Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Gout là gì? Những điều cần biết về gout
Gout là một bệnh lý xương khớp khá thường gặp. Nhiều người cho rằng bệnh này có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống hàng ngày nên chỉ cần điều chỉnh là sẽ cải thiện. Vậy thực sự gout là gì? Bệnh xuất hiện do nguyên nhân nào và việc điều trị bệnh có đơn giản như quan niệm trên hay không?
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout là một dạng của bệnh viêm khớp. Nó có thể gây đau và sưng khớp. Lúc đầu, nó có xu hướng chỉ ảnh hưởng đến 1 khớp, thường xuyên nhất là ngón chân cái.
Nó xảy ra ở những người có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phân hủy một số loại thực phẩm. Axit uric có thể hình thành các tinh thể sắc nhọn như kim tích tụ trong khớp và gây đau. Các tinh thể axit uric cũng có thể hình thành bên trong các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Những tinh thể này có thể biến thành “sỏi thận” có thể gây đau và các vấn đề với dòng chảy của nước tiểu.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu, một số người được ghi nhận nồng độ acid uric trong máu tăng nhưng không xuất hiện triệu chứng được gọi là tăng acid uric máu. Theo thời gian, khi nồng độ này tăng cao không hạ dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urat gây ra các cơn đau khớp, bệnh thường xảy ra đột ngột, các cơn đau dữ dội đến âm ỉ và thường xuất hiện vào ban đêm. Có thể nhận biết bạn đang mắc bệnh thông qua các dấu hiệu sau:
- Đau khớp dữ dội: Triệu chứng đau xảy ra phần lớn ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Các khớp ở háng, vai và vùng chậu thì tần suất xảy ra ít hơn. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu.
- Đau âm ỉ, kéo dài: Sau cơn đau dữ dội của đợt cấp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau âm ỉ trong thời gian sau đó, cơn đau có thể vài ngày hoặc vài tuần, tần suất lần sau sẽ đau và kéo dài hơn lần trước.
- Viêm và tấy đỏ: Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ.
- Giới hạn phạm vi hoạt động khớp: Khi bệnh gout tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp bình thường.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh gout gồm hai nguyên nhân chính: nguyên phát (đa số các trường hợp) và thứ phát.
Nguyên phát
- 95% các trường hợp xảy ra ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.
- Chưa rõ nguyên nhân.
- Chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm… được xem là làm nặng thêm bệnh.
Thứ phát
- Do các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền): hiếm gặp.
- Do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai.
- Suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận
- Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp
- Dùng thuốc lợi tiểu như furosemid, thiazid, acetazolamid, …
- Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính
- Dùng thuốc kháng lao như ethambutol, pyrazinamid, …
Đối tượng nguy cơ
Tỷ lệ mắc bệnh gout là khoảng 1/200 người trưởng thành. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, nam giới từ 30–50 tuổi và phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh thường mắc bệnh này nhiều hơn. Bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ và trẻ em.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản
- Tuổi tác và giới tính: bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi
- Uống nhiều bia trong thời gian dài
- Béo phì
- Gia đình có người từng bị gout
- Mới bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật
- Tăng cân quá mức
- Tăng huyết áp
- Chức năng thận bất thường
- Sử dụng một số loại thuốc có thể là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong cơ thể như: Aspirin, Thuốc lợi tiểu, Thuốc hóa trị liệu, Các loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch như cyclosporine
- Từng mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp
- Mất nước
Chẩn đoán
Khi có những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ bệnh gout, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh gout. Những xét nghiệm này có thể gồm:
- Xét nghiệm dịch khớp
Bác sĩ có thể sử dụng kim để lấy dịch từ các khớp bị ảnh hưởng và quan sát dưới kính hiển vi để xác định sự có mặt của tinh thể uric.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để đo nồng độ axit uric và creatinin trong máu của bạn. Thực tế, một số người có nồng độ axit uric cao, nhưng không bao giờ gặp phải bệnh gout. Ngược lại, một số người có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout, nhưng nồng độ axit uric trong máu vẫn bình thường.
- Chụp X-quang
X-quang khớp có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây viêm khớp khác.
- Siêu âm
Siêu âm cơ xương khớp có thể phát hiện các tinh thể uric trong khớp hoặc trong một tophi.
- Chụp CT năng lượng kép (DECT)
Xét nghiệm hình ảnh này có thể phát hiện sự hiện diện của tinh thể uric trong khớp, ngay cả khi bạn không bị viêm cấp tính.
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa bệnh gout hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt, nếu gia đình có người từng bị gout, bạn nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám định kỳ bên cạnh đó cần chú ý:
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa và hạn chế bia, rượu mạnh, các loại nước có gas.
- Lối sống lành mạnh: Tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời là một việc lý tưởng để nâng cao sức khỏe bản thân, tránh làm việc với cường độ cao gây áp lực cho sức khỏe. Mặt khác, chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị bệnh gout sớm.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị gout
- Điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp.
- Dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat trong các mô và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu dưới 360 mmol/l (60 mg/l) với gout chưa có nốt tophi và dưới 320 mmol/l (50 mg/l) với gout có nốt tophi.
Điều trị cụ thể
Chế độ ăn uống – sinh hoạt cho người bị gout:
- Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua, … Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150 gram mỗi ngày.
- Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên.
- Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày
- Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, chấn thương, …
Điều trị nội khoa
- Thuốc kháng viêm: dùng trong giai đoạn cơn gout cấp để giảm viêm
- Thuốc giảm acid uric máu: dùng trong giai đoạn mãn tính để tránh tái phát cơn gout cấp
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong trường hợp:
- Gout kèm biến chứng loét
- Bội nhiễm nốt tophi
- Nốt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ
Khi phẫu thuật cần dùng colchicin nhằm tránh khởi phát cơn gout cấp và kết hợp thuốc hạ acid uric máu.
Bệnh gout tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng để lại nỗi đau dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ ở các cơ sở uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao.