Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau lưng dưới là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Đau thắt lưng có thể biểu hiện với các hình thái và mức độ khác nhau, từ nhẹ chỉ là đau mỏi, cho tới đau liên tục, đau cơn, đau dữ dội, không thể di chuyển cử động được, có thể kèm theo dấu hiệu đau lan xuống mặt sau mông, đùi và cẳng chân.
Tổng quan chung
Lưng dưới là vùng có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, chúng giữ nhiệm vụ chính đó là nâng đỡ thân trên của cơ thể và giúp vận động của con người linh hoạt hơn. Người bị đau phần lưng dưới lâu ngày có thể dẫn đến hiện tượng đau ở các vùng xung quanh, đặc biệt là mông và chân.
Đau lưng dưới còn gọi là đau thắt lưng cột sống, xảy ra do tiến trình lão hóa tự nhiên, thường xuyên mang vác nặng, ngồi nhiều hay do thừa cân, béo phì… Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ cảm thấy đau dai dẳng đi kèm cảm giác nóng rát, co thắt cơ và căng tức khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng
Các dấu hiệu đau lưng dưới có thể bắt đầu đột ngột rồi tự hết hoặc dần dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Một số triệu chứng đau lưng dưới thường gặp có thể kể đến như:
- Xuất hiện cơn đau mỏi lưng dưới âm ỉ.
- Đau nhói, có cảm giác nóng rát từ thắt lưng di chuyển xuống mặt sau của đùi. Đôi khi lan xuống cẳng chân hoặc bàn chân, có thể bao gồm tê hoặc ngứa ran.
- Cơ thắt cơ và căng tức ở vùng thắt lưng, xương chậu và hông.
- Khi ngồi hoặc đứng lâu, cơn đau thắt lưng dưới càng dữ dội hơn.
- Khó đứng thẳng hoặc đi bộ, thay đổi các tư thế khi đi đứng, ngồi hay nằm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây đau thắt lưng rất đa dạng và có thể chia thành các nhóm như sau:
- Nguyên nhân cơ học: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau lưng.
- Hầu hết do chấn thương cột sống, đĩa đệm hoặc các mô mềm, làm việc sai tư thế, bê vác nặng. Thoát vị đĩa đệm là một dạng đau lưng sau chấn thương phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi.
- Mang thai.
- Đau thắt lưng cấp tính: Phát sinh do tổn thương nhẹ của cơ cạnh sống và dây chằng lưng, thường sau khi thực hiện một hoạt động cường độ cao mà cơ lưng không được khởi động trước.
- Đau thắt mạn tính: Là tình trạng đau lưng kéo dài và tái diễn thường xuyên, nguyên nhân có thể là do viêm cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, viêm khớp, hoặc các vấn đề khác liên quan đến cột sống.
- Ngoài ra, đau lưng dưới diễn ra còn có thể do đau quặn mật, sỏi thận, viêm phổi, phình tách động mạch chủ… Đây không phải là nguyên nhân thường gặp, song có thể nguy hiểm cho người bệnh, nên nếu nghi ngờ bác sĩ cần thăm khám và chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đau mỏi thắt lưng, thậm chí trẻ em và thanh thiếu niên. Tình trạng thừa cân, thiếu luyện tập và nâng vật nặng không đúng cách vẫn thường bị quy là nguyên nhân của đau lưng nhưng các nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.
Theo thống kê, những người có vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu có nguy cơ bị đau thắt lưng cao hơn, mặc dù lý do tại sao có sự gia tăng nguy cơ này vẫn chưa được biết đến.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử và khám lâm sàng. Một số phương pháp chẩn đoán bác sĩ có thể chỉ định là:
- Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể trong những trường hợp nghi ngờ đau lưng dưới do nguyên nhân viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư. Ngoài ra, khi nghi ngờ ung thư, xét nghiệm máu còn giúp đánh giá thiếu máu – một tình trạng phổ biến ở người bệnh ung thư.
- Chụp X-quang: phương pháp chẩn đoán ban đầu giúp cho thấy sự bất thường ở vùng cột sống thắt lưng như tình trạng thoái hóa cột sống với biểu hiện gai xương, xơ xương dưới sụn, hẹp khoảng gian đốt sống; tình trạng gãy xương đốt sống, trượt đốt sống và trong một số trường hợp gợi ý nguyên nhân viêm cột sống dính khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): phương tiện rất hữu ích và có độ chính xác cao, giúp phát hiện những bất thường ở mô mềm như hệ thống cơ, dây chằng, đĩa đệm. Chụp MRI nên được thực hiện khi nghi ngờ nguyên nhân nhiễm trùng, ung thư di căn, đau lưng kéo dài không đáp ứng với điều trị hoặc khi có những biến chứng nguy hiểm như yếu liệt 2 chân, đi tiêu tiểu không tự chủ.
