Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Gai khớp gối là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Người bị gai khớp gối có thể gặp nhiều khó khăn trong việc vận động chi dưới, từ đó gây cản trở trong công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Gai khớp gối là thuật ngữ được dùng để chỉ những gai xương hình thành ở khớp gối bị tổn thương, thường liên quan đến thoái hóa. Sự xuất hiện của gai xương có thể xem là cách cơ thể ứng phó với quá trình bào mòn sụn khớp, hỗ trợ ổn định khớp gối bị thoái hóa nhưng có nguy cơ dẫn đến biến dạng khớp.
Về cơ bản, các gai này có thể hình thành ngay từ giai đoạn đầu của thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, những mẩu xương thừa này chỉ xuất hiện trên phim X-quang khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2. Gai xương phát triển mạnh vào giai đoạn 3 và có nguy cơ gây biến dạng đầu xương trong trường hợp thoái hóa khớp gối giai đoạn 4.
Ngoài ra, so với thoái hóa khớp gối, gai xương thường hiếm khi xảy ra ở những khớp gối bị viêm khớp dạng thấp.
Triệu chứng
Triệu chứng của gai xương khớp gối có thể biến đổi tùy thuộc vào mức độ phát triển của gai. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:
- Đau khi vận động: Đau và nhức đầu gối là triệu chứng thường gặp ở những người có vấn để về khớp gối, trong đó có sự xuất hiện của gai xương. Cơn đau thường trở nặng khi người bệnh thực hiện các động tác tăng áp lực lên đầu gối, như ngồi xổm, đứng lâu, co và duỗi chân, hay lên xuống cầu thang. Để giảm triệu chứng này, có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh và duy trì thói quen vận động cản đối.
- Sưng vùng đầu gối: Khi các gai xương hình thành nhiều và phát triển lớn sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối. Từ đó khiến khớp gối bị sưng tấy, phù nề gây khó khăn trong việc di chuyển, vận động của người bệnh.
- Tê bì vùng đầu gối và đôi khi mất cảm giác: Gai xương phát triển có thể chèn ép lên các dây thần kinh, tạo cảm giác tê bì ở vùng đầu gối, thậm chí là mắt cảm giác ở chân, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
- Cứng khớp gối: Cứng khớp xảy ra khi lượng canxi tập trung về một chỗ nhiều hơn so với bình thường, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Một vài trường hợp bị nặng hơn thì sẽ khó vận động hoặc mất đi sự linh hoạt.
Nguyên nhân
Gai khớp gối cản trở quá trình vận động khớp, khiến người bệnh khó khăn khi di chuyển, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, cần tìm ra nguyên nhân hình thành gai xương để có hướng điều trị phù hợp.
Do thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự phát triển của gai xương là thoái hóa khớp gối. Bệnh thoái hóa khớp làm “ăn mòn” lớp sụn, để lộ đầu xương, kích thích gai xương phát triển.
Căn bệnh này không chỉ thúc đẩy quá trình gai hóa xương đầu gối mà còn phá vỡ toàn bộ cấu trúc khớp gối. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị liệt chi.
Bệnh viêm khớp tự miễn
Viêm khớp tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp là hậu quả của tình trạng rối loạn hệ miễn dịch. Khi tế bào miễn dịch phóng thích ra lượng lớn chất gây viêm tự tấn công chính khớp xương khỏe mạnh. Điều này sẽ gây ra tình trạng viêm tại khớp. Dưới sự bào mòn của các yếu tố gây viêm, sụn và xương dưới sụn sẽ không được như ban đầu. Theo thời gian, xương dưới sụn sẽ hình thành những gai xương để bù đắp cho phần xương đã mất.
Chấn thương
Một số chấn thương ở vùng đầu gối như: Đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm, trật khớp bánh chè… làm tăng nguy cơ tổn thương sụn và thoái hóa khớp gối. Khi sụn khớp bị hư hỏng, bệnh thoái hóa khớp gối khởi phát, gai khớp gối sớm muộn sẽ hình thành.
