Bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ em và cách phòng bệnh
6 bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em
Do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện và sức đề kháng kém, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp.
Cảm cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút cúm gây ra, có rất nhiều nhóm cúm như cúm A, B, C…trong đó cúm A và B là những loại phổ biến. Cảm cúm sẽ lây qua đường hô hấp, có thể phát sinh ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em.
Triệu chứng thường gặp ở người bệnh cảm cúm là sốt cao (39 đến 41 độ C), kèm theo các dấu hiệu cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi; ho khan; viêm họng; nghẹt mũi, chảy nước mũi; đau đầu; mệt mỏi, khó thở; nôn mửa, tiêu chảy. Đối với trẻ em, triệu chứng sốt có thể sốt cao hơn và nôn mửa, tiêu chảy thường gặp ở nhóm đối tượng này hơn so với bình thường.
Hầu hết các triệu chứng bệnh sẽ giảm dần và khỏi bệnh sau 4 – 7 ngày. Bệnh hô hấp này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Cảm lạnh
Cảm lạnh cũng là một bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, bệnh do vi rút gây ra với những triệu chứng như đau họng, sổ mũi, sốt, hắt hơi, đau nhức cơ thể.
Cảm lạnh thường không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi trong vài ngày, trẻ thường bị bệnh này vài lần trong năm. Cần tăng cường sức khỏe miễn dịch cho trẻ để tránh bị cảm lạnh thường xuyên.
Hen suyễn
Bệnh hen suyễn hay còn gọi bệnh hen phế quản, là một bệnh lý mạn tính liên quan đến hệ hô hấp. Bệnh rất phổ biến ở trẻ em, một số triệu chứng thường gặp của bệnh như thở nông; có cảm giác đau, tức ngực hoặc nặng ngực, thở khò khè, đây là dấu hiệu thường gặp ở trẻ em; ho nhiều; khi thở có tiếng khò khè hoặc tiếng rít; hụt hơi.
Cơn hen có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như khói thuốc lá, phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng và mạt bụi,…Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính có thể tiến triển rất nặng nếu không được chữa trị kịp thời.
Viêm họng
Viêm họng khá phổ biến ở trẻ em, bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt bởi một số tác nhân gây bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề liên quan đến tim, hệ thần kinh, khớp và da hay bệnh thấp tim và bệnh thận.
Viêm phế quản
Bệnh thường do vi rút gây ra và có thể khởi đầu sau khi mắc cảm lạnh hay cúm. Viêm phế quản có thể có các triệu chứng sổ mũi, đau ngực, sốt lạnh, mệt mỏi, khò khè và đau họng. Triệu chứng ho của bé có thể kéo dài kéo dài 3-4 tuần.
Trẻ em bị hen phế quản hoặc dị ứng hoặc có tiền sử viêm xoang mãn tính có nguy cơ cao bị viêm phế quản. Triệu chứng bệnh hen suyễn dễ nhầm lẫn với viêm phế quản và ngược lại, vì vậy khi bé bệnh hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong nhu mô phổi, bệnh có thể tiến triển nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, viêm phổi có nguy cơ cao suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi là thở gấp, sốt cao và ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau ngực, đặc biệt là khi thở. Diễn tiến bệnh nhanh và khó lường ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và chưa tiêm đủ các vắc xin phòng bệnh.
Cách phòng bệnh hô hấp hiệu quả cho bé
Trẻ nhỏ thường dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh và dễ mắc bệnh, đặc biệt bệnh về đường hô hấp vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện để bảo vệ cơ thể, chống lại các vi rút, vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác. Phòng bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho bé, tham khảo các giải pháp.
Giữ ấm cho trẻ
Giữ ấm đường thở cho bé là vô cùng quan trọng để hệ hô hấp được khỏe mạnh, nhất là trong mùa đông. Các biện pháp thường áp dụng như mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra đường,… Giải pháp giúp ba mẹ chăm sóc và giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp.
Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Nguyên nhân chính gây bệnh hô hấp là do vi rút và vi khuẩn, các bệnh lý này được lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua đường nước bọt, hoặc dịch tiết từ mũi khi trẻ có những tiếp xúc như nắm tay, chạm vào các bề mặt chung như tay nắm cửa, đồ chơi, mặt bàn ghế. Để phòng bệnh hiệu quả cho bé, phụ huynh cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm.
Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày, đây là biện pháp tốt nhằm phòng ngừa những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hãy tập cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân từ nhỏ để có thể tự chăm sóc bản thân mình.
Hơn nữa, điều kiện môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh và nhiều bụi bẩn cũng khiến bé dễ mắc bệnh về hô hấp. Vì vậy, phụ huynh cần giữ không gian sống của bé thoáng mát sạch sẽ, vệ sinh những đồ vật thường tiếp xúc như tay nắm cửa, ban công, tay vịn cầu thang,…
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh hô hấp hiệu quả, vì vậy trẻ cần được ăn uống đa dạng thức ăn và được cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như nước uống có ga và thức ăn nhanh.
Tập luyện thể thao và nghỉ ngơi hợp lý
Tập luyện thể thao đều đặn nâng cao sức khỏe, khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chất như đạp xe, đi bộ để tăng cường thể lực, sức khỏe tốt phòng bệnh hô hấp.
Đối với trẻ nhỏ, việc ngủ đủ giấc giúp cho học tập tốt và có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Xây dựng thói quen ăn ngủ đúng giờ cho bé, ngủ đủ giấc và nâng cao chất lượng giấc ngủ mỗi ngày.
Tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả
Tiêm phòng là biện pháp phòng ngừa bệnh lý hô hấp hiệu quả nhất, vì vậy ba mẹ cần theo dõi, cập nhật và tiêm vắc xin cho bé đầy đủ và đúng lịch.
Các loại vắc xin cần tiêm phòng như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu phòng tránh bệnh hô hấp do phế cầu gây ra, nhất là viêm phổi.
Bệnh hô hấp ở trẻ em xảy ra quanh năm, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Bệnh có thể gây biến chứng nặng đến sức khỏe, do đó hãy lưu ý các triệu chứng bệnh để đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bé tốt và phát triển toàn diện mỗi ngày.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: