Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hiếm muộn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Không phải cặp vợ chồng nào cũng có được niềm vui và hạnh phúc làm cha mẹ, tỷ lệ bệnh lý hiếm muộn ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hiếm muộn hay vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không áp dụng biện pháp ngừa thai mà người vợ không mang thai.
Hiếm muộn được chia làm 2 loại:
- Hiếm muộn nguyên phát là thuật ngữ dành cho những cặp vợ chồng mà người vợ chưa từng mang thai.
- Hiếm muộn thứ phát là tình trạng cặp vợ chồng đã từng có thai ít nhất một lần và hiện muốn sinh thêm con nhưng không thể có thai.
Triệu chứng
Dấu hiệu chung của vô sinh hiếm muộn ở cả nam giới và nữ giới chính là không thể thụ thai mặc dù sức khỏe bình thường, tần suất quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng 1 năm. Đối với nữ giới trên 35 tuổi là trong vòng 6 tháng.
- Ở nữ giới: Sự bất thường của chu kỳ kinh nguyệt và sự rụng trứng là dấu hiệu điển hình của tình trạng sức khỏe liên quan đến vô sinh hiếm muộn. Chị em cần lưu ý các triệu chứng sau:
- Chu kỳ kinh không đều giữa các tháng;
- Vô kinh (không có kinh);
- Gặp phải các triệu chứng như đau vùng chậu, đau lưng, chuột rút… trong thời gian hành kinh.
Bên cạnh đó, vấn đề nội tiết tố cũng có liên quan đến vô sinh nữ. Các triệu chứng cần lưu ý gồm:
-
- Thay đổi ở da, có thể nổi nhiều mụn trứng cá;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Lông sẫm màu mọc ở môi, cằm và ngực;
- Tóc thưa, mỏng và dễ gãy rụng;
- Tăng cân;
- Núm vú tiết dịch màu trắng sữa mặc dù không cho con bú;
- Có cảm giác đau khi quan hệ tình dục.
- Ở nam giới: Thông thường, các triệu chứng cảnh báo vô sinh ở nam giới không rõ ràng, ít được chú ý. Chỉ khi có vấn đề trong khả năng sinh sản, đi thăm khám, nam giới mới phát hiện mình bị vô sinh. Do đó, khuyến cáo nam giới cần lưu ý những triệu chứng sau đây:
- Suy giảm ham muốn tình dục;
- Tinh hoàn nhỏ;
- Tinh hoàn bị đau, sưng hoặc nổi u cục ở tinh hoàn;
- Vấn về cương cứng và rối loạn xuất tinh.
Nguyên nhân
Hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tần suất hiếm muộn nguyên nhân do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ chiếm 30-40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân .
- Ở nam giới
- Bất thường tinh trùng như: tinh trùng yếu, ít, không di động, tinh trùng bị dị dạng ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên.
- Mắc một số bệnh lý ảnh hưởng tới chức năng sinh sản như: giãn tĩnh mạch thừng tinh, teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, xuất tinh ngược dòng, ung thư, có kháng thể kháng tinh trùng,…
- Đã có tiền sử từng phẫu thuật vùng bìu bẹn, thắt ống dẫn tinh,…
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, chất phóng xạ, nơi có nhiệt độ cao,…
- Lối sống không lành mạnh như thường hút thuốc, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất cấm,…
- Ở nữ giới
- Mắc một số bệnh lý ở tử cung như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, tử cung dị dạng, niêm mạc tử cung mỏng,…
- Do buồng trứng bị viêm, tắc ống dẫn trứng, đa nang buồng trứng,…
- Người bị suy buồng trứng sớm
- Bất thường ở vòi tử cung như ứ dịch, chít hẹp, từng phẫu thuật cắt 2 vòi tử cung,…
- Viêm nhiễm vùng kín như: viêm vùng chậu, nhiễm nấm chlamydia, mắc một số bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,…
- Có tình trạng bất thường tăng prolactin máu
Đối tượng nguy cơ
Việc đi khám vô sinh hiếm muộn là cần thiết và cần lập kế hoạch thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt nếu vợ chồng bạn thuộc nhóm đối tượng sau:
- Có sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà trong thời gian dài (khoảng 12 tháng – riêng đối với nữ trên 35 tuổi là 6 tháng) vẫn không thụ thai.
