Bệnh sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút Dengue gây ra, triệu chứng của bệnh dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Hãy chủ động tìm hiểu kiến thức về sốt xuất huyết và bảo vệ sức khỏe.
Nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết để điều trị kịp thời
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Đây là bệnh lây truyền bởi muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti) mang mầm bệnh.
Bệnh thường xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường tăng mạnh vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, bởi đây là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Sốt xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở các nước vùng khí hậu nhiệt đới nơi có kinh tế nông nghiệp phát triển chính và nhiều ao hồ, sông ngòi (chủ yếu là các nước Châu Á).
Phân loại bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết ban đầu có biểu hiện giống như cúm, tuy nhiên bệnh có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm gọi là bệnh sốt xuất huyết nặng. Theo đó, sốt xuất huyết được chia ra 2 nhóm gồm nhóm không biến chứng và nhóm biến chứng nặng.
Sốt xuất huyết nhẹ: Người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue nhưng không bị các biến chứng tuần hoàn và thần kinh. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể tự điều trị tại nhà như bệnh sốt thường, tuy nhiên thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng nếu chăm sóc không đúng cách.
Sốt xuất huyết nặng: Là tình trạng bệnh trở nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nội tạng và thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền vi rút Dengue vào máu của người bệnh bằng cách đốt. Vi rút Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Người mắc bệnh với chủng vi rút nào thường sẽ có khả năng miễn dịch với chủng vi rút gây bệnh này sau khi đã bị nhiễm bệnh và phục hồi. Tuy nhiên, họ có thể tiếp tục mắc bệnh sốt xuất huyết do một chủng vi rút khác gây ra.
Chỉ có muỗi Aedes aegypti cái mới có thể truyền bệnh cho người. Vi rút Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi Aedes khoảng 8-11 ngày, và lây nhiễm cho người bị muỗi đốt.
Nhận biết triệu chứng bệnh sốt xuất huyết
1. Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ
Thường gặp ở những người mắc bệnh lần đầu vì chưa có miễn dịch với bệnh. Người mắc bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ sẽ có các triệu chứng điển hình và không có biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi vằn. Ngoài ra, người mắc bệnh đi kèm với các triệu chứng khác như:
- Sốt cao, lên đến 40,5 độ;
- Nhức đầu dữ dội;
- Đau hốc mắt;
- Đau khớp và cơ;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Phát ban, đốm xuất huyết trên da.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và giảm dần sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào những ngày sau đó.
2. Biểu hiện sốt xuất huyết nặng
Ở mức độ này, cơ thể người bệnh sẽ có đầy đủ các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Hội chứng sốc sốt xuất huyết là gì?
Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Hội chứng sốc sốt xuất huyết thường xảy ra trong lần nhiễm bệnh sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh sốt xuất huyết trước đó) hoặc thụ động (do mẹ truyền kháng thể sang con). Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt).
Sốc sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em (đôi khi ở người lớn), dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần, trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau 1 tuần. Chủ yếu điều trị theo triệu chứng, việc dùng thuốc chủ yếu nhằm làm giảm các triệu chứng giúp người bệnh cảm thấy bớt khó chịu.
Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, người bệnh uống thuốc hạ sốt theo đúng liều dùng và hướng dẫn của bác sĩ, mặc quần áo mỏng mát và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày).
Cần tránh sử dụng các thuốc như aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
Trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, bạn cần phải:
- Đến ngay bệnh viện để được thăm khám, theo dõi và điều trị đúng cách;
- Truyền dịch và chất điện giải cho cơ thể;
- Theo dõi huyết áp thường xuyên;
- Truyền máu.
Trong thời gian phục hồi bệnh, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu thiếu nước của cơ thể và đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng sau:
- Ít hoặc không đi tiểu;
- Khô miệng hoặc môi, da chùng nhão;
- Khóc không có nước mắt hoặc ít (với trẻ nhỏ);
- Người lờ đờ hoặc lú lẫn;
- Da cực kỳ lạnh hoặc ẩm ướt.
Sốt xuất huyết có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, mỗi người cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, nắm kiến thức về bệnh để phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.