Bệnh lao hô hấp: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và mức độ nguy hiểm
Nguyên nhân bệnh lao gây ra bởi nhiễm khuẩn Mycobacterium tuberculosis và là một bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan nhanh trong cộng đồng. Lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Vậy bệnh lao là gì, triệu chứng, yếu tố nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh như thế nào, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu bài viết dưới đây.
Bệnh lao hô hấp là gì?
Bệnh lao được chia thành 2 nhóm bệnh gồm lao phổi và lao ngoài phổi. Bệnh lao có thể gặp ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như: lao màng não, lao màng phổi, lao xương khớp, lao sinh dục, lao màng bụng… Nhưng phổ biến nhất và chiến đến 80-85% trong nhóm bệnh lao là bệnh lao hô hấp.
Những bệnh nhân lao ngoài phổi không có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Nhưng ngược lại, lao hô hấp là bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng với tốc độ lây lan nhanh chóng và được coi là nguyên nhận gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng.
Bất kỳ ai đều có nguy cơ mắc bệnh lao hô hấp từ trẻ nhỏ đến người lớn, nhất là người có hệ miễn dịch kém, bệnh lý mãn tính đi kèm.
Thực trạng mắc bệnh lao hô hấp trong cộng động được thể hiện qua những số liệu như
- Số liệu được thống kê năm 2015: có đến 1,8 triệu người bị mắc lao hô hấp tử vong và 10,4 triệu người nhiễm bệnh.
- Ước tính theo Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có 9 triệu người nhiễm bệnh lao mỗi năm và trong đó có tới 3 triệu người không được tiếp cận điều trị y tế.
- Bệnh lao hô hấp biểu hiện qua những triệu chứng kéo dài nhiều tháng.
Một người nhiễm bệnh lao hô hấp có thể lây nhiễm cho khoảng 10-20 người khác thông qua tiếp xúc gần không có biện pháp bảo hộ trong gần 1 năm.
Triệu chứng của bệnh lao hô hấp?
Trong điều kiện tự nhiên, trực khuẩn lao có thể tồn tại khoảng 3-4 tháng. Nếu dưới ánh sáng mặt trời trực khuẩn sẽ chết trong vòng 1,5 giờ và chỉ sống được khoảng 5 phút khi chiếu tia cực tím.
Do đặc tính ưa cư trú trong môi trường nhiều oxy nên trực khuẩn lao thường trú ngụ ở phổi và số lượng trực khuẩn tìm thấy nhiều nhất trong các hang lao tại phế nang thông khí.
Lao hô hấp có thể gặp mọi độ tuổi như trẻ nhỏ, người lớn và tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo lứa tuổi nhất là ở người già và những người có vấn đề suy giảm sức đề kháng.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc nhiều nhất đang được phát hiện lại gặp ở những người trong độ tuổi lao động.
Vậy những dấu hiệu nào để chúng ta có thể nhận biết mình đang mắc bệnh lao hô hấp?
Ho nhiều và khạc đờm có lẫn máu
Triệu chứng ho thường xuất hiện ở mọi bệnh phổi cả cấp tính và mãn tính. Bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi… mà đã sử dụng qua nhiều loại thuốc nhưng không thấy giảm ho thì lúc này chúng ta nên nghi ngờ có thể nguyên nhân là do lao hô hấp.
Ho và khạc đờm có nhiều nguyên nhân gây nên nhưng chủ yếu là do viêm nhiễm. Nhưng khạc đờm màu xanh trên 3 tuần, ho có kèm máu là những triệu chứng của bệnh lao hô hấp. Triệu chứng trên xuất hiện ở 60% bệnh nhân bệnh lao hô hấp và chảy máu là thể hiện có sự tổn thương tại đường hô hấp.
Đau ngực, khó thở
Đau ngực sẽ gặp ở hầu hết các bệnh nhân bị lao. Khi ho nhiều, phế quản bị co thắt những cơn mạnh với tần suất thường xuyên dẫn đến bệnh nhân khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi bị tổn thương sẽ tăng gánh nặng áp lực trong quá trình trao đổi khi để thực hiện chức năng hô hấp của phổi.
Sụt cân, gầy
Số đông những người mắc bệnh lao hô hấp sẽ bị sụt cân nhanh chóng. Sụt cân, gầy không rõ nguyên nhân và không mắc các bệnh như tiêu chảy, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng,… dù đã bổ sung chất dinh dưỡng nhưng cân nặng không được cải thiện. Lúc này, chúng ta có thể nghĩ đến bệnh bệnh lao hô hấp.
Mệt mỏi, chán ăn
Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thiếu ngủ.
