Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh nướu và nha chu là gì? Những điều cần biết về bệnh nướu và nha chu
Hiện nay rất nhiều người trong chúng ta đã và đang trải qua tình trạng viêm nướu và viêm nha chu. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Bệnh nướu và nha chu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh viêm nướu là tình trạng bệnh nhân bị viêm tổ chức nướu ở trong khoang miệng. Căn bệnh này sẽ có những dấu hiệu như: Nướu bị sưng phồng lên và có màu đỏ thẫm thay vì màu hồng như thường thấy của nướu. Bệnh phát triển nặng còn có mùi hôi khó chịu, đôi khi còn có xuất hiện chảy máu nướu do bị kích thích hoặc bị va chạm.
Bệnh viêm nha chu là bệnh mà bệnh nhân bị viêm tổ chức quanh răng bao gồm: Nướu, xương ổ răng và hệ thống dây chằng,… Bệnh làm phá hủy các tổ chức quanh răng và gây ra những nguy hiểm cho răng và cấu trúc răng. Biểu hiện của bệnh cũng giống như một số hiểu hiện của bệnh viêm nướu: Cũng xuất hiện tình trạng nướu bị sưng phồng và đổi màu, cũng có dấu hiệu chảy máu chân răng thậm chí là chảy dịch mủ chân răng, gây ra những cơn đau ê buốt,…
Nhưng bệnh viêm nướu chỉ là một bộ phận nhỏ của bệnh viêm nha chu, tức là nếu bạn bị viêm nha chu chắc chắn bạn sẽ bị bệnh viêm nướu, nhưng khi bạn đang bị bệnh viêm nướu chưa chắc bạn đã bị bệnh viêm nha chu. Hay nói một cách khác là bệnh viêm nướu chính là giai đoạn phát triển đầu tiên của bệnh viêm nha chu.
Triệu chứng
Nướu lành mạnh thường săn chắc và có màu hồng san hô. Khi có bệnh nha chu, nướu sẽ thay đổi và xuất hiện các đặc điểm sau:
- Viêm nướu: biểu hiện chủ yếu là nướu sưng, đỏ, nhạy cảm và chảy máu. Chảy máu nướu xảy ra khi đánh răng hoặc tự phát. Viêm nướu thường ít gây đau. Có thể đi kèm sự tụt nướu khiến răng trông dài hơn và nhạy cảm với các kích thích.
- Viêm nha chu: thường không gây triệu chứng cho đến khi trầm trọng. Viêm nha chu cũng gây đỏ, chảy máu nướu. Bệnh có thể dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm và tụt nướu (thân răng dài ra), lở loét nướu và hôi miệng. Khi viêm, mô nướu sẽ tách khỏi thân răng. Từ đó tạo nên túi giữa răng và nướu, gọi là túi nha chu. Nặng hơn có thể gây ra tình trạng răng lung lay và tiêu xương xung quanh. Điều này khiến bệnh nhân đau khi ăn nhai. Một số trường hợp có chảy mủ.
Nguyên nhân
Có thể thấy rằng, phải trải qua một khoảng thời gian viêm nướu trước khi phát triển lên viêm nha chu. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người nhầm lẫn rằng viêm nha chu chính là viêm nướu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng đây là hai bệnh lý khác nhau. Có thể nói, bệnh nha chu viêm là mức độ nặng hơn của viêm nướu.
- Viêm nướu: Nguyên nhân chủ yếu gây viêm nướu là mảng bám. Tiến trình gây viêm nướu bởi mảng bám như sau:
- Mảng bám hình thành trên bề mặt răng: Mảng bám là một lớp màng mỏng tạo bởi vi khuẩn và khó để thấy được. Chủ yếu tập trung ở cổ răng nơi tiếp giáp với nướu. Khi dùng lưỡi rà lên bề mặt răng sẽ cảm giác nhám. Vi khuẩn trong mảng bám sử dụng đường từ thức ăn . Sản phẩm tiêu thụ của chúng tiết ra gây viêm và sưng nướu. Mảng bám tái lập rất nhanh nhưng dễ loại bỏ. Chúng ta có thể loại bỏ mảng bám bằng việc chải răng đúng cách. Nói cách khác, vệ sinh răng miệng đúng sẽ làm giảm nguy cơ viêm nướu và viêm nha chu.
- Mảng bám dần chuyển thành vôi răng: Mảng bám ngày càng cứng dần và chuyển thành vôi răng tại vị trí trên và dưới nướu. Lúc này thành phần sẽ có sự xuất hiện của vi khuẩn. Vôi răng khó loại bỏ, tạo lớp bảo vệ cho vi khuẩn và kích thích nướu. Do đó cần phải đến nha sĩ để cạo vôi.
- Nướu chuyển qua tình trạng viêm: Khi mảng bám và vôi răng tồn tại lâu sẽ kích thích kéo dài nướu. Nướu sẽ viêm: sưng và dễ chảy máu. Lúc này sâu răng cũng có thể phát triển ngay bên dưới vôi răng. Viêm nướu không điều trị sẽ tiến triển thành viêm nha chu.
- Viêm nha chu: Viêm nướu là có hồi phục nhưng viêm nướu kéo dài có thể tiến triển thành viêm nha chu. Nếu viêm nướu dai dẳng, túi nha chu sẽ ngày càng sâu, có thể sâu đến 1cm. Vi khuẩn bắt đầu phát triển trong túi nha chu.
