Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau bụng dưới là gì? Những điều cần biết về đau bụng dưới
Đau bụng dưới là một triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa đau bụng dưới rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về đau bụng dưới, bao gồm định nghĩa, triệu chứng, nguyên nhân, đối tượng dễ mắc, phương pháp chẩn đoán, cách phòng tránh và điều trị.
Tổng quan chung
Đau bụng dưới là tình trạng đau xảy ra ở vùng dưới rốn, thường bao gồm vùng hạ vị và vùng chậu. Khu vực này chứa nhiều cơ quan quan trọng như ruột già, ruột non, bàng quang, tử cung (ở phụ nữ) và nhiều cấu trúc khác. Đau bụng dưới có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, từ các vấn đề tiêu hóa đơn giản đến các bệnh lý nghiêm trọng cần được can thiệp y tế.
Triệu chứng đau bụng dưới cần chú ý
Trên thực tế, phân biệt đau bụng bình thường và đau bụng dưới không phải là điều dễ dàng nên rất nhiều người hay nhầm lẫn giữa 2 hiện tượng này. Bạn có thể kiểm tra xem mình có đang đau bụng dưới hay không dựa vào các triệu chứng điển hình dưới đây:
- Xuất hiện các cơn đau phía dưới rốn hay xung quanh cơ quan sinh dục.
- Đau quặn thắt theo từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài, cảm giác bớt đau khi gập người xuống.
- Có các biểu hiện kèm theo như: chóng mặt, buồn nôn, âm dạo tiết dịch mủ kèm theo máu,…
- Khó chịu khi đi tiểu: Có thể kèm theo đau hoặc khó tiểu.
- Ra máu bất thường: Đặc biệt ở phụ nữ, có thể ra máu ngoài kỳ kinh hoặc ra máu sau mãn kinh.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới
Nguyên nhân do ruột già (đại tràng)
- Viêm túi thừa: Bạn đang mắc viêm túi trong thành ruột nếu có cơn đau dữ dội kèm theo co thắt phía bên trái dạ dày, phân có máu, sốt;
- Viêm ruột thừa: Khi ruột thừa bị viêm, người bệnh sẽ cảm đau âm ỉ rồi nặng dần từ phần bụng trên xuống dưới, kèm theo triệu chứng chướng bụng, chán ăn, buồn nôn, ói mửa, sốt, đau khi tiểu tiện.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ngoài đau bụng, người bị hội chứng IBS còn kèm theo các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, ợ chua, co thắt dạ dày, nhu động ruột từng cơn.
- Bệnh viêm ruột (IBD): Viêm ruột có thể gây ra bệnh Crohn và loét kết tràng. Đây có thể là nguyên nhân của cơn đau bụng dưới nếu kèm theo đầy hơi, phân có máu, sụt cân.
- Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn là hiện tượng các cơ quan nhô ra khỏi vùng cơ và mỡ xung quanh. Nếu cơn đau vùng bụng dưới kèm theo dấu hiệu sưng rõ rệt, khi di chuyển, cảm giác nặng nề ở bụng, ợ nóng.
Nguyên nhân do tiết niệu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo rồi vào bàng quang. Một người có thể bị UTI nếu ngoài đau vùng bụng dưới còn kèm theo các triệu chứng khác như nước tiểu đục hoặc sẫm màu, đau hoặc rát khi đi tiểu, tiểu liên tục, đau bụng.
- Bí tiểu cấp: Là tình trạng bàng quang không thải bỏ được nước tiểu, ngoài cảm giác đau còn có các triệu chứng khác đi cùng như không đi tiểu được, rò rỉ nước tiểu nhưng không thể tiểu tiện.
- Sỏi bàng quang: Nếu đau bụng dưới kèm theo các biểu hiện tiểu có máu, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc dòng nước không đều, nước tiểu đục hoặc sẫm màu thì có thể bạn đang bị sỏi bàng quang.
- Ung thư bàng quang: Ung thư bàng quang xảy ra khi tồn tại các tế bào bất thường phát triển trong bàng quang. Ngoài đau vùng bụng dưới, các triệu chứng khác bao gồm nước tiểu màu hồng, cam hoặc đỏ sẫm, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, không thể đi tiểu, bàn chân sưng, đau nhức.
Do các bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ
- U nang buồng trứng: Bạn nên đề phòng bị u nang buồng trứng nếu có thêm các triệu chứng như đau phần bụng ở xung quanh u nang, đầy hơi hoặc sưng, chóng mặt, mệt mỏi.
- U xơ tử cung: Khối u lành tính phát triển trong thành tử cung có thể gây đau vùng bụng dưới. Nếu xuất hiện chảy máu nhiều bất thường trong kỳ kinh, chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt, bụng phình to gây đau đớn, đau khi giao hợp thì nên đi khám ngay.
- Lạc nội mạc tử cung: Xảy ra khi niêm mạc tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung, hình thành mô sẹo và tổn thương. Đây có thể là lý do của cơn đau bụng dưới nếu các triệu chứng kèm theo như bị chảy máu rất nhiều trong kỳ kinh nguyệt, đau bụng dữ dội hoặc đau nửa đầu, nhu động ruột hoặc tiêu chảy, buồn nôn.