Đổ mồ hôi đêm
Ho, sốt khiến bệnh nhân mất ngủ, kèm theo là đổ mồ hôi đêm.
Sụt cân đột ngột
Trọng lượng giảm nhanh chóng không rõ nguyên nhân dù đã bồi bổ dinh dưỡng nhưng không thấy sự cải thiện.
Sốt về chiều
Sốt có thể là sốt cao, sốt thất thường nhưng thường gặp là sốt nhẹ, gai lạnh về chiều tối. Khi người xuất hiệu đồng thời các triệu chứng: sốt, ho ra máu, khạc đờm xanh, đau ngực, khó thở,… hãy nghi ngờ đến bệnh lao hô hấp.
Yếu tố nguy cơ của bệnh lao hô hấp
Tinh thần căng thẳng, chiến tranh, điều kiện sống còn thấp,… đều là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của bệnh lao hô hấp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hô hấp:
- Yếu tố gen di truyền: Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy vai trò của Haptoglobin, hệ HLA và một số gen khác trong tính cảm nhiễm đối với vi khuẩn lao.
- Làm việc quá sức: Khi làm việc quá sức sẽ khiến sức đề kháng suy giảm từ đó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn lao tấn công và gây bệnh cho người bệnh.
- Thường xuyên thức khuya, hay mất ngủ: Thức quá khuya, mất ngủ sẽ làm cho tinh thần trở nên sa sút, cơ thể bị suy nhược và lâu dần chức năng miễn dịch cũng trở nên suy yếu tạo điều kiện cho khuẩn lao tấn công cơ thể.
- Không có thói quen bảo vệ đường hô thấp: Không đeo khẩu trang, không dùng bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường khói bụi, chất thải, không khí bị ô nhiễm chứa các loại vi khuẩn, virus gây hại có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hô hấp.
- Thói quen uống rượu, hút thuốc lào, thuốc lá thường xuyên: Rượu bia thường xuyên sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể. Thuốc lá, lào chứa hàm lượng nicotin cao thường xuyên hút chúng khiến phổi bị tổn thương nghiêm trọng tạo thuận lợi cho vi khuẩn lao tấn công và phát triển mạnh mẽ.
- Trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch đang hình thành, chưa được hoàn chỉnh nếu tiếp xúc lâu với nguồn lây bệnh sẽ tăng nguy cơ cao nhiễm lao.
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh như: HIV/AIDS, đái tháo đường, người già, bệnh viêm phổi, ung thư phổi, người ghép tạng, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài…. do hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc lao hơn người bình thường.
Bệnh lao hô hấp có thật sự nguy hiểm?
Bệnh lao hô hấp có lây không? Là câu hỏi mà hầu hết mọi người đều quan tâm đến.
Bệnh lao hô hấp là bệnh truyền nhiễm có yếu tố dịch tế nguy hiểm. Bệnh lao hô hấp lây từ người này sang người khác thông qua hoạt động hô hấp như hắt hơi, ho, khạc…
Khi cơ thể có hệ miễn dịch kém thì chỉ cần hít hoặc tiếp xúc với một lượng nhỏ vi khuẩn cũng tạo nguy cơ cao mắc bệnh lao. Người mắc bệnh khi phát tán vi khuẩn lao ra không khí có thể lây truyền cho khoảng 10-15 người khác nhau.
Ngoài ra, vi khuẩn bệnh lao hô hấp có thể lây lan qua các đường khác nhau như: cọ xát các vết trầy, xước, dùng chung đồ sinh hoạt, đồ ăn uống,…
Do tính chất lây lan nhanh chóng, có thể bắt gặp ở bất cứ ai, các giai đoạn ban đầu của bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng, bệnh tiến triển âm thầm nên tỉ lệ tử vong của bệnh rất cao nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.
Bệnh lao hô hấp là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đứng thứ 2 thế giới và đứng thứ 13 trong tổng số các nguyên nhân gây tử vong do bệnh tật gây nên.
Điều trị bệnh lao hô hấp thường mất rất nhiều thời gian và phức tạp. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất và nhanh chóng khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, trực khuẩn lao có thể biến đổi thành chủng khuẩn lao kháng thuốc khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.
Lao hô hấp là bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh bởi vậy chúng ta cần đi thăm khám sớm khi thấy có những biểu hiện như: ho ra máu, khạc đờm xanh trên 2 tuần, sốt về chiều, sụt cân nhanh chóng… Bệnh lao có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bài viết trên đã cung cấp cho người đọc hiểu bệnh lao hô hấp là gì và các triệu chứng nhận biết bệnh, để chúng ta những biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.