- Chụp CT: kết quả chụp CT sẽ cho phép bác sĩ thấy rõ các xương đốt sống từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó phát hiện nhanh các tổn thương bên trong xương cột sống.
- Đo điện cơ (EMG): Phương pháp này giúp đo xung điện do các dây thần kinh tạo ra, qua đó phát hiện tình trạng chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống.
- Đo mật độ xương: Người bệnh có thể bị đau lưng do loãng xương. Kiểm tra mật độ xương sẽ giúp bác sĩ loại trừ nguyên nhân trên.
Phòng ngừa bệnh
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị đau lưng dưới, nên lưu ý cách thức đề phòng là điều quan trọng cần biết:
- Điều chỉnh đúng tư thế khi bê vật nặng như: mở rộng hai chân, ngồi xổm xuống ôm sát đồ vật vào bụng, hít chặt căng cứng cơ bụng trước khi nâng vật lên từ từ. Nên giữ lưng thẳng chứ không nên khom còn lưng.
- Cần bố trí thời gian nghỉ ngơi và làm việc khoa học: Nên xen kẽ các khoảng thời gian nghỉ ngắn 10 phút để đứng lên đi lại, vận động nhẹ, thay đổi tư thế sau thời gian ngồi làm việc quá lâu trên 1h.
- Ăn uống khoa học, hạn chế tăng cân béo phì quá cỡ gây gánh nặng lên hệ xương và cột sống
- Bổ sung các chất vi lượng cần thiết như canxi, magie, kali cho thực đơn bữa ăn hàng ngày.
- Chạy bộ, vận động, yoga hay chơi một môn thể thao phù hợp giúp tăng trao đổi chất, cải thiện hệ cơ xương và tăng sức đề kháng nói chung
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phòng ngừa nguy cơ bệnh tật
Điều trị như thế nào?
Ở mỗi giai đoạn của đau lưng dưới sẽ tương ứng với cách điều trị cụ thể. Điều quan trọng là chúng ta cần trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh lý để có thể phản ứng nhanh, hạn chế diễn tiến xấu. Vậy nên, mô tả quá trình chữa trị đau thắt lưng chi tiết dưới đây sẽ hữu ích với tất cả mọi người:
- Chăm sóc tại nhà: Trong 72 giờ sau khi nhận thấy cơn đau, tự chăm sóc tại nhà có thể kiểm soát bệnh hữu hiệu và những việc bạn nên làm lúc này là:
- Dừng các hoạt động thể chất (nhất là mang vác nặng và môn thể thao mạnh)
- Chườm đá trực tiếp lên vùng lưng dưới
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen, Ibuprofen
- Thay đổi tư thế ngủ (từ nằm ngửa sang nằm nghiêng) tạo cảm giác dễ chịu
- Đặt chiếc gối hoặc khăn mềm dưới đùi khi nằm để giảm áp lực lên lưng dưới
- Dùng tay massage nhẹ nhàng quanh thắt lưng để thư giãn các cơ đang bị co thắt
- Can thiệp y tế: Khi những nỗ lực chăm sóc tại nhà không ngăn chặn được cơn đau lưng dưới, thậm chí tình hình còn nghiêm trọng hơn, chúng ta cần tìm đến sự trợ giúp của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và bài tập vật lý trị liệu thích hợp.
- Phẫu thuật: Đây là lựa chọn cuối cùng nhưng thật sự cần thiết đối với trường hợp “miễn nhiễm” với tất cả các phương pháp điều trị kể trên. Mục đích của phẫu thuật là giảm áp lực lên rễ thần kinh hoặc tăng cường sức mạnh cho cột sống bằng các thủ thuật như:
- Cắt bỏ một phần của ống sống
- Loại bỏ đĩa đệm và hợp nhất các đốt sống cạnh nhau
- Giải nén cột sống để tăng kích thước ống sống
Các thao tác phẫu thuật điều trị đau thắt lưng vô cùng phức tạp. Bạn hãy cẩn trọng tìm kiếm một bệnh viện xương khớp uy tín để được thực hiện phẫu thuật đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn.