Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hăm tã là gì? Những điều cần biết về hăm tã
Triệu chứng phổ biến của hăm tã là khi vùng da dưới tã của bé bị kích thích và trở thành ửng đỏ. Da có thể sưng nhẹ và cảm giác ấm khi tiếp xúc. Hăm tã nhẹ thường chỉ xuất hiện một số đốm đỏ trong một khu vực nhỏ. Trong trường hợp nặng, vùng da sưng đỏ có thể lan rộng đến bụng và đùi của bé. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về hăm tã qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hăm tã hoặc viêm da tã lót là một dạng viêm da ở vùng mặc tã. Hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thường gặp do trong giai đoạn mang tã và có thể khiến vùng da bị ảnh hưởng của bé ửng đỏ, sáng bóng và làm bé khó chịu. Bệnh thường do tã không được thay hoặc bị ướt thường xuyên hoặc do da bị cọ xát nhiều.
Triệu chứng
Rất dễ dàng nhận biết hăm tã. Dưới đây là các triệu chứng chính:
- Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.
- Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.
- Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.
- Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da.
- Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
Nguyên nhân
Hầu hết các bé đều mắc phải chứng hăm tã, đặc biệt là trong năm đầu đời. Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh có thể do:
- Ẩm ướt: Ngay cả loại tã thấm hút nhất cũng để sẽ lại hơi ẩm trên da trẻ. Khi nước tiểu của con bạn trộn với vi khuẩn từ phân, sẽ phân hủy thành amoniac gây khó chịu trên da. Đây là lý do vì sao trẻ thường xuyên đi tiêu hoặc tiêu chảy dễ bị hăm tã hơn.Mặc dù trẻ mặc tã ướt hoặc bẩn quá lâu có nhiều khả năng bị hăm tã hơn, nhưng ngay cả khi bạn siêng năng thay tã, trẻ có làn da nhạy cảm vẫn có thể bị phát ban.
- Kích ứng và nhạy cảm: Chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh có thể là kết quả của việc tã cọ sát vào da của bé, đặc biệt là nếu bé nhạy cảm với hóa chất. Thành phần dễ gây kích ứng trong tã giấy dùng một lần là hương liệu nước hoa tạo mùi thơm, đối với tã vải là bột giặt bạn dùng để làm sạch. Sản phẩm sử dụng trong quá trình thay tã – như kem dưỡng ẩm hoặc phấn em bé, cũng có thể gây kích ứng cho làn da của con bạn.
- Thức ăn mới: Giai đoạn bé bị hăm tã cũng thường là khi bắt đầu ăn dặm hoặc thử một món ăn mới. Thực phẩm mới sẽ thay đổi thành phần của phân, đặc biệt là các axit trong dâu tây và nước ép trái cây nhiều khả năng gây rắc rối cho trẻ. Thử một món ăn mới cũng có thể làm tăng tần suất đi nặng của con bạn. Nhìn chung trẻ bú sữa mẹ thường ít bị hăm tã, nhưng vẫn có nguy cơ phản ứng với những món mẹ đã ăn.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm men: Vùng mặc tã thường ấm và ẩm ướt – là môi trường thích hợp với vi khuẩn và nấm men. Vì vậy, chúng dễ dàng sinh sôi và phát triển ở đây, dẫn đến nhiễm trùng. Loại phát ban này rất thường xuất hiện trong các ngấn, nếp gấp trên da của trẻ. Bệnh tưa miệng là một dạng nhiễm trùng nấm men miệng. Một số trẻ em mắc bệnh tưa miệng cũng bị nhiễm trùng nấm men ở khu vực mặc tã lót.
- Kháng sinh: Trẻ em dùng thuốc kháng sinh, hoặc trẻ em có mẹ cho con bú dùng kháng sinh, đôi khi sẽ bị nhiễm nấm men. Nguyên nhân là do những loại thuốc này tiêu diệt luôn cả lợi khuẩn – vốn giữ chức năng kiểm soát nấm men và vi khuẩn có hại gây bệnh. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây tiêu chảy, góp phần khiến bé bị hăm tã.
Đối tượng nguy cơ
Hăm tã là một vấn đề phổ biến ở trẻ em trong giai đoạn sử dụng tã, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, trong thời kỳ này, bố mẹ cần phải chăm sóc và theo dõi trẻ để có thể xử lý kịp thời khi phát hiện trẻ bị hăm tã.
Chẩn đoán
Chứng hăm tã rất phổ biến do đó hầu hết mọi người khi chăm sóc trẻ đều có thể phát hiện ra khi chứng hăm tã xuất hiện. Tuy nhiên tốt hơn hết, bạn vẫn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có được chẩn đoán và phương pháp điều trị tốt nhất. Bạn nên cho bác sĩ biết về nhãn hiệu tã, sữa dưỡng da, xà phòng hay bất cứ thứ gì có tiếp xúc với da của bé.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh là:
- Thay tã cho con thường xuyên hoặc càng sớm càng tốt sau khi tã bị ướt hoặc bẩn, mục tiêu là luôn giữ cho khu vực này khô ráo.
- Làm sạch khu vực sinh dục của con thật cẩn thận mỗi lần thay tã.
- Chỉ vỗ nhẹ cho da khô ráo, không bao giờ được chà xát. Bạn cũng có thể sử dụng máy sấy tóc bật ở mức thấp để làm khô vùng tã sau khi thay.
- Nếu con dễ bị hăm tã, hãy bôi một lớp thuốc mỡ mỏng lên da bé sau mỗi lần thay tã.
- Không sử dụng các loại phấn bột vì các hạt có thể gây hại cho phổi của trẻ nếu hít phải. Một số chuyên gia cho rằng phấn bột có thể làm cho chứng hăm tã nấm men tồi tệ hơn.
- Khi con bạn bắt đầu ăn dặm, hãy thử từng món một. Chờ đợi một vài ngày trước khi thay đổi loại thực phẩm mới để dễ dàng xác định xem bé có nhạy cảm với món đó hay không. Nếu có, hãy tránh dùng thực phẩm đó trong thời gian này.
- Đừng mặc tã quá chặt khiến không khí không thể lưu thông.
- Sử dụng chất tẩy không mùi để giặt tã vải. Bỏ qua nước xả làm mềm vải vì có thể gây kích ứng da con trẻ.
- Giặt tã bằng nước nóng, xả và vắt ít nhất 2 lần. Bạn cũng có thể thêm một nửa chén giấm vào lần giặt đầu tiên để loại bỏ các chất gây kích ứng.
- Cho con bú càng lâu càng tốt vì hăm tã xảy ra ít hơn ở trẻ bú mẹ.
- Khi con bạn cần dùng thuốc kháng sinh, hãy hỏi bác sĩ về việc cho bé uống một loại men vi sinh. Probiotic kích thích sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột, nhờ đó làm giảm nguy cơ hăm tã ở trẻ sơ sinh.
- Nếu con bạn đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo, hãy chắc chắn rằng những người chăm sóc bé hiểu tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa này.
Điều trị như thế nào?
Dưới đây là một số cách chữa hăm tã cho trẻ sơ sinh an toàn và thường được sử dụng:
- Dầu dừa: Dầu dừa có chứa Acid lauric, Vitamin E và Vitamin K có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn, giúp trị hăm cho bé rất hiệu quả. Bố mẹ chỉ cần thoa một lớp mỏng dầu dừa lên da bé nhằm làm dịu và giúp da ẩm, mềm.
- Lá chè xanh: Lá chè xanh có chứa nhiều Polyphenol, Tanin có khả năng kháng khuẩn, làm sạch và phục hồi thương tổn cho vùng da hăm tã của bé. Bố mẹ có thể lấy lá chè xanh rửa sạch, sau đó đun sôi với 1/2 thìa cà phê muối và 1 lít nước sạch. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
- Sữa mẹ: Là một cách trị hăm tã cho bé hiệu quả và ít tốn kém. Trong sữa mẹ có nhiều kháng sinh tự nhiên giúp diệt khuẩn và làm sạch da, từ đó giúp giảm các triệu chứng hăm tã. Mẹ chỉ cần nhỏ vài giọt sữa lên vùng da bị hăm tã và để khô trước khi cho bé mặc tã mới.
