Viêm túi mật mãn tính có biểu hiện gì? Điều trị như thế nào?
Viêm túi mật mãn tính là tình trạng viêm kéo dài ở túi mật, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy viêm túi mật mãn tính có biểu hiện như thế nào và điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Viêm túi mật là gì? Nguyên nhân do đâu?
Túi mật có nhiệm vụ lưu trữ và giải phóng mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Viêm túi mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở túi mật, một cơ quan nhỏ nằm dưới gan. Khi túi mật bị nhiễm trùng và nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể trở thành mãn tính với các đợt tái phát liên tục.
Viêm túi mật có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do sự tắc nghẽn đường mật bởi sỏi mật. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây viêm túi mật, bao gồm:
- Do nhiễm trùng đường mật bởi virus hoặc vi khuẩn.
- Nhiễm trùng ống mật chủ (CBD) có thể lây lan và ảnh hưởng đến túi mật.
- Tắc nghẽn ống mật chủ.
- Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
- Dư thừa cholesterol trong túi mật có thể dẫn đến sự hình thành sỏi và viêm.
- Khối u trong gan, túi mật hoặc tuyến tụy gây chèn ép đường mật.
- Bệnh tiểu đường làm giảm lưu lượng máu đến túi mật.
- Các vấn đề liên quan đến mạch máu.
Khi viêm túi mật cấp tính không được điều trị và các triệu chứng tái phát nhiều lần, tình trạng này có thể phát triển thành viêm túi mật mãn tính.
Các triệu chứng của viêm túi mật mãn tính
Viêm túi mật mãn tính có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau bụng âm ỉ ở vùng hạ sườn phải.
- Cơn đau kéo dài liên tục khoảng 30 phút.
- Phân có màu đất sét.
- Vàng da và vàng lòng trắng của mắt.
- Chướng bụng, khó tiêu.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Sốt nhẹ.
Đối tượng nào dễ mắc phải viêm túi mật mãn tính?
Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm túi mật mãn tính bao gồm:
- Người có tiền sử sỏi mật: Sỏi mật là nguyên nhân chính gây viêm túi mật mãn tính.
- Người béo phì hoặc có chế độ ăn nhiều chất béo: Dinh dưỡng kém có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi và gây viêm túi mật.
- Người lớn tuổi: Túi mật có thể giảm chức năng theo tuổi tác, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm cao hơn.
- Người có tiền sử viêm túi mật cấp: Nếu không điều trị triệt để, viêm túi mật cấp có thể dẫn đến tình trạng mãn tính.
- Những người có vấn đề liên quan đến hormone: Phụ nữ mang thai, bệnh nhân tiểu đường hoặc những người đang điều trị bằng liệu pháp hormone có nguy cơ cao hơn bị viêm túi mật.
- Giảm cân hoặc tăng cân nhanh chóng: Có thể gây ra rối loạn và ảnh hưởng tiêu cực đến túi mật.
Viêm túi mật có nguy hiểm không?
Các cơn đau do viêm túi mật mãn tính thường xuất hiện trong hoặc sau bữa ăn, kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Điều này khác biệt hoàn toàn với viêm túi mật cấp tính, với biểu hiện đột ngột và nghiêm trọng hơn.
Một số trường hợp sỏi túi mật, viêm túi mật hoặc sỏi ống mật chủ có thể dẫn đến biến chứng viêm tụy, nhiễm trùng đường mật, thủng túi mật. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể tiến triển thành sốc hoặc suy đa tạng. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường, cần thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm túi mật mãn tính
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm túi mật mãn tính, bác sĩ sẽ dựa trên các phương pháp sau:
- Siêu âm bụng: Giúp phát hiện sỏi mật, tình trạng dày thành túi mật hoặc dịch xung quanh túi mật.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số về chức năng gan, mật và sự hiện diện của vi khuẩn gây viêm.
- Chụp CT hoặc MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về túi mật và các cơ quan xung quanh.
- Xạ hình gan mật: Ít được chỉ định nhưng vẫn là một lựa chọn trong một số trường hợp.
Điều trị
Phương pháp điều trị viêm túi mật mãn tính bao gồm:
- Dùng thuốc kháng viêm và kháng sinh: Được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật: Đây là phương pháp điều trị dứt điểm, thường được chỉ định khi túi mật đã tổn thương nghiêm trọng hoặc có nguy cơ biến chứng.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Thực hiện khi có sỏi đường mật kết hợp. Nội soi mật tụy ngược dòng giúp lấy sỏi ở ống mật chủ trước khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật.
- Phương pháp nội khoa: Đối với những bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật, có thể điều trị bằng cách xây dựng chế độ ăn ít chất béo để giảm các triệu chứng viêm túi mật mãn tính.
Biện pháp phòng ngừa viêm túi mật mãn tính
Để phòng ngừa viêm túi mật mãn tính, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế chất béo, tăng cường rau xanh và chất xơ để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng ổn định và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến túi mật.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với những người có tiền sử sỏi mật hoặc viêm túi mật cấp để phát hiện và điều trị sớm.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm túi mật mãn tính và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nếu có các triệu chứng bất thường nào, nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn chính các nhất.