- Viêm vùng chậu (PID): Cơn đau bụng dưới có thể phát sinh từ bệnh nhiễm trùng nếu có các triệu chứng khác như tiết dịch khó chịu, nhiều bất thường, sốt, ớn lạnh, đau khi giao hợp, tiểu tiện.
- Mang thai ngoài tử cung: Các triệu chứng mang thai ngoài tử cung bao gồm đau vùng chậu dữ dội, cảm giác co cứng ở 1 bên thành bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt.
- Viêm vòi trứng: Ngoài đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, người bị viêm vòi trứng còn có các triệu chứng như đau lưng, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, kinh nguyệt thường không đều, sau khi có kinh, các triệu chứng lại tăng lên.
- Sa sinh dục: Bộ phận dễ bị sa nhất là bàng quang hay tử cung. Các triệu chứng thường gặp là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau.
- Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở trong bắp đùi, nhượng chân, khủy chân, vùng quanh gót) nhưng đôi khi cũng có thể phát triển ở vùng chậu. Tắc các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho trở nên sưng lên và đau gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi cử động lên xuống.
Do các bệnh lý phụ khoa ở nam giới
- Xoắn tinh hoàn: Đau bụng dưới đột ngột và dữ dội do thừng tinh bị xoắn quanh tinh hoàn. Các triệu chứng khác bao gồm tinh hoàn sưng to, nhạy cảm tại vùng tinh hoàn, bầm tím.
- Viêm tuyến tiền liệt: Hiện tượng sưng hoặc viêm tuyến tiền liệt có khả năng gây đau vùng bụng dưới nếu xuất hiện đau lưng, đau quanh gốc dương vật, khó tiểu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn hoặc đau nhức, tinh dịch có máu kèm theo.
Đối tượng nào dễ bị đau bụng dưới?
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị đau bụng dưới bao gồm:
- Người có tiền sử bệnh tiêu hóa: Như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích.
- Phụ nữ: Đặc biệt trong độ tuổi sinh sản, dễ mắc các bệnh lý vùng chậu.
- Người cao tuổi: Hệ tiêu hóa và tiết niệu yếu dần, dễ mắc các bệnh lý liên quan.
- Người có lối sống không lành mạnh: Ăn uống không khoa học, ít vận động.
- Người có tiền sử bệnh tiết niệu: Như viêm bàng quang, sỏi thận.
Đau Bụng Dưới Được Chẩn Đoán Như Thế Nào?
Bên cạnh việc khai thác thông tin về tình trạng bệnh hay thăm khám lâm sàng tại chỗ đau, bác sĩ cũng chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh như:
- Xét nghiệm công thức máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Nội soi dạ dày, đại tràng
Cách phòng tránh bị đau bụng dưới
Cơn đau bụng dưới ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Sau đây là một số phương pháp đơn giản giúp bạn phòng ngừa cơn đau bụng dưới:
- Chườm nóng: phương pháp phổ biến, tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
- Uống nhiều nước: giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng.
- Tắm nước nóng: giúp cơ thể được thư giãn, cải thiện tinh thần và giảm đau bụng.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Ăn uống khoa học đúng giờ, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng.
- Tập thói quen ăn chậm và nhai kĩ để thức ăn được tiêu hoá một cách dễ dàng.
- Hạn chế chất kích thích: rượu, bia, hút thuốc lá, đồ ăn cay nóng,…
Điều trị đau bụng dưới như thế nào?
Một số cách điều trị cơn đau bụng dưới nhẹ tại nhà có thể tham khảo:
- Với các cơn đau bụng nhẹ, ngắn ngày với nguyên nhân có thể do đến kỳ kinh ở phụ nữ hoặc rối loạn tiêu hóa,… người bệnh có thể uống trà gừng mật ong ấm, sử dụng túi chườm ở vùng bụng có thể giảm tình trạng đau.
- Các trường hợp đau bụng dưới nhẹ cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như NSAIDS (ibuprofen, naproxen,…), paracetamol, tuy nhiên cần sử dụng đúng liều lượng quy định, tránh lạm dụng thuốc để không ảnh hưởng sức khỏe.
- Người bệnh cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng: đầy đủ các chất, bổ sung vitamin và khoáng chất, ăn nhiều chất xơ từ các loại rau xanh, củ quả để tránh tình trạng táo bón, rối loạn tiêu hóa. Có thể sử dụng men vi sinh (Probiotics) để bổ sung lợi khuẩn đường tiêu hóa.
- Cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống chứa cồn, đồ uống có gas, thuốc lá,… có thể làm nặng thêm tình trạng đau bụng dưới.
- Tăng cường vận động nhẹ nhàng, có thể đi bộ, tập yoga,… có thể giảm bớt các cơn đau bụng dưới.
Nếu tình trạng đau không thuyên giảm, cơn đau bụng dưới nặng hơn hoặc kéo dài dai dẳng, người bệnh cần được đi khám để tìm ra nguyên nhân và được chữa trị phù hợp.
Đau bụng dưới là triệu chứng phổ biến nhưng không nên coi thường, vì nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, thực hiện khám sức khỏe định kỳ và đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn y tế khi có các triệu chứng bất thường. Sức khỏe của bạn là tài sản quý giá nhất, hãy chăm sóc nó mỗi ngày.