Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Dính thắng lưỡi là gì? Những điều cần biết về dính thắng lưỡi
Dính thắng lưỡi là một bệnh lý bẩm sinh chiếm khoảng 5%, tình trạng này làm quá trình cử động của lưỡi và phát âm của trẻ bị hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến dính thắng lưỡi, dấu hiệu phát hiện dị tật bẩm sinh này là gì? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về thắng lưỡi qua bài viết dưới đây
Tổng quan chung
Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Khi khám theo dõi sức khỏe định kỳ trong tháng đầu sau sinh hoặc khi tiêm chủng, trẻ có thể được phát hiện bị dính thắng lưỡi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ được phát hiện bị dính thắng lưỡi trễ hơn sau vài tháng, biểu hiện khi trẻ bú hoặc phát âm khó, lên cân chậm.
Dính thắng lưỡi có thể gặp ở mức dính thắng lưỡi nhiều (còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn) hoặc dạng dính thắng lưỡi nhẹ (còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn).
Triệu chứng
Dính thắng lưỡi là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ gặp phải nhiều khó khăn khi bú nên trẻ sẽ chậm lên cân hoặc bú rất lâu. Tùy thuộc vào mức độ và lứa tuổi mắc phải dị tật mà biểu hiện sẽ khác nhau, cụ thể:
- Dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động của lưỡi
- Đầu lưỡi của trẻ không thè ra bên ngoài môi được
- Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng
- Khi trẻ khóc thì đầu lưỡi có hình trái tim
- Khi trẻ thè lưỡi thì có hình nhọn hoặc hình vuông
- Dính thắng lưỡi làm cho các răng cửa hàm dưới bị nghiêng hoặc hở
- Trẻ gặp khó khăn khi bú và phát âm cũng khó khăn hơn.
Nguyên nhân
Dính thắng lưỡi ở trẻ là dị tật bẩm sinh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng chức năng của lưỡi. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dị tật dính thắng lưỡi, có một số nghiên cứu chỉ ra, dính thắng lưỡi có yếu tố di truyền.
Đối tượng nguy cơ
Dính thắng lưỡi thường gặp ở trẻ sơ sinh và đa số bé trai có nguy cơ bị nhiều hơn bé gái, tỉ lệ 3:1.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán xác định dính dây thắng lưỡi rất quan trọng trong việc đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ. Có thể chẩn đoán bằng cách đo chiều dài của dây thắng lưỡi từ chỗ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi, nếu nhỏ hơn 16mm thì có nghĩa trẻ đã bị dính thắng lưỡi.
Tật dính dây thắng lưỡi ở trẻ nhỏ có những mức độ sau:
- Độ 1: Bị dính nhẹ với độ dài 12 – 16 mm
- Độ 2: Bị dính nhẹ với độ dài 8 – 11 mm
- Độ 3: Bị dính nhẹ với độ dài 3 – 7 mm
- Độ 4: Bị dính nhẹ với độ dài dưới 3 mm
Trẻ bị dính dây thắng lưỡi ở độ 1 và độ 2 cần theo dõi thêm, trường hợp dính dây thắng lưỡi ở độ 3 và độ 4 thì cần phải phẫu thuật dính thắng lưỡi. Tuy nhiên để xác định có cần phải phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ hay không thì cần phải đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được khám và chẩn đoán đúng tình trạng.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa dị thắng lưỡi phụ huynh có thể cho trẻ khám sức khỏe tổng quát sau sinh, hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị thích hợp
Điều trị như thế nào?
Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi nhận biết trẻ bị tật dính thắng lưỡi để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mức độ dính thắng lưỡi một cách chính xác. Từ đó xác định xem có nên cho trẻ phẫu thuật cắt không.
Chỉ định phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ sẽ dựa trên sự ảnh hưởng đến quá trình bú sữa mẹ, trẻ phát âm và mức độ dính thắng lưỡi. Đối với trường hợp trẻ bị ảnh hưởng nhiều đến việc bú sữa thì được yêu cầu phẫu thuật sớm. Khi dị tật này tác động đến việc phát âm thì cần được bác sĩ chuyên khoa răng – hàm – mặt đánh giá trước khi phẫu thuật để loại bỏ các khả năng trẻ bị khó phát âm khác.
Bên cạnh đó, phương pháp cắt dây thắng lưỡi còn dựa vào độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi thì phải cố định thật chặt đầu của trẻ, chỉ được tiêm hoặc bôi tê cho trẻ, sau đó sử dụng dao điện để cắt thắng lưỡi.
Trẻ có thể bú sữa ngay sau khi áp dụng kỹ thuật cắt này. Những trẻ lớn hơn thì có thể gây tê tại chỗ hoặc gây mê rồi sử dụng máy cắt/ dao mổ để phẫu thuật thắng lưỡi, sau đó may vết thương và chúng sẽ lành sau vài tuần thực hiện phẫu thuật.
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc thăm khám định kỳ và can thiệp sớm là rất quan trọng để đảm bảo trẻ có thể phát triển bình thường. Phụ huynh cần lưu ý và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Chăm sóc và quan tâm đúng mức sẽ giúp trẻ vượt qua khó khăn này và phát triển toàn diện.