Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bướu giáp nhân thùy phải là gì? Những điều cần biết về bướu giáp nhân thùy phải
Bướu giáp nhân thùy phải là tình trạng bướu nằm ở thùy phải của tuyến giáp, với một hoặc nhiều nốt sần phình to. Đây là một bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng đến ⅓ phụ nữ và ⅕ nam giới. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về bướu giáp nhân thùy phải.
Tổng quan chung về bướu giáp nhân thùy phải
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình con bướm dài khoảng 5cm nằm ở dưới cổ, với trọng lượng từ 10-20 gram. Tuyến giáp có 2 thùy: thùy trái và thùy phải. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, chịu trách nhiệm giải phóng hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất. Các hormone do tuyến giáp tiết ra điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể bao gồm: nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ cơ thể, chức năng hệ thần kinh.
Bướu giáp nhân thùy phải là bướu nằm ở thùy phải của tuyến giáp, có một hoặc nhiều nốt sần phình to. Bướu giáp nhân thùy phải khá phổ biến, có đến ⅓ nữ giới và ⅕ nam giới bị bệnh. Bướu này thường lành tính, với tỷ lệ ung thư dưới 5%. Vì vậy, cần tiến hành xét nghiệm để xác định xem nhân giáp có phải là ác tính hay không.
Khi tuyến giáp bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên nếu bị bướu giáp nhân thùy phải, tuyến giáp vẫn có thể tiếp tục hoạt động tốt và sản xuất đủ lượng hormone cho cơ thể. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp bị bướu giáp nhân thùy phải không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.
Triệu chứng bướu giáp nhân thùy phải
Bướu giáp nhân thùy phải thường không có triệu chứng rõ ràng đến khi bướu lớn hoặc đi khám sức khỏe định kỳ. Khi các nốt sần phát triển to sẽ có triệu chứng rõ hơn. Triệu chứng dễ nhận biết là xuất hiện khối u ở cổ bên phải. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy nặng nề, khó nuốt, khó thở, khàn giọng, đau cổ.
Hiếm khi các nốt tuyến giáp sản sinh ra nhiều hormon giáp (T3 và T4) gây triệu chứng của bệnh cường giáp bao gồm: lo lắng, khó chịu, ủ rũ, hiếu động thái quá, đổ mồ hôi, chịu nóng kém, tim đập nhanh, tay run, rụng tóc, dễ bị tiêu chảy, sụt cân, chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Nguyên nhân bướu giáp nhân thùy phải
Phần lớn các trường hợp bị bướu giáp nhân thùy phải do các vấn đề sau:
- Sản xuất hormone tuyến giáp không hiệu quả: khi tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone giáp sẽ bù đắp bằng cách phình to. Nguyên nhân phổ biến khiến tuyến giáp hoạt động không hiệu quả do thiếu i-ốt. Một số nguyên nhân khác bao gồm: tiếp xúc phóng xạ, di truyền…
- Viêm tuyến giáp: viêm tuyến giáp làm sưng tuyến giáp, tạo ra các nốt sần to như khối u ở cổ. Nguyên nhân phổ biến gây viêm tuyến giáp do bệnh tự miễn còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp gây sưng viêm. Trẻ em bị viêm tuyến giáp Hashimoto có nguy cơ mắc bướu giáp nhân thùy phải cao hơn. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác do viêm tuyến giáp sau sinh, có khoảng 5% phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh. Một số trường hợp bị viêm tuyến giáp do tác dụng phụ của thuốc.
- Khối u tuyến giáp: các khối u tuyến giáp thường lành tính nhưng có thể là ung thư. Hầu hết các khối u là nốt sần phình to, chúng có thể xuất hiện dưới dạng sưng tuyến toàn thân.
- Thiếu i-ốt: i-ốt có vai trò giúp tuyến giáp sản sinh ra hormone giáp. Thiếu i-ốt trong chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây ra bướu cổ và bướu giáp nhân thùy phải.
Đối tượng nguy cơ bướu giáp nhân thùy phải
Bất cứ ai cũng có thể mắc bướu giáp nhân thùy phải. Nó có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp nhân thùy phải bao gồm:
- Chế độ ăn thiếu iốt;
- Phụ nữ;
- Gia đình có người thân mắc các bệnh lý tuyến giáp;
- Hiện đang mắc các bệnh lý tự miễn;
- Bệnh cường giáp;
- Thai kỳ.
