Chăm sóc bệnh nhân COPD hiệu quả: Bí quyết giúp người bệnh sống khỏe
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một căn bệnh phổi tiến triển, gây khó thở và ho dai dẳng. COPD có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, với việc chăm sóc đúng cách, người bệnh COPD vẫn có thể kiểm soát tốt bệnh và sống khỏe mạnh.
COPD là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường, có thể dẫn đến suy hô hấp và các biến chứng khác.
Tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, ước tính có 251 triệu ca mắc COPD trong năm 2016, chiếm khoảng 12% dân số từ 40 tuổi trở lên. COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm). Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. [1]
Những ai dễ mắc COPD?
- Khoảng ¾ số ca mắc COPD là do hút thuốc lá với cả hai hình thức hút thuốc chủ động và thụ động (bao gồm khói thuốc lá điếu, thuốc lào, xì gà, cần sa, thuốc lá điện tử… ). Thời gian hút thuốc càng lâu, số lượng hút càng nhiều thì nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng càng cao.
- Ngoài thuốc lá thì những người có môi trường sinh sống hoặc làm việc tiếp xúc với khói, bụi vô cơ, hữu cơ, khí độc và hóa chất có thể gây hại cho phổi đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Những người có tiền căn mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: hen suyễn, viêm phế quản, lao phổi… có nguy cơ tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Một số ít nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có liên quan đến rối loạn di truyền thiếu alpha-1-antitrypsin là một loại protein được tạo ra trong gan và tiết vào máu để giúp bảo vệ phổi. Ngoài ra, các yếu tố di truyền khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở một số người hút thuốc lá.
Làm thế nào để nhận biết khi biết bị COPD?
- Khó thở, phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, nặng ngực, cơn khó thở tăng lên khi hoạt động gắng sức (leo cầu thang, tập thể dục, mang vác vật nặng…).
- Ho có đờm kéo dài.
- Tăng tiết đờm vào buổi sáng.
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường tái đi tái lại.
- Mệt mỏi.
- Sụt cân ngoài ý muốn.
COPD có thể chữa trị dứt điểm hay không?
Cho đến nay chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn COPD. Thuật ngữ “mạn tính” có nghĩa là bệnh tồn tại và tiến triển trong một thời gian dài. Các triệu chứng của COPD được cải thiện khi bệnh nhân ngừng hút thuốc lá, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, và hoặc tập vật lý trị liệu hô hấp. Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ trở lại được như bình thường. Do đó, khi tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát được tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần nhập viện trong năm.
COPD có thể chữa trị dứt điểm hay không?
Chăm sóc người bệnh COPD thế nào?
- Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc xịt hô hấp đúng cách, đảm bảo rằng họ tuân thủ đúng lịch trình và liều lượng của thuốc được bác sĩ chỉ định. Hỗ trợ họ trong việc lấy và sắp xếp thuốc để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ liều nào.
- Hỗ trợ trong việc cai thuốc lá: Nếu bệnh nhân vẫn còn hút thuốc, hãy hỗ trợ và khuyến khích họ ngưng hút thuốc hoàn toàn. Cung cấp sự ủng hộ và tìm hiểu các phương pháp hỗ trợ họ vượt qua cơn thèm thuốc lá.
- Tạo môi trường trong sạch: giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ và thoải mái. Nên tránh các môi trường có khói, bụi bặm, hoặc hóa chất độc hại.
- Hỗ trợ dinh dưỡng: chuẩn bị cho bệnh nhân các bữa ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Bổ sung các thực phẩm giàu protein, kali, carbohydrate hỗn hợp, chất béo lành mạnh,… Hạn chế các thực phẩm từ sữa, muối, đồ ăn dầu mỡ,…
- Theo dõi và đảm bảo họ duy trì cân nặng và thể trạng khỏe mạnh. Khuyến khích tham gia vào các hoạt động vận động nhẹ nhàng và hỗ trợ họ trong việc duy trì lịch trình tập luyện.
- Hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày: như mặc quần áo, nấu ăn, và làm vệ sinh nếu cần thiết. Theo dõi các triệu chứng như khó thở, ho, và mệt mỏi và báo cáo cho bác sĩ nếu cần thiết.
Nói không với hút thuốc lá và khói thuốc lá.
Bệnh nhân COPD cần làm gì để phòng ngừa đợt cấp?
- Tuân thủ đúng lịch trình và liều lượng của thuốc được bác sĩ chỉ định.
- Tránh xa các tác nhân gây kích thích co thắt đường thở như khói, bụi, hóa chất,….
- Tiêm ngừa vaccine cúm mùa mỗi năm một lần.
- Tập vật lý trị liệu hô hấp như các bài thở chúm môi, thở cơ hoành, vận động trị liệu.
Kết luận:
Chăm sóc người bệnh COPD đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và sự hiểu biết đúng đắn về bệnh. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ là những yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Hãy tạo môi trường sống trong sạch, hỗ trợ bệnh nhân trong việc dùng thuốc đúng cách và cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc động viên và hỗ trợ họ tham gia vào các hoạt động thể dục nhẹ nhàng cũng rất quan trọng. Với sự quan tâm và chăm sóc đúng cách, người bệnh COPD có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu những đợt cấp nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.