Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đa niệu là gì? Những điều cần biết về đa niệu
Đa niệu còn được gọi là đái tháo là thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng người bệnh đi tiểu nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày. Vậy đa niệu là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Trung bình thì đàn ông sẽ đi tiểu từ 1,2 – 1,7 lít nước tiểu/ngày, còn phụ nữ là khoảng từ 1,1 – 1,5 lít. Bệnh đa niệu xảy ra khi thể tích lượng nước tiểu lên tới hơn 2 lít/ngày trong điều kiện người bệnh nghỉ ngơi tại giường, lượng nước nạp vào cơ thể không quá nhiều (trung bình là 1,5 lít, không bổ sung các loại thuốc lợi tiểu, có chế độ ăn uống bình thường).
Những trường hợp đa niệu về đêm tức là người bệnh phải thức dậy nhiều lần vào buổi đêm để đi tiểu, trong đó lượng nước tiểu chiếm tới 50% tổng lượng nước tiểu thải ra trong ngày.
Triệu chứng
Ngoài triệu chứng tiểu nhiều, bệnh nhân bị đa niệu cũng có thể biểu hiện thêm các dấu hiệu khác như:
- Hay thấy khát nước: lý giải cho điều này là vì lượng nước tiểu do bệnh nhân thải ra quá lớn dẫn tới mất nước;
- Ban đêm đi tiểu nhiều lần, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giấc ngủ, thêm vào đó cũng mất nhiều thời gian hơn để bàng quang tự làm rỗng trở lại.
Nguyên nhân
Lượng nước tiểu quá nhiều mỗi ngày cũng có thể là do thói quen uống nhiều nước hoặc có thể là một số loại thuốc gây lợi tiểu. Nếu như gần đây bạn có sử dụng thuốc hay đang trải qua những thay đổi về việc đi tiểu thì hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết nhé!
Trong một vài trường hợp, bạn đang có bệnh lý khiến cho số lượng nước tiểu hàng ngày quá nhiều. Những nguyên nhân gây bệnh đa niệu có thể là do:
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Chứng khát nhiều do tâm lý, một loại rối loạn tâm lý gây ra khát nhiều.
- Suy thận.
- Tiểu đường.
Các bạn cũng có thể đi tiểu quá nhiều trong 1 ngày sau khi tiến hành chụp các lớp vi tính hoặc sau khi thực hiện một số xét nghiệm khác trong bệnh viện có tiêm thuốc cản quang vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu như tình trạng này vẫn bị kéo dài thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về tình trạng của mình.
Đối tượng nguy cơ
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề về thận, ví dụ như thận đa nang hoặc bệnh đái tháo nhạt do thận sẽ có nguy cơ mắc phải đa niệu.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng sẽ được áp dụng để xác định bệnh đa niệu, cụ thể như sau:
- Dựa trên các triệu chứng thực thể: lượng nước tiểu trung bình thải ra mỗi ngày, mức độ khát nước của bệnh nhân.
- Khai thác thông tin bệnh sử: thời gian khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, bệnh lý đã từng hoặc đang mắc phải (đột quỵ, tắc nghẽn đường tiểu, chấn thương đầu,…) hoặc các biện pháp điều trị y tế (cho ăn bằng ống, truyền nước, phẫu thuật,…) có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
- Kiểm tra các dấu hiệu sưng ở bụng, chân hoặc tay, biểu hiện của bệnh lý đái tháo đường hoặc đái tháo nhạt, hội chứng Sjogren, tăng canxi máu, ung thư hay tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm,…
- Chẩn đoán cận lâm sàng.
- Xét nghiệm máu: giúp kiểm tra nồng độ của canxi, chất điện giải, natri trong máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: bệnh nhân có thể được chỉ định tiến hành xét nghiệm trong vòng 8, 12 hoặc 24 giờ. Việc mẫu nước tiểu được thu thập trong thời gian dài hơn sẽ giúp bác sĩ có cơ sở để kiểm tra tốt hơn về tính chất nước tiểu của người bệnh, nhờ đó rút ra kết luận về tình trạng của thận.
- Xét nghiệm chức năng tuyến yên: đây là tuyến có vai trò sản xuất ra hormon ADH. Việc tiết ra loại hormon này có thể bị cản trở nếu cơ thể gặp một rối loạn nào đó.
- Xét nghiệm glucose (đo đường huyết): trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có khả năng đang mắc bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa đa niệu như:
- Nếu bạn đang mắc các bệnh lý liên quan thì nên tuân thủ theo chỉ định bác sĩ.
- Có lối sống lành mạnh và tập thể dục thể thao hợp lý.
- Không uống rượu, bia, cafe.
Điều trị như thế nào?
Bệnh nhân cần để ý phát hiện tình trạng bất thường của mình, chẳng hạn như đa niệu về đêm, thức giấc nhiều dẫn đến mất ngủ, tiểu nhiều và thường xuyên khát nước. Sau đó, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra đa niệu.
Nếu nguyên nhân không phải do bệnh lý mà là bắt nguồn từ thói quen sống, như thói quen uống nước vào ban đêm trước khi đi ngủ, dùng các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thì nên chủ động hạn chế bớt. Trường hợp đang dùng các thuốc lợi tiểu thì phải cân nhắc vấn đề với bác sĩ, xem xét lại có dùng đúng liều lượng bác sĩ đã cho hay chưa. Nếu đa niệu do nguyên nhân bệnh lý (như Đái đường , tăng huyết áp, suy tim, suy thận, xơ gan…) thì bệnh nhân phải điều trị ổn định bệnh lý cơ bản.
Trong mọi trường hợp, không nên tự ý mua thuốc, tự điều trị vì sẽ dễ gây nguy hiểm nếu điều trị không đúng cách. Ngoài ra, tuyệt đối không được nhịn uống nước để hạn chế đa niệu vì có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và hôn mê, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về bệnh đa niệu.