Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính ở Giai Đoạn 4: Tìm Hiểu và Điều Trị Đúng Cách
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 có nguy hiểm không? Hiểu biết vài cách chăm sóc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease: COPD) là tên gọi của một nhóm các bệnh lý về phổi bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng – khiến đường hô hấp bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc đẩy không khí ra khỏi phổi. Đây là căn bệnh hô hấp phổ biến có thể dự phòng và điều trị được. Tuy nhiên, nếu không phát hiện, điều trị sớm bệnh có thể tiến triển ngày một nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và nặng hơn có thể gây tử vong. Đặc biệt khi bệnh vào giai đoạn 4 thì việc thở đối với bệnh nhân cũng đã rất khó khăn.
Các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường trải qua 4 giai đoạn, tuy mỗi người đều có thể có đặc điểm triệu chứng khác nhau, nhưng đa phần các giai đoạn của bệnh sẽ tiến triển như sau:
- Giai đoạn 1: Thông thường ở giai đoạn này sẽ không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó để phát hiện bệnh. Một số trường hợp có triệu chứng nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường khác, bạn có thể bị ho, ho khan hoặc ho có đờm,..
- Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, các biểu hiện bệnh đã rõ ràng hơn. Bạn có thể mệt mỏi, khó ngủ, thở khò khè, ho dai dẳng, ho có đờm (thường nặng hơn vào buổi sáng), và có thể suy giảm trí nhớ,..
- Giai đoạn 3: Các triệu chứng ở giai đoạn 2 trở nên tồi tệ hơn. Người bệnh thường xuyên bị viêm họng, viêm phế quản,.. Các triệu chứng ho nhiều, ho đờm, khó thở, nhịp thở nhanh, tức ngực sẽ liên tục ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Giai đoạn 4: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất của bệnh. Ở giai đoạn này, chỉ thở thôi cũng đã là một nỗ lực, vì phổi đã tổn thương nặng và không thể cung cấp đủ oxy cho các cơ quan khác. Người bệnh sẽ thường xuyên khó thở, mệt mỏi, tức ngực, tim đập nhanh, tăng huyết áp,..
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 có nguy hiểm không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn có nguy cơ tử vong cao nhất, có thể lên đến 24%, nên đây là giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh cần được can thiệp nhiều phương pháp điều trị, cần thường xuyên được theo dõi chăm sóc, sử dụng các thiết bị đo nồng độ oxy máu và xét nghiệm chức năng phổi. Bên cạnh đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 còn tiềm ẩn các nguy cơ biến chứng như cao huyết áp, suy tim, tràn khí màng phổi, loãng xương hay thậm chí là ung thư phổi. Những biến chứng này đe dọa tính mạng người bệnh nên cần phải phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
Điều trị bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính bằng các phương pháp nào?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hay phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị sớm và quản lý bệnh tốt có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm tiến triển của bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được áp dụng hiện nay là:
- Ngừng hút thuốc và tránh xa các chất ô nhiễm trong không khí: Thuốc lá, thuốc lào là một trong những nguyên nhân lớn gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và làm bệnh trở nên nặng hơn, vì vậy người bệnh cần cai hẳn thuốc lá. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khí ô nhiễm,..
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để nâng cao thể trạng, điều hòa nhịp thở và giảm các biến chứng của bệnh.
- Điều trị bằng thuốc: Những loại thuốc thường được dùng trong phổi tắc nghẽn mạn tính là: thuốc giãn phế quản, corticoid dạng hít, corticoid đường uống, và những kháng sinh khác,..
- Tiêm vacxin: tiêm vacxin sẽ giúp làm giảm triệu chứng, giảm tần suất các đợt cấp nặng và giảm nguy cơ biến chứng, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhất là ở giai đoạn 4.
- Phẫu thuật: Với những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 nặng, khi không thể đáp ứng những phương pháp điều trị khác, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Các phẫu thuật có thể là: phẫu thuật ghép phổi, phẫu thuật giảm thể tích phổi,..
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính giai đoạn 4 đòi hỏi sự quản lý và chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Mặc dù không thể chữa khỏi, việc áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân mắc phải COPD, đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ về các phương án điều trị tốt nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.