Bệnh lao lây lan qua những con đường nào?
Có phải ai cũng có khả năng mắc bệnh lao? Bệnh lao có nguy hiểm không? Bệnh lao lây truyền như thế nào? Người nhiễm bệnh lao sẽ không biết bản thân đang mắc bệnh cho đến khi diễn biến bệnh nặng hơn có dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng. Để có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Những điều cần biết về bệnh lao
Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra qua việc hít phải những giọt bắn li ti khi người đang mắc bệnh phát tán ra không khí. Bệnh lao được phân làm 2 loại: lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi là khi bệnh lao tổn thương ở phổi – phế quản.
Bệnh lao chủ yếu ảnh hưởng ở phổi. Trong giai đoạn ủ bệnh tiềm ẩn cơ thể hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, người bệnh thậm chí không biết mình đang mắc bệnh. Trực khuẩn lao có thể hoạt động lại khi hệ miễn dịch cơ thể yếu. Các biểu hiện của bệnh Lao như mệt mỏi thường xuyên, ho kéo dài, sốt về chiều, đau ở ngực, khó thở, ra mồ hôi trộm ban đêm, sụt cân, ho ra đờm hoặc máu, giảm cân, chán ăn. Bệnh lao có thể gây biến chứng rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bao gồm hệ thần kinh, dạ dày, xương,..
Bệnh lao được chia thành 2 nhóm:
- Lao phổi: Lao phổi rất phổ biến, là nguồn lây chính cho cộng đồng. Trực khuẩn trực tiếp gây tổn thương tại phế nang, phổi.
- Lao ngoài phổi: Bên cạnh lao phổi, trực khuẩn lao có thể gây ra tổn thương ở các cơ quan khác ngoài phổi như tim, não, da, xương khớp, tiết niệu, cơ quan sinh dục.
Lao là căn bệnh gây tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Mỗi năm có đến 1,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh Lao.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao, đặc biệt là những đối tượng sau:
- Người bị suy giảm miễn dịch: Nhiễm HIV, đang sử dụng Corticoid, đang điều trị bằng hóa chất, ung thư,…
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh
- Người nghiện thuốc lá, rượu, ma túy.
- Người đang mắc các bệnh mãn tính: Huyết áp, tiểu đường
Bệnh lao lây truyền như thế nào?
Bệnh lao có lây không? Bệnh lao không có ổ chứa mầm bệnh và vật truyền nhiễm trung gian mà lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.
Vi khuẩn lao dễ dàng lây cho người khác qua đường không khí khi bệnh nhân ho, khạc đờm, hắt hơi hoặc nói chuyện. Vi khuẩn chứa trong các giọt bắn ra ngoài không khí tiếp xúc với người bình thường sẽ xảy ra 3 trường hợp:
- Trường hợp 1: Gây bệnh ngay lập tức và bệnh nhân sẽ mắc bệnh lao.
- Trường hợp 2: Vi khuẩn sẽ tồn tại ở trạng thái ngủ trong các hạch bạch huyết từ một đến vài năm và tái hoạt động lại khi hệ miễn dịch suy yếu.
- Trường hợp 3: Cơ thể có hệ miễn dịch tốt vi khuẩn lao sẽ không thể gây bệnh.
Ngoài ra những người mắc lao có thể dễ dàng lây truyền cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong vòng 1 năm. Trong cộng đồng hẹp, gia đình có người mắc bệnh Lao phổi, những người xung quanh có nguy cơ nhiễm lao gấp 5 lần so với bình thường.
Bệnh lao lây qua các con đường nào?
Đường hô hấp
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis có khả năng sống sót trong môi trường khắc nghiệt và kháng lại cồn, chúng tồn tại được nhiều tuần trong rác ẩm và nơi tối, chết ở nhiệt độ 1000oC trong 5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Có thể nhiễm Lao do vô tình hít phải vi khuẩn Lao có trong không khí.
Thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh
Khi người nhiễm vi khuẩn lao nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc khạc đờm, vi khuẩn sẽ chứa trong các hạt nhỏ li ti bắn ra ngoài. Từ đó rất dễ dàng lây bệnh cho những người tiếp xúc gần.
Bệnh lao có di truyền hay không?
Lao phổi do trực khuẩn lao gây ra các bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi. Bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Hoàn toàn không phải bệnh di truyền.
Bệnh lao đối với phụ nữ có thai
Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt phức tạp, nhất là đối với thai phụ vì khả năng lây truyền bệnh cho con là rất lớn. Mẹ mang thai rất dễ bị nhiễm vi khuẩn lao do thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như thay đổi hệ miễn dịch, chế độ ăn uống không đủ chất, dễ mệt mỏi, đề kháng kém.
Cách phòng bệnh lao:
- Tiêm vacxin lao phổi BCG. Tiêm ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh
- Nhà cửa thông gió, có ánh nắng
- Không khạc nhổ bừa bãi
- Không sử dụng chung ly, cốc, bàn chải đánh răng
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, bổ sung vitamin tăng sức đề kháng, tạo cho cơ thể một sức khỏe tốt.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ để không bị stress quá mức. Không thức khuya, tập thể dục thường xuyên và có lối sống lành mạnh.
Lao phổi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm với những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện nay, bệnh đã có những phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu có các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho ra máu, sốt về chiều,… hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có hướng điều trị hợp lý.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.