Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cơn đau thắt ngực là gì? Những điều cần biết về cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực là cụm từ chỉ những cơn đau xuất phát từ bệnh mạch vành. Tình trạng này xảy ra khi động mạch vành không cung cấp đủ máu cho tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này làm hẹp động mạch và hạn chế lưu lượng máu đến tim, đặc biệt khi gắng sức.
Tổng quan chung
Đau thắt ngực điển hình là cơn đau xảy ra do bệnh mạch vành. Nó có đủ 3 đặc điểm: cơn đau xuất hiện sau xương ức, xảy ra do gắng sức hoặc căng thẳng cảm xúc, và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin. Nếu bệnh nhân có 2/3 đặc điểm này thì được chẩn đoán là đau thắt ngực không điển hình. Trường hợp chỉ có 1 trong 3 đặc điểm trên, đó là cơn đau không do bệnh mạch vành.
Đau ngực điển hình có thể nằm trong bối cảnh đau thắt ngực ổn định (bệnh mạch vành mạn tính) hoặc đau thắt ngực không ổn định (hội chứng động mạch vành cấp).
Cơn đau thắt ngực điển hình là dấu hiệu của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, đồng thời cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim cấp. Nếu không kịp thời phát hiện và có hướng xử trí đúng đắn, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, đột tử.
Triệu chứng đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực thường kéo dài từ 3-5 phút và có các đặc điểm:
- Bệnh nhân có cảm giác bị bóp nghẹt, ép chặt vùng ngực, rát bỏng phía sau xương ức.
- Đau lan lên vai, cằm, cánh tay, và lan xuống vùng thượng vị.
- Xuất hiện có tính quy luật, liên quan đến gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn thịnh soạn, hút thuốc lá.
- Giảm khi hết tác nhân gây gắng sức hoặc khi dùng nitroglycerin.
Nguyên nhân gây đau thắt ngực
Nguyên nhân đau thắt ngực là do lưu lượng máu đến cơ tim giảm, gây hiện tượng thiếu máu cục bộ. Các nguyên nhân chính bao gồm:
- Bệnh động mạch vành (CAD): CAD là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau thắt ngực. Nó xảy ra khi mảng tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho tim, làm giảm lưu lượng máu đến tim.
- Bệnh vi mạch vành (MVD): Phụ nữ có nhiều khả năng bị đau thắt ngực do MVD hơn nam giới. Tình trạng này làm hỏng thành và niêm mạc của các mạch máu nhỏ phân nhánh từ động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến tim.
- Co thắt mạch vành: Trong cơn co thắt mạch vành, các động mạch vành co thắt và mở ra liên tục, tạm thời hạn chế lưu lượng máu đến tim.
Ngoài ra, các vấn đề về tim như suy tim, bệnh cơ tim phì đại, bệnh van tim, nhịp tim bất thường hoặc thiếu máu cũng có thể là nguyên nhân gây đau thắt ngực.
Đối tượng nguy cơ gây đau thắt ngực
Những người có nguy cơ cao mắc đau thắt ngực bao gồm:
- Người lớn tuổi: Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
- Người hút thuốc lá.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Người bị cao huyết áp.
- Người bị cholesterol cao.
- Bệnh nhân mắc các bệnh nền khác như bệnh thận mãn tính, bệnh động mạch ngoại biên, hội chứng chuyển hóa.
- Người có lối sống không vận động.
- Người bị béo phì.
- Người thường xuyên bị căng thẳng.
Chẩn đoán đau thắt ngực
Chẩn đoán cơn đau thắt ngực điển hình dựa trên đặc điểm cơn đau. Nếu cơn đau xuất hiện sau khi gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin, đây chính là cơn đau thắt ngực điển hình. Các cận lâm sàng như siêu âm tim, đo điện tâm đồ, siêu âm tim gắng sức, điện tâm đồ gắng sức, chụp mạch vành, xét nghiệm men tim có thể được thực hiện để đưa ra kết luận chính xác.
Phòng ngừa bệnh đau thắt ngực
Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Ngừng hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
- Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo.
- Giảm muối, giảm đường.
- Tập luyện thể dục mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
- Tránh lo lắng, căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc.
Điều trị đau thắt ngực như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện lưu lượng máu đến tim và cải thiện khả năng hoạt động của tim.
Sử dụng thuốc
- Aspirin: Giảm đông máu.
- Nitroglycerin: Mở rộng tạm thời các mạch máu bị hẹp.
- Thuốc ức chế beta: Làm chậm nhịp tim và thư giãn cơ tim.
- Các thuốc điều trị tăng huyết áp, loạn nhịp, tiểu đường hoặc nồng độ cholesterol cao trong máu cũng có thể được sử dụng.
Phẫu thuật
Nếu thuốc không có tác dụng, phẫu thuật có thể được thực hiện. Các phương pháp bao gồm:
- Nong mạch vành và đặt stent mạch vành.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG).
Kết luận
Cơn đau thắt ngực là tình trạng cần được chú ý và thăm khám với bác sĩ sớm để kiểm tra và có biện pháp khắc phục, tránh gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.