hợp để cung cấp chất xơ và vitamin cho cơ thể làm tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch. Tránh ăn những thực phẩm có hại cho dạ dày như đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, trái cây chứa hàm lượng acid cao, thức ăn cay nóng…
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải cho cơ thể, giúp khắc phục tình trạng thiếu nước do táo bón, kiết lỵ.
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao: Nên luyện tập những bài tập nhẹ nhàng giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ: Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài chính là một trong những nguyên nhân khiến cho bạn bị viêm đại tràng. Vì vậy để bệnh nhanh khỏi, bạn tạo một môi trường sống và tâm lý thoải mái nhất.
Người bệnh viêm đại tràng không nên vì quá lo lắng mà ăn uống kiêng khem. Điều này sẽ càng khiến cho cơ thể suy nhược thêm, kéo theo việc thiếu máu và thiếu dinh dưỡng rất nguy hiểm. Các bác sĩ cũng cho biết, có rất nhiều thực phẩm/ món ăn được công nhận là tốt cho người bệnh, nên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Người bị viêm đại tràng nên ăn gì?
- Nhóm thức ăn có chứa nhiều thành phần Lecitin (đậu nành, não của động vật, lòng đỏ trứng): Hợp chất này có tác dụng làm lành nhanh những tổn thương trên niêm mạc đại tràng.
- Cung cấp đủ đạm cho người bị viêm đại tràng: Khi đại tràng bị tổn thương thì chúng ta càng cần phải duy trì một lượng đạm cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thiếu đạm sẽ càng khiến cho tình trạng thiếu máu do viêm loét trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, mỗi ngày bệnh nhân cần được nạp 1g/kg đạm từ hạt đậu nành, sữa tươi (không chứa Lactose), các loại cá biển, thịt bò v.v…
- Đặc biệt, người bị viêm đại tràng nên ăn nhiều cá thu, cá mòi, cá hồi vì những loại cá này vừa có hàm lượng đạm cao vừa có khả năng chống viêm và không gây kích ứng đường ruột.
- Bổ sung lợi khuẩn: Trong đường ruột của chúng ta đã có sẵn những lợi khuẩn có khả năng hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, khi dạ dày hoặc đại tràng gặp vấn đề thì hoạt động của nhóm lợi khuẩn này sẽ bị suy giảm đáng kể. Chúng ta có thể bổ sung hàng tỉ lợi khuẩn cho đại tràng nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng bằng cách ăn 1-2 hũ sữa chua hàng ngày. Lưu ý không ăn khi bụng đói.
- Bên cạnh đó, người đang bị viêm đại tràng nên ăn thêm lúa mì, lúa mạch nguyên cám, đậu nành, chuối…vì đó là những thực phẩm có khả năng hỗ trợ tiêu hóa khá tốt, đồng thời giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn.
Để các thực phẩm trên có thể phát huy được hết những chất dinh dưỡng tốt cho đại tràng, bệnh nhân nên chế biến theo cách luộc, hầm, hấp…và chia nhỏ 3 bữa ăn chính ra thành 4-5 bữa nhỏ.
Những thực phẩm người bị viêm đại tràng không nên ăn
- Kiêng ăn các thực phẩm có chứa nhiều Lactose: nên hạn chế ăn bánh ngọt, sữa, kẹo, trái cây có vị ngọt gắt v.v…Nguyên nhân là vì hầu hết các món hấp dẫn đó đều có chứa lượng đường Lactose khá lớn, khiến cho đại tràng khó hấp thụ, dẫn tới tình trạng khó tiêu, đầy bụng và viêm nặng hơn.
- Tránh các thức ăn không tốt cho dạ dày: hạn chế ăn những món có chứa nhiều dầu mỡ, có gia vị cay nóng, thực phẩm đóng hộp, đồng thời kiêng luôn những loại thức uống có chứa nhiều cồn, gas.. Ngoài ra, những tổn thương trên niêm mạc đại tràng sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh ăn quá nhiều những nước sốt dạng đậm đặc như sốt cà chua, sốt mayonnaise, sốt BBQ…
- Nói không với chất xơ không hòa tan: Đây là thành phần chính có trong các ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây, rau xanh. Và dĩ nhiên đúng như tên gọi, chất xơ này sẽ không tan trong nước, không bị phá vỡ bởi vi khuẩn trong đường ruột, không hấp thu được vào máu. Do đó, tuy giúp cho việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn nhưng lượng chất xơ không hòa tan sẽ khiến cho niêm mạc đại tràng bị cọ xát nhiều hơn.