Bệnh thuỷ đậu có tái phát không? Cách phòng tránh
Thủy đậu (hay bệnh trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-zoster (VZV) gây ra. Bệnh có nguy cơ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khả năng tái phát của bệnh và các biện pháp phòng ngừa thủy đậu hiệu quả.
Bệnh thuỷ đậu ở trẻ em
Dấu hiệu bệnh thuỷ đậu
Biểu hiện bệnh thủy đậu khác nhau qua từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài từ 2 – 3 tuần tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.
- Giai đoạn khởi phát: Biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, chảy nước mũi, sốt nhẹ, đau họng,.. Sau 1 – 2 ngày da bắt đầu xuất hiện mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, ở một số người còn xuất hiện triệu chứng viêm họng, nổi hạch sau tai.
- Giai đoạn toàn phát: Các mụn nước nhỏ nhanh chóng xuất hiện trên da, có thể kéo dài vài ngày đến hàng tuần, chứa dịch màu trắng hoặc trắng đục bên trong nếu bội nhiễm vi khuẩn thì dịch có kèm theo mủ.
- Giai đoạn hồi phục: Vết thương sẽ đóng vảy và lành sau 1 – 3 tuần. Nếu người bệnh bị bội nhiễm thì các mụn nước sẽ để lại sẹo do nhiễm trùng, hình thành nên các vết sẹo lõm vĩnh viễn.
Bệnh thủy đậu đặc trưng bởi các mụn nước trên da
Bị thuỷ đậu rồi có bị lại không?
- Bệnh thủy đậu có thể tái phát.
- Sau khi bị thủy đậu, hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra được lượng kháng thể tự nhiên đầy đủ và tồn tại rất bền vững, sẽ có miễn dịch suốt đời. Hoặc nếu trước kia người bệnh đã từng nhiễm thủy đậu thì cũng không cần phải tiêm phòng nữa.
- Tuy nhiên, theo 1 số nghiên cứu thì khoảng 10% trường hợp còn lại có thể tái nhiễm thủy đậu. Những đối tượng dễ tái phát bệnh thủy đậu là trẻ em dưới 6 tháng tuổi do sức đề kháng kém hoặc những người trải qua mức độ nhẹ của bệnh thủy đậu lần đầu tiên do khả năng hình thành kháng thể chống lại virus chưa đủ mạnh để ngăn chặn sự tái nhiễm bệnh thủy đậu trong lần tiếp theo. Các lần tái phát thường có tổn thương nhẹ hơn và khỏi nhanh hơn, với triệu chứng không nghiêm trọng như lần đầu tiên.
- Trong 1 số trường hợp, kể từ khi bị thủy đậu lần đầu, virus vẫn có thể tồn tại trong mô thần kinh nhiều năm nhưng không hoạt động, khi có điều kiện thuận lợi chúng tái phát và gây ra bệnh zona. Bệnh zona thường biểu hiện dưới dạng phát ban và sau đó là mụn nước gây đau đớn trên da. Zona thường xuất hiện ở một bên mặt hoặc một bên của cơ thể và kéo dài khoảng 3 tuần. Các mụn nước sau đó sẽ hình thành vảy trong vòng 1-2 tuần.
Zona thần kinh là bệnh lý do tái phát từ bệnh thủy đậu
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
- Tiêm vacxin là phương pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất. Khuyến cáo nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như: ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, tránh stress, luyện tập thể dục đều đặn.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Tóm lại, hầu hết bệnh nhân sau khi mắc thủy đậu lần đầu sẽ có miễn dịch suốt đời; tuy nhiên, một tỷ lệ thấp vẫn có thể tái nhiễm và chủ yếu ở đối tượng có sức đề kháng kém. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan mà cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tăng sức đề kháng cho cơ thể để giảm tỷ lệ tái nhiễm bệnh thủy đậu.