Ai dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị,… Cùng Pharmacity tìm hiểu về chủ đề Ai dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung qua bài viết sau nhé.
Ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung
Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung như sau:
- Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi;
- Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang, trực tràng)
- Kinh nguyệt thất thường, kéo dài
- Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV (Human papillomavirus) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, 90-100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Mặc dù có tới hơn 200 type HPV khác nhau, nhưng chỉ khoảng 40 type lây nhiễm ở đường sinh dục và ít nhất 15 type liên quan đến ung thư.
- Các nhóm 16, 18, 45, 56 thường có liên quan với các tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm nhập.
- HPV nhóm 18 có liên quan với ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô kém biệt hoá cổ tử cung cũng như tỷ lệ di căn hạch và khả năng tái phát của bệnh.
- Các nghiên cứu cho thấy HPV nhóm 16 liên quan với ung thư biểu mô vảy sừng hóa có tỷ lệ tái phát thấp hơn.
Do nhận thấy mối liên quan rõ rệt giữa nhiễm HPV và nguy cơ mắc bệnh ung thư nên hiện nay đã có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và đã tìm ra vắc-xin chống HPV làm giảm sự nhiễm HPV liên tục cũng như giảm các tổn thương loạn sản.
Ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân gây nên, ngoài yếu tố chủ yếu nhiễm HPV, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ khác như:
- Hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình)
- Nhiễm trùng
- Nhiễm Herpes virus
- Tác động của tinh dịch
- Trạng thái suy giảm miễn dịch
- Hút thuốc lá
- Dinh dưỡng.
Ai dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Một số nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần so với người khác, cụ thể:
- Phụ nữ 35 tuổi trở lên: Theo thống kê, phụ nữ trên 35 tuổi, đặc biệt là nhóm phụ nữ 45-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung đang trẻ hóa, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc ung thư cổ tử cung khi chỉ mới 14 tuổi.
- Phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục nhiều lần, quan hệ tình dục không an toàn, sinh đẻ nhiều lần, sinh đẻ sớm… khiến cơ quan sinh sản tổn thương, tăng cao nguy cơ nhiễm virus HPV, là tác nhân hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung.
- Người suy giảm miễn dịch: Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Việc suy giảm miễn dịch là yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
- Các đối tượng khác như người thường xuyên hút thuốc lá, người thường xuyên căng thẳng, người béo phì, thừa cân…
Tiêm vắc xin để phòng ung thư cổ tử cung
Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Mặc dù ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm tuy nhiên hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. Chỉ với các cách phòng ngừa đơn giản từ ban đầu mà bạn có thể chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, tiết kiệm được chi phí điều trị như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên v.v… giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm tác động của các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung.
- Giảm các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung: đời sống tình dục an toàn, tránh lập gia đình sớm, sinh con sớm, hút thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động).
- Tiêm vắc-xin phòng lây nhiễm HPV: Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ ở độ tuổi từ 9 – 26 nên tiêm ngừa vacxin HPV, đây là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất, được đánh giá là có thể giảm 90% nguy cơ mắc bệnh.
- Sàng lọc để phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung: Được thực hiện cho phụ nữ từ 21-65 tuổi, đã có quan hệ tình dục, ưu tiên cho nhóm phụ nữ từ 30 – 50 tuổi.
- Độ tuổi 21 – 65 sàng lọc theo phác đồ, nếu sau 3 lần xét nghiệm sàng lọc liên tiếp có kết quả âm tính thì có thể giãn thời gian sàng lọc sau mỗi chu kỳ thêm 1- 2 năm.
- Trên 65 tuổi: có thể ngừng sàng lọc nếu có: Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc âm tính hoặc ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính. Không có kết quả xét nghiệm bất thường trong 10 năm trước đó. Hoặc Đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về ung thư cổ tử cung. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.