- Người vợ có tiền sử đã từng bị sảy thai 2 lần trở lên
- Trong tiền sử, người vợ đã từng phải qua điều trị các bệnh có liên quan đến cơ quan sinh sản như bị lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, viêm nhiễm đường sinh dục
- Phụ nữ có tiền sử có kinh lần đầu muộn (sau 15 tuổi)
- Những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt, ra khí hư bất thường, mắc một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu…
- Người chồng có hiện tượng rối loạn cương dương, hay bị xuất tinh sớm…
Chẩn đoán
Thông qua bước thăm hỏi và các kiểm tra cần thiết, chuyên gia Hỗ trợ sinh sản sẽ tìm ra vấn đề gây vô sinh hiếm muộn.
Các kiểm tra dành cho nữ giới
Đầu tiên, chuyên gia Hỗ trợ sinh sản sẽ khám lâm sàng và chỉ định các kiểm tra cần thiết để tìm ra vấn đề gây rối loạn rụng trứng ở nữ giới. Các kiểm tra gồm:
- Kiểm tra đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt (vòng kinh, số ngày hành kinh, lượng kinh…)
- Tiền sử sản phụ khoa
- Siêu âm phụ khoa
- Kiểm tra dự trữ của buồng trứng.
- Các xét nghiệm chuyên sâu khác tuỳ vào đặc điểm bệnh lý của người bệnh.
Các kiểm tra dành cho nam giới
Tương tự, đầu tiên chuyên gia Hỗ trợ sinh sản sẽ khám lâm sàng và chỉ định các kiểm tra để tìm ra vấn đề trong quá trình xuất tinh dịch và sản xuất tinh trùng của nam giới. Các kiểm tra gồm:
- Xét nghiệm tinh dịch đồ.
- Xét nghiệm hormone.
- Siêu âm bìu.
- Xét nghiệm di truyền.
Phòng ngừa bệnh
Được xem là căn bệnh của thời đại, làm sao để phòng ngừa vô sinh hiếm muộn là mối quan tâm của nhiều người. Ngoài những bệnh lý di truyền không thể phòng ngừa có thể dẫn đến hiếm muộn, việc thay đổi lối sống, thói quen hằng ngày được cho là có tác dụng góp phần phòng tránh vô sinh như:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, không thuốc lá, hạn chế rượu bia, không sử dụng các chất kích thích, chất cấm.
- Luyện tập thể dục thể thao như một thói quen để nâng cao sức khỏe, vợ chồng nên chọn những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ… không nên quá lạm dụng việc tập thể thao.
- Duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau, củ, trái cây, bổ sung protein, đạm… hạn chế đồ chế biến sẵn, thực phẩm chiên, rán và chứa nhiều chất phụ gia.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, chế độ một vợ một chồng.
- Không lạm dụng việc nạo phá thai.
- Đi khám vô sinh ngay khi gặp những vấn đề cảnh báo sức khỏe sinh sản.
Điều trị như thế nào?
Mọi cặp vợ chồng không may gặp phải vấn đề về hiếm muộn luôn mong muốn làm sao được điều trị một cách có hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng hiếm muộn của từng cặp vợ chồng cụ thể mà các bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng các phương pháp khác nhau.
Cùng với sự phát triển của các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực y học, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phụ khoa, hiện nay các trường hợp hiếm muộn thường được khắc phục bằng một trong những phương pháp sau:
- Điều trị bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc). Đây là một được sử dụng khá phổ biến. Người bệnh sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ sử dụng thuốc theo đơn được kê nhằm mục đích cải thiện chất lượng tinh trùng của người chồng và chất lượng trứng của người vợ để tăng khả năng thụ tinh.
- Điều trị bằng ngoại khoa. Phương pháp điều trị này được áp dụng cho những vợ chồng qua thăm khám được phát hiện có các tổn thương ở cơ quan sinh dục như bị dính, tắc vòi tử cung, u xơ tử cung, có khối u tinh hoàn…
- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy không phải mọi cặp vợ chồng hiếm muộn đều có thể sử dụng, mà phụ thuộc vào khuyến cáo và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Đây cũng là một phương pháp điều trị tích cực mang lại hiệu quả khá cao, bao gồm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), IUI (bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung, ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn), IVM (nuôi trưởng thành trứng đã được thụ tinh trong ống nghiệm).
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về hiếm muộn. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.