Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Giãn cơ tim là gì? Những điều cần biết về giãn cơ tim
Bệnh giãn cơ tim là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có khả năng dẫn đến suy tim, thậm chí là tử vong cho người bệnh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về bệnh giãn cơ tim qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Bệnh cơ tim giãn nở (còn gọi là bệnh giãn cơ tim) là hội chứng giãn thất trái với sự gia tăng khối lượng tâm thất chủ yếu là tâm thất trái với rối loạn chức năng tâm thu hay tâm trương mà không có tổn thương nguyên phát màng ngoài tim, van tim hay thiếu máu cơ tim. Bệnh cơ tim giãn thường bắt đầu từ tâm thất trái – buồng bơm chính của tim. Tâm thất trái giãn ra, sau đó là to toàn bộ các buồng tim. Khi các buồng tim giãn ra, cơ tim không co bóp bình thường và không thể bơm máu tốt như tim khỏe mạnh.
Bệnh cơ tim giãn cũng có thể dẫn đến các vấn đề về van tim, rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) và cục máu đông trong tim (do sự ứ trệ trong buồng thất).
Triệu chứng giãn cơ tim
Thời gian đầu, bệnh thường diễn biến chậm và không gây ra những triệu chứng điển hình, cuộc sống sinh hoạt của người bệnh chưa bị tác động nhiều. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, bệnh cũng có thể gây ra những triệu chứng về loạn nhịp tim, suy tim như sau:
- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Bệnh nhân cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi và khi lao động, hoạt động thể chất sẽ càng cảm thấy khó thở hơn.
- Khó khăn khi gắng sức.
- Xuất hiện tình trạng phù nề ở chân, bàn chân, mắt cá chân.
- Bụng bị tích tụ dịch nên phù to hơn bình thường.
- Đau thắt ngực: Thường gặp ở những trường hợp mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Nhịp tim bất thường, nghe như tiếng rì rào.
Nguyên nhân giãn cơ tim
Trong nhiều trường hợp bệnh cơ tim giãn nở không có nguyên nhân rõ ràng. Song, nguyên nhân gây bệnh cơ tim giãn có thể chia làm các nhóm yếu tố chính sau:
- Nguyên nhân do di truyền chiếm khoảng 25 – 50% các trường hợp bệnh cơ tim giãn nở. Vai trò của yếu tố di truyền được kết luận từ những nghiên cứu trước đó, ghi nhận bệnh cơ tim giãn có tính chất gia đình.
- Do đã từng mắc phải một số bệnh lý như viêm cơ tim virus, bệnh mạch vành, các vấn đề về huyết áp, bệnh tiểu đường, viêm gan, bệnh tuyến giáp, bệnh lao, loạn dưỡng cơ bắp,…
- Do các yếu tố độc hại chẳng hạn như thói quen uống nhiều bia rượu, tiếp xúc với môi trường kim loại độc, sử dụng một số loại thuốc trong quá trình hóa trị ung thư, sử dụng cocain.
- Cơ chế tự miễn dịch.
- Một số nguyên nhân khác như tình trạng thiếu vitamin B1. Ở một số trường hợp bệnh cũng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ hay vài tuần sau sinh. Với những trường hợp này thì tiên lượng bệnh thường tốt hơn, chức năng của tim có thể được hồi phục hoàn toàn sau vài năm.
Đối tượng nguy cơ giãn cơ tim
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh giãn cơ tim có thể bao gồm:
- Phụ nữ mang thai
- Nam giới, tuổi từ 20 đến 50.
- Người có tiền sử gia đình về bệnh cơ tim giãn nở.
- Bệnh nhân đã từng tổn thương cơ tim từ một cơn đau tim.
Chẩn đoán giãn cơ tim
Bệnh giãn cơ tim thường được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, nghe tim và các xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Trong quá trình đánh giá tim mạch và kiểm tra các thông tin về bệnh sử của bệnh nhân, nếu bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của giãn cơ tim, họ có thể đề xuất thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng. Các kiểm tra này bao gồm xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực, siêu âm tim, Holter điện tâm đồ, thông tim, chụp CT tim và mạch vành, và chụp MRI tim.