Tuổi tác
Nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp gối của một người có thể tăng dần theo tuổi tác. Theo thời gian, tuổi càng cao lớp sụn khớp gối sẽ yếu, mỏng, kém linh hoạt và hư hại. Đó là nguyên nhân khiến cho các gai xương hình thành.
Lối sinh hoạt ít vận động
Vận động thường xuyên giúp dịch khớp lưu thông khắp khớp gối. Bên cạnh đó, vận động còn giúp các khớp vận động linh hoạt, ngăn ngừa thoái hóa khớp, viêm khớp. Do đó, với những người ít vận động, dịch khớp lưu thông không tốt, từ đó khiến khớp gối suy yếu, tăng nguy cơ tổn thương, dễ hình thành gai.
Thay đổi nội tiết tố
Nguyên nhân này thường thấy ở phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai và giai đoạn mãn kinh. Bởi, khi hormone estrogen thay đổi dễ gây ra các vấn đề về xương khớp, trong đó có gai xương.
Di truyền
Nếu gia đình bạn có người bị mắc bệnh gai khớp gối thì khả năng bạn cũng bị mắc bệnh này cao hơn người bình thường.
Ngoài ra, thừa cân, béo phì gây áp lực lên khớp gối, làm tổn thương khớp gối cũng là nguyên nhân hình thành gai xương.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng dễ có gai xương hình thành ở khớp gối thường là:
- Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ
- Người đã từng bị chấn thương đầu gối
- Gia đình có tiền sử bị thoái hóa khớp gối
- Người bị yếu cơ gân kheo, cơ tứ đầu đùi hoặc bắp chân
- Vận động viên và những người làm công việc yêu cầu vận động hoặc lao động chân tay nhiều
Chẩn đoán
Chụp CT:
- Nhằm xác định vị trí, tình trạng và mức độ ảnh hưởng của xương, mức độ thay đổi khớp và sự hình thành gai xương.
Điện cơ (EMG):
- Thử nghiệm này được sử dụng để đánh giá và đo tốc độ thần kinh gửi tín hiệu điện về não. Trong quá trình kiểm tra này, các kim nhỏ, mỏng được đặt vào các cơ của cánh tay và chân để ghi lại hoạt động điện và cho biết mức độ của chấn thương dây thần kinh cột sống.
Cộng hưởng từ (MRI):
- Chụp cộng hưởng từ chủ yếu để xác định mức độ tổn thương của đĩa sụn và sự chèn ép của dây thần kinh cột sống.
Phòng ngừa bệnh
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, mà một khi khớp gối bị thoái hóa, nguy cơ mọc gai xương là rất khó tránh khỏi. Nhưng người bệnh có thể hạn chế sự phát triển của gai xương bằng cách tuân theo một lối sống khoa học:
- Duy trì cân nặng lý tưởng, hợp lý (BMI < 23): Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối, góp phần làm mòn sụn.
- Không nên ngồi quá lâu một chỗ hoặc giữ tư thế ngồi đúng để tránh chèn ép nhiều lên khớp gối
- Tập thể dục đều đặn với cường độ hợp lý để gia tăng sức khỏe cho khớp đầu gối
- Khởi động thật kỹ và đúng cách trước khi tập luyện cũng như tránh các chấn thương ảnh hưởng đến khớp gối như gãy xương, trật khớp hay giãn dây chằng gối…
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc. Không sử dụng bia rượu, hút thuốc lá và các chất kích thích.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để theo dõi và phát hiện các bất thường càng sớm càng tốt.
Điều trị như thế nào?
Tương tự những trường hợp gai xương khác, nhiều người chỉ biết bản thân bị gai khớp gối sau khi chụp X-quang do đôi khi sự xuất hiện của các gai xương thừa này không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân có thể chỉ cần tự chăm sóc tại nhà chứ không nhất định phải điều trị.