- Lá khế: Chứa nhiều sắt, magie, kẽm, photpho, Vitamin C, các chất chống oxy hóa… có tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn, giảm sưng, giảm nhanh tình trạng hăm tã ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy lá khế rửa sạch, vò nát rồi đun sôi với 1/4 thìa cà phê muối và 1,5 lít nước sạch. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé 2 – 3 lần/ ngày.
- Giấm: Giấm có tác dụng để trung hòa, cân bằng lại độ pH có tính kiềm mà nước tiểu gây ra, từ đó giảm các triệu chứng của hăm tã. Bố mẹ có thể cho nửa chén giấm vào nửa xô nước, sau đó ngâm tã vải của bé vào dung dịch này, đồng thời pha một thìa cà phê giấm trắng vào nước ấm sạch và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
- Lá trầu không: Chứa thành phần là Eugenol, Chavicol, Tannin, Vitamin C, Vitamin B1… có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, kháng viêm đồng thời nuôi dưỡng và phục hồi làn da bị tổn thương của bé. Bố mẹ có thể lấy 4 – 5 lá trầu tươi, rửa sạch và vò nát, sau đó đun sôi với 200 ml nước sạch trong 10 phút. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
- Bột yến mạch: Nguyên liệu này có chứa hàm lượng Protein cao, giúp làm dịu và duy trì hàng rào tự nhiên của da, đồng thời có hợp chất Saponin giúp loại bỏ bụi bẩn và dầu từ các lỗ chân lông của trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy một muỗng canh yến mạch khô pha với nước và cho trẻ ngâm khoảng từ 10 – 15 phút rồi tắm lại cho trẻ, cho tắm khoảng 2 lần/ ngày.
- Búp ổi non: Nguyên liệu này có chứa Eugenol, Quercetin, Volatile oil có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ niêm mạc và hiệu quả trong xử lý hăm tã ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy một nắm búp ổi non rửa sạch, sau đó đun sôi với nước sạch vừa đủ. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé khoảng 2 – 3 lần/ ngày.
- Lô hội: Có đặc tính chống viêm, đồng thời giàu Vitamin E nên rất tốt trong việc điều trị hăm tã cho bé. Bố mẹ có thể cắt một lát mỏng lá lô hội rồi thoa lên vùng da bị hăm tã, sau đó để khô tự nhiên rồi mới mặc tã lại cho bé.
Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thường an toàn và mang lại hiệu quả trong việc điều trị hăm tã cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của ngày y học hiện đại, đã có nhiều dược phẩm giải quyết tình trạng hăm tã cho trẻ sơ sinh tốt, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các thiên thần nhỏ.
- Các loại kem bôi chống hăm có chứa chất Panthenol, Dexpanthenol (tiền Vitamin B5) có khả năng duy trì độ ẩm cho da em bé.
- Các loại thuốc chống hăm có chứa Lanolin, được chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên. Lanolin có tác dụng tạo nên một hàng rào bảo vệ không cho da của trẻ tiếp xúc với các chất kích ứng da như nước tiểu, phân.
- Các loại thuốc xịt chống hăm tã có chứa Eosidin có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm dị ứng da, bảo vệ da khỏi các tác nhân kích ứng, đặc biệt là hỗ trợ khả năng miễn dịch tự nhiên và củng cố hàng rào bảo vệ làn da của trẻ.
- Các loại thuốc có thành phần tự nhiên khác như nguyên liệu được chiết xuất từ hoa cúc la mã, Allantoin chiết xuất từ rễ cây hoa chuông, chất làm mềm da tự nhiên Cetiol…
Trong trường hợp, các vùng da bị hăm của bé không có dấu hiệu cải thiện mà còn tệ hơn trước thì bố mẹ nên đưa con đi khám ngay để kịp điều trị. Một số dấu hiệu trở nặng của vùng hăm như da bị lở loét, có mụn mủ ngoài da và có nguy cơ lan rộng đến vùng bụng của con.
Khi trẻ bị hăm tã sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Kéo theo đó, giấc ngủ của các con cũng sẽ không được kéo dài như trước. Những vết sưng và lở loét trên da khiến các con cảm thấy đau và không thoải mái. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải theo dõi con thường xuyên. Nếu bé có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì hãy nhanh chóng tìm đến các bác sĩ để được thăm khám cụ thể hơn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về hăm tã. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.