Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chàm môi là gì? Những điều cần biết về chàm môi
Chàm môi là một bệnh lý phổ biến xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Những triệu chứng của chàm môi biểu hiện ở nhiều mức độ nhưng nhìn chung đều gây đau đớn, ngứa ngáy đồng thời gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Chàm môi qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh chàm môi (môi bị chàm, tên tiếng Anh là Cheilitis) là một trong những bệnh lý viêm da quanh khu vực môi, miệng, vì vậy bệnh còn có tên khác là viêm môi dị ứng. Bệnh thường biểu hiện với những dát đỏ, mụn nước nhỏ, bị khô rát viền môi, nứt, bong vảy gây ngứa và đôi khi gây chảy máu và đau đớn.
Bất kỳ ai đều cũng có thể bị chàm môi, bệnh có thể tái phát nhiều lần. Sau một vài ngày, chàm môi sẽ khỏi nếu người bệnh chăm sóc môi đúng cách.
Chàm môi không nguy hiểm nhưng mang đến cảm giác khó chịu, bất tiện cho cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, khi ăn uống, giao tiếp hay vệ sinh vùng miệng, bệnh thường khiến chúng ta đau đớn và ngứa ngáy.
Chàm môi dễ tái phát nhiều lần. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây viêm loét và ảnh hưởng nặng nề tới tính thẩm mỹ cũng như sức khỏe người bệnh. Bởi vậy, cần điều trị sớm, ngay khi vùng môi miệng có biểu hiện khô nứt, tránh để bệnh trở nặng, lan rộng, khó kiểm soát.
Triệu chứng
Thực tế, chàm môi rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về môi khác, ví dụ như khô môi, nứt nẻ do thiếu nước hay do thời tiết. Bởi vậy, người bệnh cần chủ động nắm rõ một số triệu chứng đặc trưng của bệnh để xác định bản thân có đang bị chàm môi hay không.
Một số triệu chứng quanh vùng môi thường gặp của bệnh lý chàm môi như:
- Vùng môi bị viêm, mẩn đỏ, ngứa;
- Da môi khô, bong vảy, nứt nẻ, chảy máu;
- Bị khô rát viền môi, vùng da quanh miệng ngứa ngáy;
- Lở loét, nổi mụn nước lan rộng xung quanh miệng.
Khi môi khô căng, những vết nứt ngày càng nhiều dẫn đến chảy máu thì bệnh đã trở nên khá nghiêm trọng và có thể tiến triển nặng hơn, xuất hiện thêm mụn nước. Nếu không vệ sinh, giữ gìn cẩn thận, những vết khô nứt này rất dễ trở thành những vết lở loét.
Khi các mụn nước này vỡ ra người bệnh sẽ vô cùng đau đớn. Đây cũng là giai đoạn dễ xảy ra tình trạng bội nhiễm nhất. Khi vết thương bị viêm loét, nhiễm trùng sẽ rất dễ để lại sẹo.
Nguyên nhân
Nguyên nhân thực sự của bệnh chàm thường không rõ. Nó thường liên quan đến chất kích ứng, dị ứng hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh chàm.
Chàm môi cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác như:
- Khói
- Phấn hoa
- Ăn một số loại thực phẩm
- Nhạy cảm với nhiệt hoặc lạnh
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Tiếp xúc với lông động vật
Bệnh chàm là một phản ứng dị ứng và nó không lây.
Đối tượng nguy cơ
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi nếu không có những biện pháp phòng ngừa.
Chẩn đoán
Để xác định chàm môi, bác sĩ thường thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán bệnh cần thiết như:
- Thăm khám, trao đổi về tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình, môi trường sống và làm việc, thói quen chăm sóc môi hàng ngày…
- Quan sát, kiểm tra bên ngoài khu vực tổn thương để tìm kiếm các dấu hiệu bệnh, chẳng hạn như viêm đỏ, sưng môi, lở loét môi, nổi mụn nước, bong tróc da hoặc khô môi,…
- Thực hiện các xét nghiệm dị ứng, kiểm tra công thức máu, sinh thiết da…
Phòng ngừa bệnh
Để giảm nguy cơ mắc bệnh chàm môi, bạn có thể áp dụng những giải pháp đơn giản dưới đây:
- Không liếm môi
- Thận trọng khi lựa chọn các loại hóa mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cơ thể như son môi, kem dưỡng môi, kem đánh răng, nước súc miệng…
- Bổ sung đầy đủ nhu cầu chất lỏng cho cơ thể mỗi ngày thông qua các thức uống lành mạnh hoặc nước canh rau.
- Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động vui chơi, giải trí và gặp gỡ bạn bè nếu bạn thường xuyên gặp căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
- Không ôm ấp, tiếp xúc gần với thú nuôi trong nhà.
- Vệ sinh môi trường và không gian sống thường xuyên.
- Cân nhắc thay đổi công việc nếu nghề nghiệp hiện tại của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Điều trị chàm môi như thế nào?
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính dành cho những bệnh nhân bị chàm môi. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc, sự phòng tại nhà để ngăn ngừa tái phát.
Thuốc trị chàm môi: Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn nhằm mục đích điều trị triệu chứng chàm môi và làm giảm phản ứng dị ứng quá mẫn của cơ thể. Đa số đều là thuốc bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ nên ít tác dụng phụ. Trường hợp bị nặng mới dùng thuốc theo đường uống. Bao gồm:
- Thuốc kháng histamin: Giúp ức chế hoạt động của histamin – chất hóa học trung gian có trong phản ứng viêm, qua đó xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu. Nhóm thuốc này thường gây buồn ngủ khi sử dụng. Vì vậy, cần thận trọng nếu bạn phải lái xe hoặc điều khiển máy móc thiết bị sau đó.
- Thuốc kháng sinh: Chỉ dùng khi chàm ở môi có dấu hiệu nhiễm trùng, bội nhiễm.
- Thuốc Corticoid: Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp giảm viêm môi, làm dịu nhanh cơn ngứa. Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn và ưu tiên dạng kem bôi.
Trên đây là một số chia sẻ hữu ích về bệnh Chàm môi là gì? Hy vọng nó sẽ giúp ích được cho bạn và gia đình.