Bệnh trĩ giai đoạn đầu: Biểu hiện và cách phát hiện sớm
Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom. Đây là loại bệnh thường gặp ở những người ít vận động, ngồi lâu và ăn uống không hợp lý. Bệnh trĩ giai đoạn đầu là giai đoạn nhẹ nhất, việc điều trị cũng dễ dàng và hiệu quả.
Bệnh trĩ đã được biết từ bao đời nay. Tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn về nó. Tùy theo vị trí thương tổn, bệnh trĩ được chia ra thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.
- Trĩ nội là tình trạng búi trĩ được hình thành ở vị trí trong ống hậu môn. Do đó, búi trĩ thường nằm khuất sâu nên khó quan sát. Trĩ nội thường không gây đau, nên bệnh trĩ giai đoạn đầu của tình trạng này phát hiện khó hơn so với tình trạng trĩ ngoại.
- Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ được hình ở vị trí bờ ngoài ống hậu môn. Trĩ ngoại thường gây khó chịu, vướng víu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Do đó, bệnh trĩ giai đoạn đầu của tình trạng này là dễ phát hiện nhất ở những người mới phát bệnh
- Trĩ hỗn hợp là tình trạng trung gian giữa trĩ nội và trĩ ngoại. Trong những năm gần đây, nó có xu hướng gia tăng ở những người mắc bệnh trĩ.
Biểu hiện của bệnh trĩ giai đoạn đầu
Tùy theo quá trình hình thành búi trĩ mà bệnh trĩ được chia thành nhiều giai đoạn. Bệnh trĩ giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn sớm, là mức độ nhẹ nhất của bệnh trĩ. Ở giai đoạn này, các biểu hiện thường không rõ và khó nhận biết, tuy nhiên việc điều trị lại dễ dàng và hiệu quả. Do đó, để giảm mức độ can thiệp và điều trị kịp thời, bạn nên nhận biết các biểu hiện của bệnh trĩ giai đoạn đầu để kịp thời điều trị.
Biểu hiện thường gặp
Bệnh trĩ giai đoạn đầu thường gây ra các biểu hiện nhẹ và tần số xuất hiện thấp.
- Chảy máu khi đi đại tiện: Người bệnh có thể quan sát thấy phân của mình có lẫn máu tươi hoặc giấy vệ sinh, máu không nhiều. Càng về sau, lượng máu xuất hiện càng nhiều. Máu có thể bắn thành các tia, gây khó chịu. Khi quan sát thấy phân có máu kèm đau bụng, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Vì đó có thể phản ánh tình trạng chảy máu đường tiêu hóa. Điều trị không kịp thời có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng sau này.
- Sa búi trĩ: Đây cũng là tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Nó có thể biểu hiện ở bệnh trĩ giai đoạn đầu hoặc các giai đoạn khác về sau. Tùy theo mức độ sa búi trĩ, mà có thể gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh. Khi thấy có dấu hiệu sa búi trĩ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nhanh chóng. Nếu để lâu dài, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Đau rát nhẹ khi đi đại tiện: Một số người bệnh cũng hay gặp tình trạng đau rát nhẹ khi đi đại tiện ở giai đoạn đầu của bệnh trĩ. Tuy nhiên đau khi đi đại tiện còn có thể do các nguyên nhân khác. Vì vậy nếu có biểu hiện này lâu dài, bệnh nhân được khuyến cáo nên đến phòng khám để được tư vấn tốt nhất.
Biểu hiện theo loại bệnh (trĩ ngoại, trĩ nội)
Do vị trí hình thành búi trĩ khác nhau mà những biểu hiện ở bệnh trĩ giai đoạn đầu cũng khác nhau. Trĩ ngoại giai đoạn sớm thường được phát hiện tốt hơn trĩ nội. Do nó có thể quan sát bằng mắt thường và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người bệnh.
- Ở người mắc trĩ nội: Giai đoạn đầu có thể biểu hiện rất ít triệu chứng hoặc không biểu hiện, có thể thấy phân có lẫn máu nhưng lượng máu không nhiều. Càng kéo dài về sau, lượng máu càng tăng và có thể chảy máu nhỏ giọt. Lâu dài làm người bệnh xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt hay nhức đầu. Người bệnh cũng có thể gặp tình trạng sa búi trĩ, gây nhiều khó chịu cho sinh hoạt.
