Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Da khô là gì? Những điều cần biết về da khô
Khô da là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Tình trạng da khô có thể gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc vảy và làm trầm trọng hơn một số bệnh ngoài da. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về da khô qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Da khô là tình trạng da bị thiếu độ ẩm do mất nước ở lớp biểu bì. Điều này khiến cho lớp da dễ bong tróc thành các vảy mịn màu trắng hoặc khi sờ vào vùng da cảm thấy khô ráp. Đồng thời làn da không đủ ẩm dễ xỉn màu và thiếu sức sống hơn.
Triệu chứng
Có 3 mức độ khô da:
- Da bị khô ở mức độ nhẹ: Vùng da bị khô sẽ tạo cảm giác căng, châm chích thường xuất hiệu sau khi tắm hoặc rửa mặt với xà phòng. Da thiếu ẩm, không láng mịn do các tế bào da mất nước và tích tụ tế bào chết trên bề mặt.
- Da khô mức trung bình: Ngoài các triệu chứng ở mức độ nhẹ, làn da sẽ xuất hiện thêm các vết rạn, nứt trên bề mặt. Lớp da trên bề mặt có dấu hiệu bong tróc, mặc dù không đau nhưng sẽ khiến làn da kém thẩm mỹ.
- Da khô mức độ nặng: Da sẽ xuất hiện các mảng bong tróc, vết nứt sâu hơn và chảy máu hoặc khiến bạn có cảm giác ngứa rát khó chịu.
Mỗi mức độ khô của da sẽ có các dấu hiệu khác nhau và ngoài ra một số dấu hiệu khác dễ nhận biết như vùng da bị khô thường có màu sậm hơn và thiếu sức sống hơn các vùng khác. Da có dấu hiệu hình thành các nếp nhăn do thiếu độ đàn hồi khi không đủ độ ẩm. Ngoài ra, da khô cũng trở nên nhạy cảm và dễ gặp các vấn đề dị ứng, viêm da hơn.
Nguyên nhân
Có khá nhiều yếu tố gây khô da, đó có thể là sinh lý tự nhiên của da, cũng có thể là ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài:
- Khô da do khí hậu: điều kiện môi trường ít độ ẩm, chẳng hạn như mùa đông hoặc môi trường sa mạc, cao nguyên thì thường bị tình trạng khô da hơn.
- Khô da do tuổi tác: Đây là sự thay đổi một cách tự nhiên theo quá trình lão hóa của da.
- Khô da do di truyền: một số người sở hữu tình trạng da khô di truyền, cũng tương tự như một số người sở hữu làn da dầu nhờn.
- Khô da do tình trạng sức khỏe: Một số bệnh trong cơ thể liên quan đến thận có thể khiến da khô và ngứa.
- Khô da do tác động bên ngoài: Một số người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa như nhân viên trị liệu, spa, làm tóc… có nhiều khả năng bị khô da hơn.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù da khô có xu hướng ảnh hưởng đến cả hai giới và ở mọi lứa tuổi, nhưng những người cao tuổi thường dễ bị da khô hơn. Da ở người cao tuổi có xu hướng giảm lượng dầu và chất bôi trơn da tự nhiên so với người trẻ tuổi.
Chẩn đoán
Bác sĩ tiến hành khám sức khỏe và hỏi về bệnh sử của bạn, bao gồm khi nào bạn gặp tình trạng da khô, yếu tố nào giúp cải thiện hoặc làm khô da hơn, các thói quen xấu, chế độ ăn và cách bạn chăm sóc da.
Bạn có thể phải làm các xét nghiệm chẩn đoán nếu bác sĩ nghi ngờ da khô là do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như tuyến giáp kém (suy giáp) gây ra.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa khô da bạn có thể dùng các cách sau đây:
- Bổ sung 2 – 2,5 lít nước/ngày giúp cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, từ đó làm ẩm da từ bên trong, da sẽ mềm mại, mịn màng hơn, hạn chế tối đa bị khô ráp và không lo xuất hiện tình trạng này.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với nhiều vitamin A, C, E, magie, axit béo thiết yếu (có nhiều trong vừng, lạc, hạt điều, cà chua, trứng, cần tây, cà rốt, ngó sen, mật ong, cá biển, sò, nghêu, thịt bò,…). Chúng vừa tốt cho cơ thể, vừa chống khô da, ngăn ngừa lão hóa, giữ da luôn khỏe mạnh, căng mướt tự nhiên.
- Chỉ vệ sinh da mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên và tốt nhất hãy chọn loại có tác dụng cân bằng độ ẩm, độ pH giúp da sạch sẽ mà vẫn không bị khô. Không lạm dụng rửa mặt hoặc dùng loại chứa nhiều xà phòng, có tính tẩy rửa mạnh, bởi nguy cơ gây tổn thương da cao, làm tình trạng khô ráp trầm trọng thêm.
- Thường xuyên sử dụng xịt khoáng trong ngày, sau khi trang điểm, sau khi đi nắng hay sau khi tẩy trang. Nước xịt khoáng là giải pháp cung cấp nước và hạn chế khô ráp tức, chưa kể còn giúp lớp trang điểm bám lâu hơn, thư giãn da mặt sau một ngày mệt mỏi.
- Mỗi ngày cần thoa thêm kem dưỡng ẩm, giúp tái tạo bề mặt, ngăn ngừa và chống khô ổn định. Lưu ý, để đảm bảo an toàn và hiệu quả hãy chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, dành cho da khô.
Ngoài ra, đừng quên sử dụng nước tẩy trang và nước hoa hồng không chứa cồn, mỹ phẩm chất lượng, không rửa mặt bằng nước nóng, để lọ nước trong phòng máy lạnh, mặc áo ấm kỹ khi mùa đông.
Điều trị như thế nào?
Bạn sẽ có thể kiểm soát da khô này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Bổ sung các sản phẩm chăm sóc, cấp ẩm cho vùng da khô như gel hoặc kem dưỡng ẩm, serum, đắp mặt nạ,…
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm làm sạch có chứa nhiều chất kiềm hoặc có tính tẩy rửa cao.
- Nếu da bong tróc nghiêm trọng gây chảy máu có thể dùng các loại thuốc bôi kháng viêm để giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
- Thường xuyên tẩy tế bào chết cho da để giúp làm mềm lớp sừng và thông thoáng lỗ chân lông.
- Không nên tắm nước nóng quá lâu mà nên giữ nước ở nhiệt độ ấm vừa đủ là tốt nhất.
- Hạn chế ma sát trên vùng da đang bị khô sẽ dễ khiến da bị tổn thương và bong tróc.
- Cung cấp đủ nước cùng với chế độ ăn uống khoa học với nhiều vitamin, chất xơ và hạn chế nạp đường quá mức bình thường.
- Đối với ngày trời lạnh hoặc thời tiết hanh khô có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, phòng ngủ để giúp không khí luôn đủ ẩm.
- Ưu tiên các loại kem chống nắng có SPF từ 30 – 50 với kết cấu không quá dày để tránh bí bách nhưng vẫn có thể bảo vệ da khỏi tác nhân từ môi trường.
- Hạn chế thức khuya để da có đủ thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng cho cơ thể giúp lưu thông máu đến các tế bào hiệu quả hơn.
Trên đây là những chia sẻ về da khô. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.