Đôi khi, để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh giãn nở cơ tim, có thể bệnh nhân cần phải thực hiện sinh thiết cơ tim, tức là lấy mẫu mô nhỏ từ cơ tim để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Phòng ngừa bệnh giãn cơ tim
Hiện tại, không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa các bệnh lý cơ tim do di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc các tình trạng có thể dẫn đến bệnh cơ tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim bằng cách thay đổi lối sống:
Chế độ ăn uống lành mạnh
- Đa dạng các loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Trong đó, một nửa số ngũ cốc nên đến từ các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, ngô (bắp),…
- Chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Các lựa chọn lành mạnh bao gồm thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá không chiên, các loại đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu đen, đậu trắng…) cũng như sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
- Nêm nếm ít muối khi chế biến thức ăn. Việc sử dụng nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, từ đó tăng khả năng mắc bệnh cơ tim.
- Ưu tiên các loại thực phẩm và thức uống ít đường.
- Hạn chế uống rượu.
- Duy trì cân nặng ổn định bằng cách đảm bảo lượng calo nạp vào hàng ngày không cao hơn mức calo tiêu hao.
Rèn luyện lối sống năng động
- Các bài tập thích hợp với bạn là đi bộ chậm, bơi lội, đạp xe chậm, cầu lông… Nếu muốn tăng cường độ tập luyện hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi gắng sức nhiều hơn, trường hợp nếu bạn đang mắc một số vấn đề sức khỏe hoặc gặp phải những triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt nhưng vẫn muốn luyện tập, bạn nên hỏi lại ý kiến bác sĩ.
Thực hiện các thói quen sống lành mạnh
- Ngừng hút thuốc lá (kể cả hút trực tiếp và hút thụ động)
- Giảm cân khi chỉ số BMI vượt quá mức 23
- Hạn chế rượu và không sử dụng dụng ma tuý
- Ngủ đủ giấc (ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày)
- Giảm áp lực công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn
- Kiểm soát căng thẳng, không để bản thân bị stress trong một khoảng thời gian dài: giảm áp lực từ công việc, dành cho bản thân nhiều thời gian thư giãn nghỉ ngơi.
- Điều trị bệnh lý đi kèm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như: tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…
- Khám sức khỏe theo định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các bệnh tim mạch
- Uống thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị giãn cơ tim như thế nào?
Điều trị nội khoa
Điều trị bằng thuốc có thể làm chậm tiến triển và trong một số trường hợp thậm chí nó còn giúp cải thiện tình trạng tim. Các nhóm thuốc được chỉ định có thể bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc chẹn beta đang là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Các thuốc nhóm chẹn β giao cảm làm giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim, ức chế hoạt động co mạch của hệ giao cảm, giảm độc tính catecholamin lên tế bào cơ tim, làm giảm nguy cơ tử vong do rối loạn nhịp thất. Việc theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị là cần thiết vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim cũng như kích hoạt cơn hen ở những người có tiền sử bệnh hen.
- Verapamil: Đây là một thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi. Verapamil cũng được sử dụng phổ biến để ngăn chặn cơn đau thắt ngực, kiểm soát nhịp tim nhanh. Hiện nay ít được sử dụng.
- Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin/ Ức chế thụ thể: Vai trò của nhóm thuốc này là giảm hậu gánh cho tim, giảm tái cấu trúc tế bào cơ tim.
- Thuốc lợi tiểu: nhóm thuốc này được sử dụng để giảm giữ nước và giảm tiền gánh cho tim.
- Điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng cơ tim dãn như bổ sung Vitamin B.
Điều trị phẫu thuật
- Ghép tim: Nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc thì có thể thực hiện phương pháp cấy ghép tim. Sau khi cấy ghép tim, tỉ lệ sống sót 1 năm có thể lên tới 90% và tỉ lệ sống sót trên 50% là hơn 20 năm.
- Phẫu thuật cắt bỏ một đoạn cơ thất phì đại và thay van 2 lá. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp cải thiện triệu chứng và được đánh giá là phương pháp tạm thời.
- Đặt máy tạo nhịp với những bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm.
- Cấy ghép tế bào gốc để thay thế các tế bào cơ tim đã chết. Các nhà khoa học vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu phương pháp đầy triển vọng này.
Bệnh cơ tim giãn nở có thể không gây ra triệu chứng ở một số người trong giai đoạn đầu, nhưng có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Cần phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn, có lối sinh hoạt lành mạnh là những biện pháp hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.