- Ở người mắc trĩ ngoại: Giai đoạn đầu người bệnh có thể quan sát thấy có các nốt nhỏ, căng bóng xuất hiện ở gần lỗ hậu môn. Người bệnh có thể thấy vùng lỗ hậu môn hơi sưng nhẹ, và đau rát khi đi đại tiện, Bệnh trĩ giai đoạn đầu ở tình trạng này cũng gây ra chảy máu lẫn với phân. Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể cảm giác vùng hậu môn hơi ngứa hoặc sưng cộm. Nếu không điều trị kịp thời, có thể gây nứt kẽ hậu môn dẫn đến đau đớn cho người bệnh.
Cách điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu
Nhìn chung, bệnh trĩ giai đoạn đầu chưa cần can thiệp phẫu thuật. Các bác sĩ thường sẽ điều trị cho người bệnh bằng thuốc kết hợp với cải thiện lối sống của người bệnh. Việc điều trị giai đoạn sớm của bệnh này thường dễ dàng và hiệu quả, nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
Điều trị bằng phương pháp dân gian tại nhà
Dù không được khuyến cáo cho tất cả các trường hợp. Người bệnh vẫn có thể sử dụng các biện pháp dân gian tại nhà để điều trị bệnh trĩ. Trong đó, bệnh nhân được khuyến cáo nên thay đổi lối sống của bản thân, ăn uống điều độ, thói quen đi tiêu. Người bệnh cũng có thể sử dụng kết hợp các loại thảo mộc và thực phẩm dân dã có tác dụng nhuận tràng và cầm máu. Một số loại có thể kể đến như rau diếp cá, rau mùi, quả đu đủ, hạt gấc, lá trầu không…
Tuy nhiên, nếu bệnh càng ngày càng nặng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được điều trị hiệu quả.
Dùng thuốc
Thuốc tây là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Bởi vì nó tiện lợi, sử dụng nhanh chóng và mang lại hiệu quả đáng kể. Người bệnh được khuyến cáo nên đến bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu bao gồm:
- Thuốc tăng sức bền thành mạch, co mạch giúp giảm chảy máu và co búi trĩ: Ephedrin sulfate 0,1%, Phenylephrin HCl 0,25%…
- Thuốc tê, giảm đau: Benzocain 5-20%, Lincodazin 2-5%…
- Thuốc kháng viêm tại chỗ, giảm viêm, giảm ngứa: Hydrocortison 0,25- 1%..
- Một số chất có tác dụng bảo vệ da, niêm mạc làm giảm ngứa, khó chịu, tránh tình trạng nhiễm khuẩn, nứt kẽ hậu môn: Kẽm oxit, glycerin, lanolin…
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc nhuận tràng, thuốc kháng sinh… để giảm thiểu các biến chứng không mong muốn ở người bệnh.
Một số phương pháp đơn giản phòng bệnh trĩ
Có rất nhiều phương pháp đơn giản giúp phòng ngừa bệnh trĩ tại nhà. Trong đó thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là hai phương pháp đơn giản nhưng mang lại nhiều hiệu quả.
- Chế độ ăn nên có nhiều chất xơ và bổ sung vitamin. Việc ăn nhiều rau xanh và nước ép hoa quả giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, nhuận tràng và giảm tình trạng táo bón, giúp phòng ngừa bệnh trĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả phòng ngừa bệnh trĩ đáng kể nếu bạn thường xuyên tập thể dục.
Nhiều bác sĩ khuyến cáo các bạn nên thực hiện các bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng hằng ngày hoặc yoga. Điều đó sẽ giúp cơ thể bạn điều tiết tốt hơn, tránh phát sinh búi trĩ.
Bệnh trĩ hiện nay đang là một vấn đề thường thấy ở nhiều người. Bệnh trĩ giai đoạn đầu là tình trạng nhẹ nhất, điều trị tốt nhất và ít gây khó chịu nhất cho người bệnh, nếu để lâu dài sẽ gây ra các hậu quả khó lường. Do đó, bạn nên chăm tập thể dục hằng ngày kết hợp chế độ ăn hợp lý để phòng ngừa mắc bệnh. Người bệnh nên đến bác sĩ khi nghi ngờ mình mắc bệnh để được điều trị một cách tốt nhất.