Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Băng huyết sau sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) định nghĩa băng huyết sau sinh là khi lượng máu sản phụ mất ≥ 1000 ml hoặc việc mất máu kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng của giảm thể tích tuần hoàn trong vòng 24h sau sinh bất kể sinh thường hay sinh mổ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Băng huyết sau sinh cụ thể qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hàng chục triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị băng huyết sau sinh. Đây là tai biến thường gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa, bên cạnh tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung.
Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy máu nặng được xác định khi sản phụ xảy ra mất máu bất thường hơn 1.000 ml máu sau sinh trong vòng 24h, hoặc từ 24h trở lên.
Băng huyết sau sinh được chia thành hai loại:
- Băng huyết nguyên phát: xảy ra sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh
- Băng huyết thứ phát: xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn.
Triệu chứng
Các dấu hiệu của băng huyết sau sinh thường và băng huyết sau sinh mổ có thể xảy ra bao gồm:
- Chảy máu không kiểm soát: Chảy máu từ đường sinh dục ngay sau khi đẻ và sổ rau. Lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng. Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích, đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão
- Huyết áp giảm;
- Nhịp tim tăng, da xanh nhợt, khát nước;
- Chân tay lạnh, vã mồ hôi;
- Giảm số lượng hồng cầu;
- Sưng và đau ở âm đạo và khu vực gần đó nếu chảy máu là do tụ máu;
- Không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ.
Nguyên nhân
Với cơ chế bình thường, quá trình chuyển dạ sau giai đoạn sổ nhau, tử cung co hồi lại, các cơ đan chéo của tử cung co rút ngắn lại sẽ siết các mạch máu của tử cung ở vị trí nhau bám như những nút thắt được gọi là các “nút thắt sinh lý”.
Cùng với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể, cơ tử cung co thắt sẽ tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp ngưng chảy máu.
Tuy nhiên, trường hợp bất thường khiến tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và nhau không sổ ra ngoài, băng huyết sẽ xảy ra.
Có 4 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
- Đờ tử cung: Đây nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng xuất huyết. Hiện tượng này được chẩn đoán khi tử cung mềm, giãn và máu chảy tự do sau khi sinh dẫn đến cơ thể bị choáng. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung căng giãn quá mức, quá trình chuyển dạ quá nhanh. Trong trường hợp sản phụ có nguy cơ cao bị đờ tử sau sinh khi sinh đa thai (sinh đôi, sinh ba), em bé có kích thước trung bình lớn, sản phụ trên 35 tuổi, người mẹ từng sinh nở nhiều lần,…
- Sự bất thường của bánh nhau: Gồm có 3 vấn đề thường gặp: nhau bong non, nhau tiền đạo, và nhau cài răng lược.
- Nhau bong non là việc nhau thai rời khỏi thành tử cung trước khi sinh, thường là 3 tháng cuối hoặc sớm hơn (tuần thứ 20). Triệu chứng bao gồm ra máu âm đạo, đôi khi kèm khó chịu và đau tử cung; đau bụng đột ngột hoặc liên tục.
- Nhau tiền đạo là khi nhau thai bao phủ một phần (hoặc tất cả) cổ tử cung. Khi người mẹ sử dụng chất gây nghiện, hút thuốc hoặc từng phẫu thuật tử cung, nạo phá thai sẽ làm tăng nguy cơ của nhau tiền đạo. Thông thường, nhau tiền đạo chỉ được phát hiện khi siêu âm. Trong nửa đầu thai kỳ, nếu tỉ lệ bám không cao, nó có thể tự điều chỉnh cho phù hợp. Còn trong nửa cuối thai kỳ, sản phụ có thể gặp trường hợp chảy máu âm đạo nhưng không có dấu hiệu đau đớn.
