Bé 7 tháng biết làm gì? Các mốc phát triển quan trọng của trẻ
Bé 7 tháng biết làm gì là câu hỏi được rất nhiều bố mẹ quan tâm. Ở giai đoạn này, bé sẽ có những bước phát triển đáng kinh ngạc cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu các mốc phát triển của trẻ 7 tháng tuổi qua bài viết sau.
Chiều cao và cân nặng của bé 7 tháng tuổi
Trong giai đoạn 7 tháng tuổi, bé thường phát triển nhanh chóng về chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của mỗi bé còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chỉ số chiều cao và cân nặng trung bình của bé trai và bé gái ở độ tuổi này như sau:
Chiều cao trung bình | Cân nặng trung bình | |
Bé trai | 67 cm – 71 cm | 7,4 kg – 9,2 kg |
Bé gái | 65 cm – 69 cm | 6,8 kg – 8,6 kg |
Bé 7 tháng biết làm gì?
Vậy 7 tháng bé biết làm gì? Dưới đây là sự phát triển của trẻ khi được 7 tháng tuổi mà bố mẹ nên biết.
Sự phát triển về vận động
Ở tuổi này, bé đã phát triển khá nhiều về kỹ năng vận động và thể chất. Một số kỹ năng vận động mà bé 7 tháng tuổi có thể thực hiện bao gồm:
Vận động thô
Trẻ khi bước vào giai đoạn 7 tháng tuổi sẽ phát triển các kỹ năng vận động như sau:
- Bé có khả năng lật người khi nằm sấp.
- Trẻ đã có khả năng ngồi nhờ sự giúp đỡ từ người lớn.
- Bắt đầu biết bò, bất kể là bò sấp hay bò ngửa.
Vận động tinh
Ngoài các kỹ năng vận động cơ bản, trong giai đoạn này, bé cũng sẽ phát triển linh hoạt hơn thông qua các hành động như:
- Cầm hai vật và đập chúng vào nhau.
- Chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia.
- Nhặt đồ chơi nhỏ, ném đi và vươn tay nhặt lại.
- Tiếp cận các vật ở gần bằng một hoặc cả hai tay.
- Có thể đưa những vật nhỏ vào miệng.
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể biết bò và ngồi
Mốc phát triển về cảm xúc
Bé 7 tháng tuổi đã bắt đầu thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn, đây là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển các kỹ năng khác. Các mốc phát triển về cảm xúc bao gồm:
- Bé biết cười, khóc, cáu kỉnh và thể hiện nhiều biểu cảm trên khuôn mặt.
- Tỏ ra thích thú khi nhìn thấy người quen.
- Có thể bắt chước biểu cảm của người khác như cười, khóc, ho, chặc lưỡi.
- Bé biết tỏ ra sợ người lạ.
- Vui vẻ và phấn khích khi bố mẹ chơi với mình.
- Biết bộc lộ cảm xúc đối với thứ trẻ thích và không thích.
Cột mốc phát triển về nhận thức
Phát triển nhận thức ở trẻ 7 tháng tuổi là quá trình mà trẻ bắt đầu học hỏi, khám phá và tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh. Sự phát triển nhận thức của bé 7 tháng tuổi bao gồm:
- Bé thường đưa mọi thứ vào miệng để tìm hiểu.
- Bé có thể nhận ra và phân biệt khuôn mặt của người thân.
- Thích tự ngắm mình trong gương.
- Hiểu được một số từ cơ bản như ngủ, ăn, ba, mẹ…
- Né tránh và quay mặt chỗ khác khi không muốn ăn.
- Biết bập bẹ một vài từ như “a”, “ê”, “ma”, “ba”.
- Bé có thể tìm kiếm các đồ vật hoặc nhìn theo các vật có màu sắc bắt mắt.
Sự phát triển về kỹ năng giao tiếp
Trẻ 7 tháng tuổi bắt đầu biết sử dụng cử chỉ và âm thanh để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Điều này cho thấy kỹ năng giao tiếp của bé đang phát triển vượt bậc. Bé ở độ tuổi này có thể:
- Phản ứng nhìn theo khi được gọi tên.
- Trẻ biết phát ra âm thanh để phản ứng khi nghe người lớn nói.
- Biết bập bẹ một số từ ngắn đơn giản.
- Bé la hét để thu hút sự chú ý từ người lớn.
- Cố gắng bắt chước những từ mà bố mẹ nói.
