Bệnh kiết lỵ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả
Bệnh kiết lỵ là căn bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tình trạng tiêu chảy dữ dội, đau bụng và sốt cao. Trong bài viết này, Pharmacity sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh kiết lỵ, từ nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cùng tìm hiểu để trang bị kiến thức và duy trì sức khỏe tốt nhất.
Bệnh kiết lỵ là gì?
Bệnh kiết lỵ là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn E. coli, shigella, salmonella,… và một số vi khuẩn khác gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân bằng cách lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn có trong phân, qua các loại thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm hoặc khi bạn bơi lội trong nước bẩn.
Đây là bệnh lý tương đối phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em tới người già. Tuy nhiên, so với người trưởng thành thì kiết lỵ xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi từ 2 – 4 tuổi. Do đó, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc cẩn thận cho con em mình để tránh trường hợp mắc bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến kiết lỵ
Bệnh kiết lỵ được chia thành 2 nguyên nhân chính, tương ứng với những đặc điểm và các triệu chứng riêng biệt:
- Kiết lỵ do vi khuẩn Shigella: Hay được gọi là lỵ trực khuẩn. Loại vi khuẩn này thường thông qua đồ ăn, nước uống bẩn đi vào cơ thể và tấn công vào niêm mạc ruột già.
- Kiết lỵ do ký sinh trùng Entamoeba: Hay còn gọi là lỵ amip. Mầm bệnh là trứng của ký sinh trùng tồn tại trong đất, nước uống, thức ăn đi vào cơ thể và phát triển thành con trưởng thành trong đường tiêu hóa.
Cả kiết lỵ do vi khuẩn hoặc amip đều lây truyền theo đường tiêu hóa nên một số các yếu tố nguy cơ cao hình thành bệnh gồm:
- Không xử lý phân và rác thải sinh hoạt đúng cách, thải trực tiếp ra môi trường.
- Người sống tại nông thôn hoặc nơi có điều kiện vệ sinh chưa tốt.
- Không thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
- Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém hoặc người suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai.
Bệnh kiết lỵ có nguy hiểm không?
Đã biết kiết lỵ là gì thì bạn không thể thờ ơ với mức độ nguy hiểm của nó. Người bị kiết lỵ nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ phải đối mặt với một số biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa do amip,…
Nguy hiểm hơn, bệnh kiết lỵ có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ nhỏ, người trên 50 tuổi và người bị mất nước, suy dinh dưỡng.
Triệu chứng dẫn đến bệnh kiết lỵ
Giai đoạn đầu của kiết lỵ (ủ bệnh) có thể kéo dài từ 1 – 7 ngày sau khi các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể. Một số các triệu chứng kiết lỵ ở người lớn điển hình của bệnh gồm:
Hội chứng nhiễm khuẩn
Bệnh nhân có thể xuất hiện một hoặc nhiều các biểu hiện nhiễm khuẩn ở các mức độ khác nhau:
- Sốt cao và liên tục từ 38 đến trên 39 độ C.
- Người rét run, ớn lạnh.
- Cơ thể uể oải và mệt mỏi.
- Đau đầu, căng tức khắp các cơ bắp.
- Miệng khô đắng, chán ăn.
- Các trường hợp sốt cao có thể gây ra mất nước, co giật.
Hội chứng lỵ
Hội chứng lỵ là biểu hiện phổ biến ở nhiều bệnh nhân và có thể kéo dài từ 5-10 ngày:
- Đau bụng âm ỉ quanh vùng rốn, sau đó lan khắp bụng.
- Xuất hiện nhiều cơn đau quặn vùng bụng dưới.
- Mót rặn, liên tục cảm thấy buồn đại tiện.
- Đi ngoài phân nát hoặc lỏng, có lẫn nhiều nhầy máu.
Một số phương pháp điều trị bệnh kiết lỵ
Mục tiêu của việc điều trị là bổ sung lượng chất lỏng bị mất do tiêu chảy liên tục và điều trị nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng sức khỏe vẫn tốt và trường hợp bệnh của bạn nhẹ thì có thể áp dụng một số các phương pháp điều trị dưới đây:
Sử dụng kháng sinh
Đối với trường hợp người bệnh là trẻ sơ sinh, người già hay những người bị nhiễm HIV, việc sử dụng kháng sinh để điều trị là cần thiết. Bởi đây là các đối tượng có nguy cơ lây lan bệnh cao hơn so với những người khác.
Bạn có thể đến bệnh viện hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để có thể được thăm khám và điều trị bằng thuốc kháng sinh. Khi điều trị, bạn nên tuân thủ những chỉ định của bác sĩ để đảm bảo nhanh chóng khỏi bệnh. Lưu ý, không nên tự thay đổi đơn thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng liều lượng gây ra các tác dụng phụ hoặc nhờn thuốc làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Sử dụng chất lỏng và muối thay thế
Đối với những người lớn khỏe mạnh có thể uống nhiều nước để có thể bổ sung cho lượng chất lỏng cơ thể bị mất do tiêu chảy. Đối với các trường hợp nghiêm trọng không thể tự uống nước để bù chất lỏng cho cơ thể thì cần đưa đến các cơ sở y tế để có thể được truyền nước và các loại muối thông qua tĩnh mạch. So với tự uống thì việc truyền qua tĩnh mạch sẽ cung cấp nước cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhanh hơn.
Cách phòng ngừa bệnh kiết lỵ hiệu quả
Rửa sạch tay bằng với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Thực hiện ăn chín, uống sôi. Lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rửa sạch và ngâm rau sống với nước muối, thức ăn cần được đậy kỹ để tránh ruồi nhặng bu.
Vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp đúng quy trình.
Bệnh kiết lỵ nên ăn gì và kiêng ăn gì
Bị kiết lỵ nên ăn gì?
Nên ăn những món ăn nhạt dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ.
Rau củ quả tươi, có thể mang luộc hoặc ép thành nước để uống.
Bổ sung lợi khuẩn Probiotic để giúp cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn.
Ăn những loại thực phẩm có tác dụng diệt khuẩn như: lá chè, ngó sen, tỏi,..
Bị kiết lỵ kiêng ăn gì?
Khi bị bệnh kiết lỵ bạn cần tránh một số loại đồ uống, thực phẩm sau đây:
- Hạn chế dùng các thực phẩm như: giá đậu, rau cần, hành tây, rau hẹ,… Đây là các thực phẩm chứa nhiều xơ, làm đi ngoài nặng hơn, bất lợi đối với việc hồi phục các vết viêm loét và kích thích các vết loét đường ruột hơn.
- Giảm các thực phẩm giàu Protein như: thịt, cá, trứng, sữa bò,.. trong các bữa ăn hàng ngày.
- Không ăn các thức ăn kích thích như: hạt tiêu, bột hạt cải, ớt,…
- Không dùng đồ uống có ga, rượu, bia,…
Bệnh kiết lỵ mặc dù có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, tuy nhiên hoàn toàn có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu bạn nắm vững thông tin về nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh. Đừng quên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp khi cần.