- Tử cung, âm đạo bị vỡ và rối loạn đông máu: Nguyên nhân dẫn đến việc tử cung, âm đạo bị vỡ hoặc rách được cho là khó đẻ cần sự can thiệp của thủ thuật. Trong các tình huống khác như quá trình đau đẻ quá nhanh, đẻ rơi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường sinh dục. Một trong những yếu tố gây nên rối loạn chảy máu là béo phì, bệnh tim, sốt khi mang thai và chảy máu trước khi sinh. Ngoài ra, rối loạn đông máu xảy ra khi nhau bong non, thai lưu hoặc nhiễm trùng. Tùy vào thể trạng và sự phục hồi khác biệt của mỗi người mà băng huyết sau sinh dẫn đến các biến chứng khác nhau.
Đối tượng nguy cơ
Những phụ nữ có nguy cơ băng huyết sau sinh là trường hợp thai già tháng; giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ không tiến triển, tình trạng dinh dưỡng của mẹ kém, tuổi mang thai dưới 20 hoặc ngoài 35 tuổi; sản giật và các rối loạn liên quan; chuyển dạ kéo dài; sót nhau…
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ dựa trên lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
- Lâm sàng:
- Triệu chứng toàn thân: có thể có tình trạng thiếu máu cấp: Mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, da xanh xao.
- Triệu chứng tại chỗ: Chảy máu từ đường sinh dục: lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng. Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích: đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão.
- Cận lâm sàng:
- Xét nghiệm huyết đồ để đánh giá tình trạng máu mất
- Chức năng đông máu để đánh giá tình trạng rối loạn đông máu
- Nhóm máu để truyền máu (nếu cần)
- Các xét nghiệm khác tùy tình trạng bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh
Thai phụ cần lưu ý những điều sau để phòng ngừa băng huyết sau sinh gồm:
- Khám thai định kỳ theo lịch đầy đủ của bác sĩ
- Thực hiện các kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có;
- Phòng ngừa thiếu máu bằng cách bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng;
- Cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở…
Điều trị như thế nào?
Trường hợp băng huyết do đờ tử cung
- Xoa bóp tử cung và thuốc tăng co bóp để kích thích tử cung co thắt;
- Sử dụng thuốc co hồi tử cung bao gồm oxytocin, methylergonovine, prostaglandin;
- Truyền máu, dịch và các chế phẩm của máu;
- Trong trường hợp nặng, điều trị bao gồm: Phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung gây chảy máu. Gây tắc động mạch tử cung, bao gồm việc đưa các mảnh nhỏ vào động mạch tử cung để ngăn máu đến tử cung.
- Sản phụ được chỉ định cắt tử cung nếu các phương pháp trên không có tác dụng.
Trường hợp băng huyết do bất thường bánh nhau
- Băng huyết do sót nhau, sót màng: Cần truyền dịch tĩnh mạch ngay. Cho thuốc giảm đau và tiến hành kiểm soát tử cung. Dùng kháng sinh toàn thân. Theo dõi mạch, huyết áp, chảy máu và co hồi tử cung. Hồi sức truyền máu nếu thiếu máu cấp.
- Băng huyết do nhau không bong: Nếu chảy máu, tiến hành bóc nhau và kiểm soát tử cung, xoa đáy tử cung, hồi sức chống choáng, cho kháng sinh.
- Nếu sản phụ bị nhau cài răng lược bán phần chảy máu hoặc nhau cài răng lược toàn phần, phải cắt tử cung.
- Nếu chảy máu nhiều, cần phải hồi sức chống choáng, truyền máu và phẫu thuật. Duy trì gò tử cung theo nguyên tắc chung.
Trường hợp băng huyết do chấn thương đường sinh dục
- Ngoài xử trí chung còn thêm khâu phục hồi đường sinh dục.
- Nếu bị tụ máu, tùy theo vị trí, kích thước và sự tiến triển của khối máu tụ để có thái độ xử trí thích hợp.
- Nguyên tắc chung là phải phá khối máu tụ và khâu cầm máu, tránh tái phát.
Trường hợp băng huyết do rối loạn đông máu
- Điều trị nội khoa bằng máu tươi là chính, các yếu tố đông máu và điều trị nguyên nhân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.