Bé 7 tháng tuổi biết phát ra âm thanh khi bố mẹ vui chơi với bé
Giấc ngủ của trẻ 7 tháng tuổi
Trẻ 7 tháng tuổi nên ngủ khoảng 12-14 giờ mỗi ngày, trong đó bao gồm khoảng 9-12 giờ vào ban đêm. Tuy nhiên, giai đoạn này trẻ có những thay đổi về giấc ngủ làm trẻ khó ngủ hoặc ngủ chập chờn, dễ giật mình nửa đêm.
Ngoài ra, ở tuổi này, có thể bé sẽ mọc răng, gây ra cảm giác không thoải mái và làm gián đoạn giấc ngủ đêm. Vì vậy, bố mẹ cần kiên nhẫn để giúp bé cảm thấy thoải mái vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ 7 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, bên cạnh việc bổ sung sữa mẹ hoặc sữa công thức, bé cũng có thể bắt đầu ăn dặm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khẩu phần ăn dặm của trẻ 7 tháng tuổi thường bao gồm các loại thực phẩm sau:
- Bột: Bé nên ăn 3 bữa bột ăn dặm mỗi ngày, mỗi bữa gồm 20g bột gạo kết hợp với 20g thịt (hoặc cá, trứng, tôm, cua…). Trong mỗi bữa ăn, nên thêm rau xanh và dầu ăn dặm để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.
- Sữa chua: Bổ sung khoảng 50g sữa chua mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa của bé. Nên cho bé ăn sữa chua sau bữa chính ít nhất 30 phút.
- Cháo: Cháo thường được sử dụng khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ cũng có thể kết hợp với các nguyên liệu khác để bé làm quen với nhiều hương vị.
- Phô mai: Phô mai có thể được thêm vào cháo hoặc bột buổi sáng để bổ sung canxi.
Nên lưu ý tránh cho bé ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng như hải sản, thịt bò và thức ăn lợn cợn. Mẹ có thể cho bé tập ăn từ từ sau khi bé đủ 9 tháng tuổi để bé có thể tiêu hoá được và không bị nôn.
Trẻ 7 tháng tuổi bước vào giai đoạn bắt đầu tập ăn dặm
Khi nào bé 7 tháng cần đi khám bác sĩ?
Ngoài việc nắm rõ thông tin bé 7 tháng biết làm gì, trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu bất thường sau, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời:
- Không thực hiện được các hoạt động vận động như lật người, ngồi hoặc bò.
- Không phản ứng với âm thanh hoặc không quay đầu theo hướng âm thanh.
- Bé không thể hiện cảm xúc như cười, khóc.
- Không nhận biết khuôn mặt người quen.
- Trẻ bị còi xương, không tăng cân.
- Thờ ơ với các hoạt động xung quanh.
- Trẻ ngủ nhiều, ít cựa quậy.
Cách chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi phát triển toàn diện
Sau khi biết bé 7 tháng biết làm gì, để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, bố mẹ cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sau đây:
- Khuyến khích vận động: Tạo môi trường an toàn để bé tự do vận động và khám phá. Hãy đặt các đồ chơi xung quanh bé và khuyến khích bé bò lại nhặt.
- Tương tác thường xuyên: Nên dành thời gian chơi với bé nhiều hơn bằng cách nói chuyện, hát hò, chơi ú oà và đọc sách cho bé nghe hàng ngày .
- Chăm sóc dinh dưỡng: Đảm bảo bé nhận đủ dinh dưỡng từ cả sữa mẹ và thức ăn dặm. Cung cấp khẩu phần ăn đa dạng và cân đối để hỗ trợ sự phát triển và sức khỏe của bé.
- Tạo thói quen ngủ: Thiết lập một thói quen ngủ đều đặn, tạo một môi trường ngủ yên tĩnh cho bé và đảm bảo trẻ 7 tháng ngủ đủ 12 – 14 giờ mỗi ngày.
- Theo dõi phát triển: Theo dõi các cột mốc phát triển của bé để đảm bảo rằng bé phát triển bình thường và hỗ trợ bé trong quá trình phát triển của mình.
- Cho bé ăn dặm đúng cách: Cung cấp thức ăn dặm phù hợp và theo dõi phản ứng của bé đối với từng loại thực phẩm mới. Tránh bắt ép khi trẻ không muốn ăn.
Trên đây đã giải đáp những thắc mắc về việc bé 7 tháng biết làm gì và cách hỗ trợ bé trong quá trình phát triển. Bằng cách hiểu rõ các mốc phát triển cũng như nhu cầu của bé, bố mẹ sẽ giúp bé phát triển toàn diện và sẵn sàng cho quá trình phát triển tiếp theo.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.