- Bàn chải đánh răng hoàn toàn không thể loại bỏ được vi khuẩn trong túi. Một hệ vi khuẩn trong mảng bám được hình thành trên bề mặt chân và vùng cổ răng. Đây là những vị trí khó loại bỏ. Vôi răng hình thành tại những vị trí này và cần loại bỏ bởi nha sĩ. Chúng gồm hai loại: vôi răng trên nướu và vôi răng dưới nướu. Túi nha chu càng sâu, hệ vi khuẩn càng lan rộng sâu xuống chóp chân răng.
- Vi khuẩn cùng với vôi răng trong túi nha chu càng làm viêm lan rộng. Trong viêm nha chu, viêm tấn công mô mềm và xương vốn dĩ nâng đỡ và lưu giữ răng tại vị trí. Trầm trọng hơn khi viêm phá hủy xương ổ làm răng lung lay. Đồng thời có thể phá hủy mô mềm làm lộ một phần chân răng. Theo thời gian, răng sẽ lung lay nhiều và đau khi ăn nhai. Cuối cùng có thể răng sẽ tự rụng.
Viêm nha chu gồm nhiều giai đoạn: Có pha ngắn trong đó mô bị phá hủy, pha dài bệnh ngừng tiến triển. Viêm nha chu là không hồi phục.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh nha chu có thể xảy ra với bất kỳ ai, mọi đối tượng và lứa tuổi do tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn:
- Hút thuốc lá.
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ như dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh.
- Mắc các bệnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: bệnh bạch cầu, HIV/AIDS và điều trị ung thư.
- Tính di truyền.
- Bệnh tiểu đường.
- Các loại thuốc gây khô miệng hoặc thay đổi lượng nước bọt.
Chẩn đoán
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được ghi nhận tiền sử và các yếu tố liên quan đến bệnh. Tiếp theo sẽ được kiểm tra toàn diện toàn bộ miệng: răng, nướu, mô mềm khác.
Bước quan trọng là đánh giá túi nha chu. Bạn sẽ được kiểm tra túi nha chu từng răng nếu có bằng dụng cụ đo túi đặc biệt. Nha sĩ cũng sẽ ghi nhận dấu hiệu chảy máu, vôi răng, độ tụt nướu, độ lung lay răng. Thông thường độ sâu túi từ 1-3mm. Nếu trên 4mm là ghi nhận có bệnh nha chu.
Nếu nha sĩ ghi nhận có viêm nha chu, một số cận lâm sàng sẽ được thực hiện. Ví dụ như chụp phim X-quang để đánh giá tình trạng tiêu xương. Xét nghiệm máu và đường huyết để chẩn đoán các bệnh lý liên quan.
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa bệnh:
- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa. Đảm bảo chải răng trong 2 phút và làm sạch tất cả các bề mặt răng. Đồng thời mát xa cho nướu để làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu.
- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh nha chu. Trong mỗi lần khám răng, nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng nướu của bạn, đo các túi nha chu xung quanh răng để phát hiện dấu hiệu bệnh nha chu.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng để bổ sung vitamin C, K và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Cách chữa bệnh viêm lợi (viêm nướu)
- Loại bỏ cặn vôi răng: Khi cặn vôi được loại bỏ, sự hiện diện của vi khuẩn trong mô nướu giảm đáng kể. Từ đó mô nướu có khả năng tự phục hồi và tái tạo hoàn toàn.
- Dùng thuốc kháng sinh:Bên cạnh việc loại bỏ cặn vôi, các chuyên gia có thể đề xuất việc sử dụng thuốc. Mục đích để kiểm soát tình trạng viêm và hỗ trợ quá trình phục hồi của mô nướu.
- Tuân thủ vệ sinh răng miệng đúng và đều đặn: Song song với các biện pháp y tế, việc duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách là cực kỳ quan trọng. Bởi không chỉ để kiểm soát mà còn ngăn ngừa viêm nhiễm mô nướu tái phát.
Với sự chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng viêm nướu răng có thể cải thiện đáng kể chỉ sau vài tuần. Tuy nhiên, việc bỏ qua sự chăm sóc thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng trầm trọng. Đặc biệt gây ra viêm nha chu và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Cách chữa bệnh viêm nha chu:
- Xử lý cặn vôi và xem xét mặt gốc răng: Tương tự việc điều trị viêm nướu răng, viêm nha chu xuất phát từ sự hình thành cặn bám và vôi trên răng. Do đó, một phần quan trọng trong quá trình chữa trị là loại bỏ cặn vôi tích tụ tại khu vực chân răng.
- Cố định răng: Khi nướu bị tổn thương nghiêm trọng, răng thường có nguy cơ lung lay. Để tránh sự rơi rụng và gãy, bác sĩ kết hợp việc loại bỏ cặn vôi và cố định răng
- Thực hiện các phẫu thuật để nạo túi nha: Theo thời gian, các khuôn túi nha chu, chứa chất dịch và mủ hình thành. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nạo túi nha. Mục đích để kích thích mô nướu phục hồi, gắn kết với chân răng và ngăn chặn nguy cơ mất răng.
- Phẫu thuật ghép các xương và mô nướu: Mục tiêu là phục hồi cấu trúc nha chu và gắn chặt răng vào hàm. Điều này giúp bảo vệ răng và ngăn ngừa tình trạng răng bị mất hoặc hư hại.
- Ngoài những phương pháp đã nêu, việc điều trị viêm nha chu còn gồm: sử dụng thuốc, vệ sinh răng miệng và các biện pháp khác.
Quá trình chữa trị viêm nha chu thường kéo dài trong vài tháng. Thậm chí việc khôi phục mô nha chu 100% thường là khó khăn. Vì thế, người mắc bệnh cần chủ động thực hiện các liệu pháp duy trì và phòng ngừa để hạn chế nguy cơ tái phát.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.