Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Căn bệnh này có mối liên hệ chặt chẽ với một số chủng virus HPV. Ung thư cổ tử cung (UTCTC) thường không rõ triệu chứng, tiến triển chậm khiến người bệnh chủ quan, không điều trị từ sớm. Cùng tìm hiểu thông tin ung thư cổ tử cung, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa UTCTC ở bài viết dưới đây.
Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là cơ quan nối âm đạo và tử cung, được ví như cửa ngõ cho phép tinh trùng di chuyển vào trong tử cung. Khi mang thai, cổ tử cung sẽ mở rộng và mỏng đi, báo hiệu bắt đầu một thai kỳ. Đến giai đoạn sinh nở, cổ tử cung cho phép thai nhi rời khỏi tử cung, đi qua âm đạo và chào đời. Sau sinh nở, cổ tử cung nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái ban đầu.
Cổ tử cung được cấu tạo bởi hai phần và được bao phủ bởi 2 loại tế bào khác nhau. Các tế bào tuyến bao phủ ở phần mở của cổ tử cung dẫn vào tử cung. Tế bào vảy bao phủ phần bên ngoài của cổ tử cung – nơi bác sĩ có thể nhìn thấy khi khám bằng mỏ vịt. Nơi hai loại tế bào này gặp nhau trong cổ tử cung có tên là vùng biến đổi. Hầu hết ung thư ở cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào ở vùng biến đổi.
Ung thư cổ tử cung (tiếng Anh là Cervical Cancer) là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.
Hình ảnh ung thư cổ tử cung và cổ tử cung bình thường.
Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung
Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiền ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi khối u ác tính trở nên lớn hơn và di căn vào các mô lân cận, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sẽ xuất hiện. Một vài triệu chứng thường gặp là:
- Vùng chậu xuất hiện cảm giác đau rát mỗi khi giao hợp.
- Âm đạo chảy máu (sau giao hợp, giữa kỳ kinh, sau mãn kinh) không theo chu kỳ cụ thể.
- Dịch âm đạo có xu hướng tiết ra nhiều hơn, dịch màu xám và kèm theo mùi hôi.
- Khó đi tiểu hoặc đi tiểu nhiều.
- Nước tiểu lẫn máu (dấu hiệu cho thấy tế bào ác tính di căn đến bàng quang và trực tràng).
- Chu kỳ kinh thay đổi bất thường.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Cân nặng giảm không rõ lý do.
Đau vùng chậu sau khi giao hợp có thể là dấu hiệu của UTCTC
UTCTC sau khi di căn thường có triệu chứng:
- Sưng chân
- Khó đi tiểu hoặc đi tiêu
- Có máu trong nước tiểu
- Suy thận
- Đau xương
- Giảm cân và chán ăn
- Mệt mỏi
Biến chứng của bệnh ung thư cổ tử cung
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Các biến chứng nguy hiểm như:
- Vô sinh: Các khối u xâm lấn và tác động đến cổ tử cung – nơi tinh trùng và trứng gặp nhau. Trong một số trường hợp, để điều trị dứt điểm bệnh, đảm bảo tính mạng người bệnh đòi hỏi phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ. Thêm vào đó, việc cắt buồng trứng có thể khiến quá trình mãn kinh diễn ra sớm hơn.
- Ảnh hưởng tâm sinh lý: Bệnh gây rối loạn cảm xúc, nhiều trường hợp người bệnh bị trầm cảm, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
- Chảy máu bất thường: Trường hợp các khối u xâm lấn vào âm đạo, hoặc di căn đến ruột, bàng quang có thể gây chảy máu, người bệnh đi tiểu có lẫn máu.
- Suy thận: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các khối u có thể chen vào niệu quản, làm tắc dòng nước tiểu ra khỏi thận. Khi nước tiểu tích tụ lâu ngày sẽ khiến thận sưng lên, nguy cơ gây sỏi thận và suy giảm chức năng thận.
- Giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, ung thư cổ tử cung có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Tiêm vắc xin phòng virus HPV được xem là biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hữu hiệu nhất, để giảm nguy cơ mắc bệnh lý ở nữ giới. Tại Việt Nam, vắc xin phòng ngừa virus HPV đã được Bộ Y tế cấp phép có hiệu lực sử dụng từ năm 2007, có khả năng phòng ngừa tổn thương và lây nhiễm gây ra bởi 2 tuýp HPV nguy cơ cao là 16 và 18. Thêm vào đó, vắc xin còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn…
- Khuyến cáo chị em phụ nữ xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV – tác nhân dẫn đến u cổ tử cung.
- Không quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, còn nhạy cảm.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì nguy cơ cao lây nhiễm virus HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác.
- Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục…
- Đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường
Tiêm vacxin HPV là cách ngừa bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất
Kết luận
Ung thư cổ tử cung là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ, nhưng nó hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát được nếu chúng ta hiểu rõ và thực hiện đúng các biện pháp. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm bắt được những thông tin cần thiết về triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Đừng quên rằng việc tiêm vắc-xin HPV, duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân. Hãy chăm sóc và lắng nghe cơ thể mình, và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi có dấu hiệu bất thường. Sự chủ động và kiến thức đúng đắn sẽ giúp bạn phòng ngừa và đối phó hiệu quả với căn bệnh này, mang lại cuộc sống khỏe mạnh và an yên.