Ngộ độc thực phẩm: Triệu chứng, nguyên nhân & cách điều trị
Triệu chứng như đau bụng dữ dội, tiêu chảy sau bữa ăn, buồn nôn hay chán ăn,… là những dấu hiệu thường gặp của ngộ độc thực phẩm. Hàng năm, có hàng triệu người trên thế giới bị ngộ độc khi ăn uống, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Cùng Pharmacity tìm hiểu về tình trạng bệnh, nguyên nhân cũng như các dấu hiệu nhận biết để phát hiện, điều trị kịp thời nhé!
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc hay còn gọi là trúng thực, đây là tình trạng sức khỏe xảy ra khi chúng ta ăn phải những loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc chứa độc tố. Nguyên nhân có thể do thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng, bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt,… Đối với trường hợp nhẹ, cơ thể có thể tự phục hồi sau vài ngày. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng sẽ xuất hiện mạnh hơn. Khi đó, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của ngộ độc thực phẩm
Nhận biết được triệu chứng ngộ độc thực phẩm để phát hiện tình trạng bệnh, tránh các vấn đề phát sinh về sau gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường gặp như:
- Ói mửa, buồn nôn.
- Đau bụng.
- Đi phân lỏng hay lẫn máu..
- Sốt.
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng.
- Chán ăn.
- Đau cơ.
- Ớn lạnh…
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện rất nhanh, chỉ trong vài giờ sau khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với một số ít trường hợp có thể xuất hiện chậm hơn, kéo dài vài ngày thậm chí vài tuần, thời gian bệnh thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Ngoài những biểu hiện ngộ độc phổ biến trên, một số người có thể có những biểu hiện khác nhau. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi ăn, dù là nhẹ hay nặng, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn kịp thời.
Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng đến cơ thể, trong đó:
- Bản thân thực phẩm đã chứa độc tố: Một số loại thực phẩm tự nhiên có chứa độc tố, nếu không được chế biến đúng cách có thể gây ngộ độc.
- Thực phẩm bị nhiễm khuẩn: Các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, virus và nấm mốc… chúng có thể xâm nhập vào thức ăn qua nhiều con đường khác nhau và gây bệnh khi chúng ta ăn phải.
- Thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất: Các chất hóa học độc hại như thuốc trừ sâu, kim loại nặng cũng có thể làm ô nhiễm thực phẩm và gây ngộ độc.
- Thực phẩm bị ôi thiu: Khi để thức ăn quá lâu, nấm mốc sẽ phát triển và sản sinh ra độc tố, gây hại cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Phương pháp chẩn đoán và điều trị khi bị ngộ độc
Bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán thông qua việc thu thập các thông tin từ bệnh sử của bạn, bao gồm thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, biểu hiện của các triệu chứng và loại thực phẩm bạn đã dùng trước đó. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, đặc biệt là các dấu hiệu mất nước.
Cuối cùng, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác. Chẳng hạn như xét nghiệm máu hoặc cấy phân nhằm tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây bệnh.
Bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì khi trúng thực uống thuốc hoặc thức ăn, thì trong nhiều trường hợp, ngộ độc có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng, nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, gồm:
- Bù nước và điện giải: Đây là bước quan trọng để khắc phục tình trạng mất nước do tiêu chảy và nôn mửa, có thể uống dung dịch oresol hoặc các loại nước điện giải khác.
- Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.
- Thuốc giảm tiêu chảy: Các loại thuốc như loperamide có thể giúp làm giảm tình trạng tiêu chảy, tuy nhiên không nên dùng cho trường hợp tiêu chảy ra máu hoặc sốt.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị khi bị ngộ độc
Chế độ sinh hoạt cho người vừa bị ngộ độc thực phẩm
Trong chế độ sinh hoạt và ăn uống của mình, bạn có thể làm những điều dưới đây để giảm bớt các triệu chứng khó chịu khi bị ngộ độc thực phẩm:
- Để dạ dày nghỉ ngơi: Hãy tạm dừng ăn uống trong vài giờ để hệ tiêu hóa của bạn có thời gian phục hồi.
- Bù nước: Uống nhiều nước lọc, từng ngụm nhỏ để cơ thể không bị mất nước. Tránh xa các loại đồ uống có cồn và chứa caffeine nhé.
- Chọn thức ăn nhẹ nhàng: Khi bắt đầu ăn lại, hãy ưu tiên những món ăn dễ tiêu, ít béo và thanh đạm.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Ngộ độc thực phẩm thường khiến bạn mệt mỏi và yếu ớt. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục nhé.
Đối với người bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì để nhanh chóng phục hồi là mối quan tâm của nhiều người, một số gợi ý như sau:
- Thực đơn nhẹ nhàng, dễ tiêu: Ưu tiên những món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, khoai tây nghiền, chuối chín… Những thực phẩm này sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tránh gây kích ứng.
- Bổ sung nước đầy đủ: Nôn mửa và tiêu chảy khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Hãy uống nhiều nước lọc, nước oresol để bù lại lượng nước đã mất và cân bằng lại điện giải.
- Thực phẩm chứa lợi khuẩn: Yogurt chứa nhiều lợi khuẩn giúp phục hồi hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Chế độ sinh hoạt cho người vừa bị ngộ độc thực phẩm
Cách phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm
Trước tình hình thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng, việc trang bị cho bản thân những kiến thức về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết. Thay vì loay hoay tìm cách xử lý khi đã bị ngộ độc, chúng ta hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa đơn giản sau đây:
- Chọn thực phẩm tươi ngon: Lựa chọn những thực phẩm tươi sống, có màu sắc tự nhiên, không có dấu hiệu bị dập nát, ôi thiu. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách: Cho thực phẩm vào tủ lạnh ngay sau khi mua về, sắp xếp hợp lý để tránh bị lẫn mùi. Đóng kín các hộp đựng thức ăn để tránh vi khuẩn xâm nhập, thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
- Chế biến an toàn: Rửa kỹ rau củ quả trước khi chế biến, nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, thủy sản. Sử dụng dụng cụ nấu nướng sạch sẽ, riêng biệt cho thực phẩm sống và chín.
- Bảo quản thức ăn đã nấu chín: Để thức ăn đã nấu chín nguội nhanh trong vòng 2 giờ, sau đó cho vào tủ lạnh, khi hâm nóng lại thức ăn, cần đun sôi kỹ.
- Ăn uống hợp vệ sinh: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chọn những địa điểm ăn uống uy tín, đảm bảo vệ sinh, tránh ăn những thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc.
Phương pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm hiệu quả
Nhìn chung, ngộ độc thực phẩm là vấn đề đáng báo động và có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng tránh tình trạng bệnh. Theo đó, bạn nên lựa chọn kỹ thực phẩm và chế biến đúng cách, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.