Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cơn động kinh vắng ý thức là gì? Những điều cần biết về cơn động kinh vắng ý thức
Động kinh vắng ý thức thường khó nhận biết hơn so với các dạng động kinh khác, do biểu hiện thường chỉ thoáng qua vài giây mà không có các cơn co giật toàn thân, mắt trợn ngược hay sùi bọt mép. Hãy cùng tìm hiểu cơn động kinh vắng ý thức qua bài viết này.
Tổng quan chung
Động kinh vắng ý thức là tình trạng mất ý thức đột ngột trong thời gian ngắn. Khi khởi phát, người bệnh rơi vào trạng thái ngây người, mắt nhìn vô hồn, bất thần vào một khoảng không vô định trong nhiều giây. Sau đó, người bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường và không gặp bất kỳ chấn thương nào trên cơ thể. Các cơn vắng ý thức thường thường qua rất nhẹ và khó phát hiện.
Động kinh vắng ý thức có thể xảy ra hàng tuần hay hàng tháng và thường thấy nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ khi gặp tình trạng này cũng có thể bị co giật với những cơn co giật ngắn và nhanh. Nếu diễn ra thường xuyên, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến khả năng tập trung đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong hoạt động thường ngày, đặc biệt là khi bơi lội, tập thể dục thể thao.
Triệu chứng động kinh vắng ý thức
Người bị động kinh vắng ý thức thường đột ngột ngừng chuyển động, ngây người ra nhưng không té ngã. Người bệnh thường nhìn chằm chằm, bất thần vào khoảng không. Một số triệu chứng khác có thể cảnh báo cơn vắng ý thức như:
- Liếm môi
- Giật mí mắt, chớp mắt
- Chà xát một cách vô thức các ngón tay vào nhau
- Xuất hiện các chuyển động nhỏ ở cả hai tay
Các biểu hiện của cơn vắng ý thức thường thoáng qua, khó phát hiện nhưng không có nghĩa là không nguy hiểm. Các triệu chứng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian hàng tuần, hàng tháng trước khi người lớn nhận thấy các cơn co giật.
Các trường hợp cần đưa bệnh nhân đi khám ngay:
- Xuất hiện cơn co giật, có các triệu chứng co giật
- Cơn động kinh tiếp tục xảy ra mặc dù đã dùng uống thuốc chống động kinh
- Các hoạt động không có nhận thức, nhầm lẫn kéo dài đến vài phút thậm chí là vài giờ
- Co giật hơn 5 phút
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này được nhận định là những bất thường trong cấu trúc và chức năng của não do vấn đề về gen, rối loạn chuyển hóa, hiện tượng ngạt khi sinh, nhiễm trùng não…
Tình trạng co giật xảy ra do các xung điện bất thường từ các tế bào thần kinh ở não. Ở người bệnh bị động kinh, hoạt động điện của não bị thay đổi. Trong đó, khi co giật mất ý thức, tín hiệu điện này lặp đi lặp lại trong vòng 3 giây. Những người bị động kinh, mức độ của các chất dẫn truyền thần kinh có thể bị thay đổi.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ mắc động kinh cao nhất là gia đình có tiền sử bị động kinh và có thể xảy ra từ 0 đến 15 tuổi. Đỉnh điểm vào khoảng 6 đến 7 tuổi.
Cơn vắng ý thức hay gặp ở trẻ em đặc biệt trẻ em gái. Ở trẻ em trai thường hay gặp cơn vắng ý thức không điển hình (hội chứng Lennox – Gastaut) dễ thay đổi tính cách, di chứng suy giảm trí tuệ.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được thực hiện các phương pháp chẩn đoán gồm:
- Điện não đồ (EEG): Giúp đo các sóng hoạt động điện của não để tìm ra các bất thường nếu có. Thông thường, bệnh nhân được yêu cầu thở nhanh và sâu, nhìn vào ánh sáng nhấp nháy để gây khởi phát cơn động kinh, như vậy kết quả sẽ chính xác hơn.
- Chụp CT não, MRI não: Tái hiện hình ảnh chi tiết của não, loại trừ nguyên nhân như đột quỵ, u não.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Nếu gia đình có yếu tố di truyền bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đi khám định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của cơn động kinh vắng ý thức.
Chế độ sinh hoạt
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc, chú trọng chất lượng giấc ngủ
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, hạn chế các hoạt động mang rủi ro tiềm ẩn như chơi thể thao quá mức, bơi hoặc tắm một mình, lái xe,…
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Tránh các cảm xúc tiêu cực, xúc động, căng thẳng, lo lắng.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
- Vấn đề giao tiếp xã hội: Trẻ em và người lớn có bệnh động kinh có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, việc phổ biến kiến thức và thái độ trong cộng đồng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp là rất quan trọng.
- Sử dụng vòng tay y tế cho trẻ hoặc người lớn có cơn động kinh vắng ý thức nói riêng, cũng như bệnh động kinh nói chung.
Chế độ dinh dưỡng
- Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo tốt như các loại hạt, quả bơ, cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá lăng,…
- Cân chỉnh giảm lượng carbohydrate, tiêu thụ các loại ngũ cốc nguyên cám thay cho ngũ cốc tinh chế.
- Tuy nhiên, chế độ ăn này chỉ nên áp dụng nếu thuốc không kiểm soát được cơn động kinh.
Điều trị như thế nào?
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống động kinh ở liều thấp nhất và tăng liều lượng khi cần thiết để kiểm soát cơn co giật. Trẻ em có thể giảm dần thuốc chống động kinh sau 2 năm dùng, theo sự chỉ định của bác sĩ.
Các loại thuốc được quy định để điều trị cơn động kinh vắng ý thức bao gồm:
- Ethosuximide (Zarontin): Đây là loại thuốc mà hầu hết các bác sĩ chỉ định cho bệnh động kinh vắng ý thức. Trong hầu hết các trường hợp, động kinh đáp ứng tốt với thuốc này. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm buồn nôn, nôn, buồn ngủ, khó ngủ, hiếu động thái quá.
- Axit valproic (Depakine): Các bé gái tiếp tục dùng thuốc khi trưởng thành nên thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ tiềm ẩn của axit valproic. Axit valproic có liên quan đến nguy cơ dị tật bẩm sinh cao ở trẻ sơ sinh, do đó các bác sĩ khuyên phụ nữ không nên sử dụng thuốc trong khi mang thai hoặc khi cố gắng thụ thai. Các bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng axit valproic ở trẻ em có cả động kinh vắng ý thức và co cứng – co giật (động kinh cơn lớn).
- Lamotrigine (Lamictal): Theo một số nghiên cứu, loại thuốc này ít hiệu quả hơn so với ethosuximide hoặc axit valproic, nhưng nó có ít tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ có thể bao gồm phát ban và buồn nôn.
Trên đây là những chia sẻ về cơn động kinh vắng ý thức. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.