Viêm phế quản là gì và những điều cần biết
Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em và người cao tuổi, mặc dù không phải là bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị tình trạng mức độ bệnh nặng và kéo dài gây biến chứng nguy hiểm. Tìm hiểu ngay!
Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em và người cao tuổi
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc đường dẫn khí phế quản khiến cho các đường ống này bị thu hẹp lại và xuất hiện các chất nhầy, dịch mủ gây cản trở sự lưu thông của khí hít vào và thở ra. Vì vậy, người bệnh viêm phế quản thường ho, khạc đờm.
Có 2 loại viêm phế quản là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn tính.
- Viêm phế quản cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản do vi khuẩn hay vi rút gây ra. Bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
- Viêm phế quản mạn tính: Bệnh lý được coi là mạn tính khi tình trạng bệnh kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, các ống phế quản bị tổn thương nghiêm trọng tạo ra nhiều đàm, gây ho và khó thở. Nếu không được điều trị dứt điểm có thể biến chứng trở thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh nguy hiểm, khó điều trị và để lại nhiều hậu quả lâu dài, thậm chí có nguy cơ gây tử vong.
Bệnh viêm phế quản cấp tính không được điều trị dứt điểm, tái phát liên tục trong thời gian dài dẫn đến viêm phế quản mạn tính, bệnh sẽ có những biến chứng nghiêm trọng hơn nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh lý mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa hoặc trở lạnh bất thường. Trẻ em và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm phế quản cấp là do vi rút, ngoài ra vi khuẩn, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, bệnh dị ứng đường hô hấp trên cũng có thể gây viêm phế quản cấp.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm phế quản mạn tính. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản như sức đề kháng kém, thời tiết thay đổi thất thường, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chất hóa học hay chất kích thích.
Triệu chứng viêm phế quản cấp và mạn tính
Dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết của bệnh viêm phế quản cấp tính hoặc viêm phế quản mãn tính có thể kể đến như:
- Ho dai dẳng kéo dài: Dấu hiệu ho thường xảy ra liên tục và kéo dài, ho khan, ho thành tiếng, ho có đờm, đờm màu trong hoặc màu trắng hoặc màu xám vàng hoặc màu xanh lục.
- Sốt: Tùy cơ địa mà người bệnh có thể không sốt, sốt nhẹ hoặc cao.
- Đau họng: Cổ họng có thể bị sưng to, ngứa rát, đau khi nuốt.
- Mệt mỏi: Người bệnh mệt mỏi, khó nuốt, chán ăn khiến sức khỏe yếu hơn.
- Thở khò khè, tức ngực.
Tùy vào cơ địa từng người mà triệu chứng bệnh viêm phế quản có mức độ nặng nhẹ khác nhau, một số người dấu hiệu không rõ ràng và khó nhận biết. Do đó, cần phải quan sát kỹ lưỡng và không được bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào, điều trị sớm và dứt điểm tránh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.
Biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản không được điều trị dứt điểm, kéo dài khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và gây khó khăn trong việc điều trị.
- Viêm phổi.
- Bệnh hen phế quản.
- Các bệnh về tim mạch.
- Phòng ngừa bệnh Viêm phế quản cấp.
Cách điều trị bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản cấp thường do vi rút gây ra, vì vậy bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh xa các tác nhân khởi phát đợt cấp, kết hợp chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe thì bệnh sẽ giảm và phục hồi sau vài ngày đến 1 tuần. Tùy từng triệu chứng cụ thể mà bác sĩ có thể kê một số thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc long đờm để làm giảm cảm giác khó chịu của bệnh nhân.
Đối với viêm phế quản mạn tính, tùy từng bệnh nhân và tình trạng bệnh thực tế mà bác sĩ sẽ kê những đơn thuốc phù hợp để điều trị. Đặc biệt, việc xây dựng các bài tập thể dục phù hợp giúp thở dễ dàng hơn là cách hỗ trợ trị bệnh viêm phế quản mạn tính hiệu quả.
Lưu ý, người bệnh không được tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh điều trị, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Viêm phế quản có lây không và cách phòng ngừa
Một người bị viêm phế quản cấp thì trong dịch đờm đã tồn tại một lượng vi rút nhất định, vì vậy rất dễ lây truyền sang người khác. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ lây gián tiếp thông qua sờ, cầm nắm, sử dụng chung đồ vật cá nhân với người bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe, hạn chế mắc bệnh viêm phế quản, hãy chủ động các biện pháp phòng bệnh.
- Tránh xa các chất kích thích, không hút thuốc hoặc tránh ngồi gần nguồn khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, tránh khói bụi.
- Tăng cường hệ miễn dịch nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ các nhóm chất, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất,…
- Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Luyện tập thể thao điều độ tăng sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, phế cầu.
- Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là khi ở trong môi trường, không khí bị ô nhiễm, hoặc khi phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa mạnh.
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là khi vào mùa lạnh hoặc thời tiết thay đổi thất thường.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
Tránh xa các nguy cơ và chủ động các biện pháp phòng bệnh viêm phế quản.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.