Đột quỵ trong khi ngủ
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng nguy hiểm nhất là khi ngủ. Người bệnh đột quỵ khi ngủ sẽ không thể ý thức được tình trạng sức khỏe của mình, khó nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Vì vậy, việc nhận biết và phòng ngừa đột quỵ khi ngủ là rất quan trọng.
Định nghĩa và khái quát về đột quỵ
Đột quỵ (tiếng Anh gọi là Stroke) hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp máu và oxy kịp thời. Điều này xảy ra là do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ đột ngột do các cục máu đông di chuyển vào phần mạch đang bị hẹp khiến các tế bào não bị hoại tử dần dần, gây mất khả năng kiểm soát cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Sự nguy hiểm của đột quỵ trong khi ngủ
Đột quỵ khi ngủ là tình trạng đột quỵ xảy ra trong lúc người bệnh đang ngủ. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể đi ngủ với cảm giác bình thường. Thế nhưng khi thức dậy, người bệnh có thể gặp các triệu chứng của đột quỵ. Bệnh lý này đôi lúc còn được gọi là đột quỵ đánh thức. Ước tính có khoảng 8 – 28% ca bệnh đột quỵ xảy ra khi ngủ.
Một trong những khó khăn khiến việc cấp cứu cho người bị đột quỵ khi ngủ là người bệnh và người xung quanh khó nhận biết cơn đột quỵ đang xảy ra hay xảy ra từ lúc nào. Người bị đột quỵ lúc ngủ dễ bỏ qua “thời gian vàng” để cấp cứu, làm gia tăng nguy cơ gặp biến chứng, thậm chí là tử vong.
Mặc dù vẫn có trường hợp được cứu sống, nhưng khoảng 90% người bị đột quỵ phải gánh chịu những di chứng nặng nề như: liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ,… Không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhà mà còn cả của những người thân trong gia đình.
Mục đích và ý nghĩa của việc nhận biết và phòng tránh đột quỵ trong khi ngủ
Đột quỵ khi ngủ là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến sự sống còn của bệnh nhân .Vì vậy, nhận biết dấu hiệu đột quỵ khi ngủ có ý nghĩa quan trọng sau đây:
- Giúp chúng ta không bỏ qua “thời gian vàng” để cấp cứu kịp thời
- Hạn chế tối đa gặp những biến chứng nguy hiểm và giảm tỷ lệ tử vong
Cách phòng tránh đột quỵ khi ngủ
Thực hiện lối sống khoa học
- Ngủ đủ giấc, quan tâm đến chất lượng giấc ngủ và bỏ thói quen thức khuya thường xuyên.
- Bạn cần tránh làm bản thân căng thẳng, lo lắng, nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Hạn chế việc tắm gội vào buổi đêm trước lúc ngủ.
- Luyện tập thể thao mỗi ngày với tần suất, mức độ vừa phải.
- Chủ động giữ ấm và bảo vệ cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh để tránh bị lạnh làm tăng huyết áp.
- Trước khi ngủ, bạn nên hạn chế dùng thiết bị điện tử.
Ăn uống khoa học
Một trong những cách chống đột quỵ khi ngủ khác là thực hiện việc ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Cụ thể, bạn cần ăn đủ và đúng bữa trong ngày, không nên ăn đêm và tránh ăn quá mặn hay quá ngọt hoặc tiêu thụ các đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn,…
Đồng thời, cung cấp thêm cho thực đơn hàng ngày các loại rau xanh, trái cây tươi cũng như đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, hạn chế rượu bia hoặc thức uống chứa chất kích thích.
Điều trị các bệnh liên quan
Một số bệnh lý có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ lúc ngủ, ví dụ như tiểu đường, vấn đề về tim mạch, thần kinh,… Do đó, nhóm người bệnh này nên chủ động đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị, kiểm soát bệnh và giữ cho thể trạng khỏe mạnh hơn.
Khám sức khỏe định kỳ
Định kỳ đi thăm khám sức khỏe giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Trong đó, có thể phát hiện sớm và kịp thời các yếu tố nguy cơ có khả năng dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt là những đối tượng bệnh nhân bị tiểu đường và các bệnh lý về tim mạch, thần kinh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan.
Đi kèm với đó, cũng đừng quên theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể và chủ động thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Đột quỵ khi ngủ là một nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, do khó nhận biết và cấp cứu kịp thời. Việc nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa như duy trì lối sống khoa học, chăm sóc sức khỏe định kỳ và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ là cần thiết để giảm tỷ lệ mắc và tăng cơ hội phục hồi sau khi bị đột quỵ. Bảo vệ sức khỏe của mình là điều không thể coi thường trong mối quan hệ giữa cơ thể con người mang lại.