Ngược lại, khi có bất kỳ biểu hiện đau, viêm, sưng, cứng đầu gối hoặc gặp khó khăn trong việc co duỗi chân, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị gai khớp đầu gối hiện nay có thể kể đến như sau:
Sử dụng thuốc kê toa
- Thuốc giảm đau là đáp án đầu tiên được nhiều người nghĩ đến khi hỏi về việc bị gai khớp gối nên uống thuốc gì.
- Tình trạng đau nhức đầu gối khó chịu liên quan đến gai xương và thoái hóa có thể được đẩy lùi bằng paracetamol. Ngoài ra, không ít người bệnh còn được chỉ định dùng một số loại thuốc giảm đau thông dụng khác như naproxen, ibuprofen… thuộc nhóm NSAIDs – thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid với mục đích đối phó với tình trạng viêm sưng ở khớp gối.
- Mặc dù có khả năng thuyên giảm triệu chứng tức thì nhưng bên cạnh đó, thuốc NSAIDs cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày, thận và gan trong một số trường hợp. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt là vấn đề liều lượng và thời gian dùng, nhằm đảm bảo nhận được hiệu quả giảm đau, kháng viêm như mong đợi, đồng thời hạn chế nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
- Mặt khác, trong trường hợp thuốc giảm đau dạng uống không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc bệnh nhân có vấn đề về đường tiêu hóa, bác sĩ có thể sẽ chọn kem bôi hoặc thuốc tiêm cục bộ để thay thế. Chúng thường gồm:
Thuốc mỡ chứa capsaicin giúp giảm đau bằng cách hạn chế tín hiệu đau được dẫn truyền lên não thông qua các dây thần kinh. - Thuốc cortison dùng dưới dạng tiêm khớp cục bộ nhằm giảm đau và sưng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng tối đa 2 – 3 mũi/năm.
Vật lý trị liệu
- Một phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả, phổ biến khác dành cho các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp là tập vật lý trị liệu.
- Các mô cơ xung quanh đầu gối đóng vai trò hỗ trợ khớp gối hoạt động dễ dàng, đồng thời kết hợp với cơ hông hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng cơ thể, giảm tải áp lực lên bề mặt khớp gối. Do đó, người đang có khớp gối suy yếu và gai xương hình thành tại đây sẽ cần tập vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh cho những nhóm cơ này, đồng thời giải quyết những hạn chế vận động của bản thân.
- Bệnh nhân nên thảo luận với một chuyên gia vật lý trị liệu trước khi bắt đầu để được đánh giá và thể trạng hiện tại, thông qua đó xây dựng chương trình luyện tập phù hợp, hiệu quả.
Tập vật lý trị liệu phương pháp điều trị gai khớp gối
Phẫu thuật khớp gối
Nếu người bệnh không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị bảo tồn trên, bác sĩ sẽ đề xuất phẫu thuật để chữa lành phần sụn khớp gối bị hư tổn, đồng thời loại bỏ gai xương hình thành xung quanh. Hiện nay, nội soi khớp gối là dạng phẫu thuật tân tiến được nhiều bác sĩ lựa chọn bởi ưu điểm ít xâm lấn, nhờ đó:
- Bảo vệ các cấu trúc xung quanh khớp gối (da, mô cơ, gân, dây chằng và dây thần kinh) khỏi tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
- Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu.
- Hạn chế ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Dễ chăm sóc vết thương sau phẫu thuật.
- Ít đau, thời gian hồi phục nhanh hơn.
Ngoài ra, đôi khi bệnh nhân cũng có thể cần đến dạng phẫu thuật khác thay vì mổ nội soi khớp gối để loại bỏ gai xương. Tùy vào thể trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể cân nhắc:
- Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn (microfracture surgery).
- Phẫu thuật cấy ghép tế bào sụn tự thân (ACI).
- Phương pháp ghép xương sụn tự thân (OATS).
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về gai khớp gối.