Chẩn đoán bướu giáp nhân thùy phải
Khi nghi ngờ bị bướu giáp nhân thùy phải, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách nhìn hoặc sờ vào tuyến giáp. Khi phát hiện ra nốt sần, vấn đề đặt ra ngay lúc này gồm: nốt tuyến giáp lành tính hay ác tính? Các nốt sần có sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp không? Có liên quan đến hạch cổ không? Để giải quyết những vấn đề trên bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các chẩn đoán sau:
- Siêu âm: để bác sĩ xác định vị trí và đặc điểm của nốt sần tuyết giáp. Siêu âm các hạch bạch huyết ở cổ để xác định có ung thư hay không.
- Xét nghiệm máu: đo nồng độ hormon T3 và T4 (hormone tuyến giáp) và hormon kích thích tuyến giáp (TSH). Xét nghiệm máu giúp xác định các nốt sần tuyến giáp có sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, có thể gây ra cường giáp hay không.
- Sinh thiết: phụ thuộc vào kích thước của nốt sần và các đặc điểm về hình dạng, viền, độ đậm nhạt. Có thể thực hiện sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA). Dùng kim nhỏ để lấy mẫu tế bào hoặc dịch từ nốt sần. Sau đó, kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nốt sần lành tính hay ác tính.
Phòng ngừa bướu giáp nhân thùy phải
Bướu giáp nhân thùy phải do thiếu iốt là loại bướu giáp duy nhất bạn có thể ngăn ngừa. Áp dụng một chế độ ăn bao gồm muối iốt, cá biển, rau cần, cải bẹ với lượng vừa đủ sẽ ngăn ngừa loại bướu giáp này.
Điều trị bướu giáp nhân thùy phải như thế nào?
Bướu giáp nhân thùy phải được chia ra 3 loại để điều trị: bướu giáp lành tính, bướu giáp ác tính, bướu giáp nhân thùy phải tiết quá nhiều hormone.
- Điều trị bướu giáp lành tính: hầu hết bệnh nhân có bướu giáp nhân thùy phải lành tính không cần điều trị đặc hiệu. Bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc nhằm ngăn chặn sự phát triển hoặc giảm kích thước của nốt sần. Bướu giáp nhân thùy phải lành tính được chỉ định cắt bỏ khi người bệnh có các yếu tố sau: nam giới dưới 40 tuổi, từng xạ trị đầu hoặc cổ, có hạch to ở cổ, gặp vấn đề về nói và nuốt, tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Phương pháp cắt bỏ bằng tần số sóng vô tuyến (RFA – đốt sống cao tần) thường sử dụng cho bướu lành tính. Cắt bỏ bằng tần số sóng vô tuyến sử dụng một đầu dò để tiếp cận khối u, sau đó xử lý bằng dòng điện và nhiệt để làm khối u nhỏ lại.
- Điều trị bướu giáp ác tính: với người có bướu giáp nhân thùy phải ác tính cần cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Các hạch bạch huyết ở cổ được kiểm tra, xác định khối u đã lan ra ngoài hay chưa. Phương pháp điều trị tiếp theo phụ thuộc vào những phát hiện khi phẫu thuật. Một số người bệnh có thể đặt hormone tuyến giáp và theo dõi xét nghiệm máu, siêu âm. Trong khi các trường hợp khác sẽ nhận được i-ốt phóng xạ để phá hủy mô tuyến giáp còn sót lại, sau đó theo dõi bằng xét nghiệm máu và siêu âm.
- Điều trị nốt sần tuyến giáp tiết quá nhiều hormon: được điều trị bằng nhiều cách bao gồm i-ốt phóng xạ, loại bỏ nốt sần bằng cồn hoặc phẫu thuật cắt bỏ. I-ốt phóng xạ được dùng dưới dạng thuốc viên làm cho tuyến giáp co lại tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn. I-ốt phóng xạ chỉ được hấp thụ bởi tuyến giáp, vì vậy nó không gây hại cho các tế bào khác. Cắt bỏ tuyến giáp bằng cồn là tiêm cồn vào các nốt tuyến giáp qua kim nhỏ, làm các nốt sần co lại và tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn.