Các dấu hiệu nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD sớm và biện pháp phòng ngừa
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng thường phát triển chậm và gây ra các triệu chứng ngày càng nặng hơn theo thời gian. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của COPD giúp người bệnh có thể điều trị kịp thời, từ đó giảm thiểu biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng ngừa COPD:
Tổng quan về bệnh COPD
COPD là viết tắt của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Là bệnh lý hô hấp mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc đóng vai trò hàng đầu. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể dự phòng và điều trị được.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính
Dấu hiệu nhận biết bệnh COPD
- Ho dai dẳng mạn tính kéo dài liên tục trong vài tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Khó thở, có thể cảm thấy khó thở khi làm các hoạt động hằng ngày, tập thể dục, leo cầu thang, thậm chí cả khi mặc quần áo.
- Ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu.
- Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài.
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh.
Ho nhiều và dai dẳng là một dấu hiệu sớm của bệnh COPD
Đây là những triệu chứng ban đầu sẽ bắt gặp ở cả trẻ em và người lớn. Những dấu hiệu này thường bị người bệnh chủ quan nên không có định hướng khám và điều trị dứt điểm. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần điều trị tại bệnh viện ngay khi thấy có các triệu chứng nặng như:
- Khó thở đến nỗi không thể nói chuyện.
- Móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám – điều này chứng tỏ nồng độ oxy trong máu thấp.
- Có tình trạng rơi vào trạng thái lơ mơ.
- Nhịp tim nhanh, rất nhanh.
- Các triệu chứng ở giai đoạn đầu kể trên ngày càng nặng, mặc dù đã được điều trị trước đó.
Nguyên nhân mắc bệnh COPD
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Các yếu tố nội tại bao gồm: Tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.
- Các yếu tố do ô nhiễm môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp…
Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm: Chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.
Cách điều trị và phòng bệnh COPD
Khi bắt đầu thấy những triệu chứng kể trên dù ở trẻ em hay người lớn cần đi khám sớm nhất có thể để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân. Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm, các chẩn đoán cận lâm sàng,… để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Cụ thể người bệnh sẽ thực hiện xét nghiệm chức năng phổi, đo hô hấp kế, chụp X-quang hay CT scan ngực, khí máu động mạch để bác sĩ có kết luận chính xác.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị:
- Giảm các triệu chứng của bệnh.
- Đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh.
- Cải thiện gắng sức.
- Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
Các phương pháp điều trị hiện nay
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giãn phế quản, long đờm giúp người bệnh thở dễ dàng, thuốc giãn phế quản giảm viêm phổi, cải thiện triệu chứng.
- Vaccine phòng ngừa: Người bệnh sử dụng các vaccine phòng cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu, liệu pháp oxy.
- Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà dùng thuốc không có hiệu quả, điển hình là ghép phổi.
Cách phòng ngừa COPD
- Bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích: Đối với trẻ em cần tránh hít phải khói thuốc.
Không hút thuốc lá giúp phòng ngừa bệnh COPD
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.
- Thời tiết thay đổi: Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.
- Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì nó ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp. Một số yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên tồi tệ hơn. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin cần thiết.
Kết luận
Bệnh COPD là bệnh mạn tính, người bệnh cần phải khám bệnh định kỳ hàng tháng để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu chủ quan không đi khám định kỳ, để bệnh diễn biến nặng có thể gây đe dọa tới tính mạng. Khi thấy biểu hiện khó thở tăng, hoặc sốt cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.