Bệnh thuỷ đậu: Nguyên nhân và cách phòng tránh hiệu quả
Bệnh thuỷ đậu, một trong những căn bệnh phổ biến ở trẻ em, thường gây ra rất nhiều lo lắng cho phụ huynh. Việc hiểu biết về nguyên nhân gây ra bệnh này là bước đầu tiên quan trọng để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ lây lan. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các nguyên nhân chính gây ra bệnh thuỷ đậu, cùng những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và cách bảo vệ sức khỏe của gia đình.
Bệnh thuỷ đậu là gì?
Thủy đậu (hay còn được gọi là bệnh trái rạ) là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-zoster gây ra, có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa. Bệnh rất dễ lây cho những người chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm vi rút Varicella-zoster.
Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng số người mắc bệnh thường gia tăng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Đặc biệt, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 trong năm là lúc độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh thủy đậu.
Biểu hiện của bệnh thuỷ đậu
Bệnh thủy đậu thường qua 4 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần tùy theo thể trạng và sức đề kháng của đối tượng nhiễm bệnh.
- Giai đoạn khởi phát: Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, chảy nước mũi, sốt nhẹ, đau họng,.. Sau 1 – 2 ngày da bắt đầu xuất hiện mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, ở một số người còn xuất hiện triệu chứng viêm họng, nổi hạch sau tai.
- Giai đoạn toàn phát: Các mụn nước nhỏ xuất hiện nhanh chóng trong vòng 1 ngày, sau đó chuyển thành các mụn nước hình tròn với đường kính từ 1-3mm, chứa dịch màu trắng hoặc trắng đục bên trong nếu bội nhiễm vi khuẩn thì dịch có kèm theo mủ. Mụn nước mọc thành nhiều đợt trên các vùng da, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, tay chân ít hơn. Người mắc bệnh có thể nổi vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể.
Ban thủy đậu thường có màu hồng hoặc đỏ, các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng bên trong, nổi lên nhanh trong vòng 1 ngày sau đó vỡ và rỉ dịch (chất dịch này chứa nhiều virus bên trong và lây lan nhanh cho người khác qua các tiếp xúc gián tiếp như: sử dụng chung đồ cá nhân, đồ vật tiếp xúc có chứa virus của người bệnh..).
Mụn nước sau khi vỡ sẽ mất thêm vài ngày để vết thương lành lại, các mụn nước mới trong thời gian này tiếp tục xuất hiện. Bệnh thường nhẹ ở những người khỏe mạnh, nhưng đối với một số trường hợp vết phát ban có thể nổi nhiều và bao phủ toàn bộ cơ thể, những tổn thương có thể hình thành ở mắt, niêm mạc niệu đạo, hậu môn, âm đạo,…
- Giai đoạn hồi phục: Bệnh thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần, vết thương sẽ đóng vảy và lành từ 1 đến 3 tuần. Nếu không xảy ra những biến chứng khác thì các mụn nước sẽ khô dần và lành lại. Nhưng nếu người bệnh bị bội nhiễm thì các mụn nước sẽ để lại sẹo do nhiễm trùng, hình thành nên các vết sẹo lõm vĩnh viễn.
Nguyên nhân bị thuỷ đậu
Tác nhân gây bệnh
- Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu là do virus Varicella Zoster (VZV), cũng là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh (hay còn được gọi là bệnh giời leo) sau khi bệnh thuỷ đậu kết thúc.
- VZV là 1 trong 8 loại virus thuộc họ Herpes có khả năng gây bệnh ở người, có khả năng gây ra 2 bệnh cảnh khác nhau là bệnh thủy đậu và bệnh zona thần kinh. Thủy đậu là bệnh lý do đáp ứng miễn dịch tiên phát của người bệnh đối với VZV, trong khi đó zona thần kinh là bệnh lý do đáp ứng miễn dịch từng phần của người bệnh bị nhiễm VZV. VZV khi xâm nhập vào cơ thể có thể nhân lên tại chỗ, gây nhiễm virus huyết tiên phát, sau đó phân tán rất nhanh đến các cơ quan, hệ thần kinh, da,… gây ra bệnh thủy đậu.
- VZV có kích thước phân tử rất nhỏ, chỉ khoảng 150 – 200mm nên chúng có khả năng trú ẩn, hoạt động và gây hại ở cấp độ tế bào, sâu trong các tế bào hạch thần kinh cảm giác của người bệnh.
Đường lây truyền
- Bệnh lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho,….tiếp xúc hoặc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh (từ giọt bắn của người ho hay hắc xì và lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước của người đang nhiễm bệnh).
- Virus có trong chất dịch và lây lan trực tiếp qua người khác bằng cách xâm nhập trực tiếp vào niêm mạc đường hô hấp (miệng, hầu họng) một số trường hợp có thể lây lan qua đường tiêu hoá, kết mạc mắt. Virus lây lan nhanh chỉ trong vòng 1 – 2 ngày trước khi người bệnh xuất hiện mụn nước, khi mụn nước bắt đầu đóng vảy, virus sẽ ngừng lây lan.
Đối tượng nguy cơ
- Người bị suy yếu hệ thống miễn dịch: Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch do tuổi tác, bệnh tật, đang điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp can thiệp gây ức chế hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai,… có thể dễ dàng lây nhiễm VZV và mắc bệnh thủy đậu. Hệ thống miễn dịch yếu khiến khả năng chống lại virus kém, tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công và gây bệnh.
- Ngoài ra, thủy đậu cũng có thể lây truyền theo chiều dọc từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, trong quá trình sinh và sau khi sinh con, gây ra tình trạng thủy đậu sơ sinh vô cùng nguy hiểm.
Bệnh thuỷ đậu, mặc dù thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Việc hiểu rõ về nguyên nhân gây ra bệnh này giúp chúng ta có những biện pháp phòng tránh hiệu quả hơn. Hãy luôn tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, thúc đẩy tiêm chủng đúng lịch và tránh tiếp xúc với người mắc bệnh trong thời gian lây nhiễm. Đồng thời, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh thuỷ đậu, nguyên nhân và cách phòng tránh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.