Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
HIV/AIDs là gì? Những điều cần biết về bệnh
HIV có lẽ là căn bệnh mà ai cũng giật mình khi nhắc đến. Tuy nhiên, HIV là gì thì không phải ai cũng thực sự nắm được. Đây được xem là một căn bệnh thế kỷ và gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe và tâm lý cho người bệnh. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.
HIV là gì?
HIV là một hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV (Human Immunodeficiency Virus). Virus gây nên bệnh HIV thuộc họ Retroviridae, là loại virus có vật chất di truyền là RNA một sợi dương có áo ngoài. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên và tấn công hệ miễn dịch của người bệnh bao gồm các đại thực bào, các lympho bào T. Kết quả làm suy giảm chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho sự phát triển hoặc xâm nhập của các vi sinh vật gây hại nên HIV còn gọi là bệnh cơ hội.
Triệu chứng của người nhiễm HIV/AIDS
Người nhiễm HIV có các triệu chứng tiến triển khác nhau qua các giai đoạn. Có thể tóm gọn các triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn dưới đây:
Giai đoạn nhiễm trùng tiên phát:
- Là giai đoạn virus vừa xâm nhập vào cơ thể người bệnh, giai đoạn này virus phát triển và nhân lên rất nhanh chóng.
- Sau 2 – 4 tuần kể từ khi phơi nhiễm, bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng: sốt, ho, nổi hạch, phát ban, viêm họng, đau mỏi cơ, có thể đau đầu, buồn nôn, sút cân, sưng gan lách.
- Các triệu chứng kéo dài khoảng 1 tuần đến 1 tháng và xuất hiện không rõ ràng nên bệnh nhân thường nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.
Giai đoạn mạn tính:
- Giai đoạn này, một lượng lớn virus sẽ bị tác động bởi hệ miễn dịch nên chuyển sang tình trạng nhiễm trùng mạn tính, hay còn gọi là giai đoạn tiềm ẩn.
- Thời gian của giai đoạn này kéo dài từ vài tuần đến vài năm, có khi lên đến 20 năm. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác trong giai đoạn này.
- Trong suốt giai đoạn này, các hạch bạch huyết thường xuyên bị viêm do bắt giữ virus để bảo vệ cơ thể.
Giai đoạn AIDS:
- Virus tấn công và làm suy giảm hệ miễn dịch, vô hiệu hóa miễn dịch trung gian qua tế bào và tạo cơ hội cho nhiễm trùng do các vi sinh vật khác gây ra.
- Đặc trưng cho sự suy giảm miễn dịch là nhiễm nấm Candida species ở miệng, bệnh lao, viêm phổi do nấm, bùng phát virus herpes gây nên bệnh ung thư hạch bạch huyết, zona thần kinh.
- Bệnh nhân bị sút cân không rõ nguyên nhân và dễ mắc phải các nhiễm trùng thông thường. Cuối thời kỳ, bệnh nhân dễ bị tấn công và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Nguyên nhân gây bệnh HIV/AIDS
HIV là bệnh do virus HIV gây ra, đây là virus thuộc họ retroviridae, nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh hoặc từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
Khi vào cơ thể, virus HIV phá hủy các tế bào T CD4 – các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật. Cơ thể càng có ít tế bào T CD4 thì hệ thống miễn dịch sẽ càng trở nên yếu đi.
Đối tượng nguy cơ
Ứng với những đường truyền của HIV thì các đối tượng nguy cơ mắc HIV có thể là:
- Người sử dụng chung các vật dụng đâm trực tiếp vào cơ thể như tiêm chích ma túy, xăm trổ hoặc những người sử dụng chung vật dụng hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm HIV
- Người quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục với nhiều người, tệ nạn mại dâm,…
- Trẻ có mẹ bị nhiễm HIV trước và trong thời gian mang thai và cho con bú
Chẩn đoán HIV/AIDS
Vì các triệu chứng của HIV ở giai đoạn khởi phát hay tiến triển đều không điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên phương pháp chẩn đoán xác định HIV là dựa vào xét nghiệm.
Có các loại xét nghiệm HIV sau:
Chẩn đoán HIV dựa trên các xét nghiệm máu để phát hiện sự hiện diện của virus hoặc các kháng thể chống lại virus. Các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:
- Xét nghiệm kháng thể: Phát hiện kháng thể chống HIV trong máu.
- Xét nghiệm kháng nguyên: Phát hiện protein của virus.
- Xét nghiệm PCR: Phát hiện RNA của virus trong máu, cho kết quả chính xác hơn trong giai đoạn sớm của nhiễm trùng.
Cách phòng ngừa bệnh HIV/AIDS
Có một số cách phòng ngừa HIV cho bản thân đáng quan tâm như:
- Hiểu rõ cách thức lây lan của HIV để có biện pháp phòng tránh sự tiếp xúc của bản thân với các con đường lây nhiễm HIV
- Tránh uống rượu và tuyệt đối không sử dụng ma túy đếu là những chất ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động, thúc đẩy những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
- Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, nếu bạn tình là người bị nhiễm HIV thì phải quan hệ tình dục an toàn cùng với thường xuyên xét nghiệm HIV
- Không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm: chính là hình thức dễ dàng mang HIV từ người này sang người khác
- Tránh chạm vào máu của người khác và chất dịch cơ thể khác, những chất dịch bao gồm tinh dịch, dịch âm đạo, niêm mạc trực tràng, sữa mẹ, dịch ối, dịch não tủy và hoạt dịch trong khớp
Cách điều trị HIV/AIDS
Hiện tại không có vaccine nào để phòng ngừa lây nhiễm HIV cũng như không có một biệt pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể
Tuy nhiên nhờ liệu pháp điều trị kháng virus (ART) sử dụng thuốc ARV có tác dụng làm chậm sự nhân lên của HIV trong cơ thể, làm tăng cường hệ miễn dịch giúp chất lượng cuộc sống của những người bị AIDS đã cải thiện đáng kể
Lựa chọn hiện nay là kết hợp hai hay nhiều loại thuốc kháng retrovirus và một chất ức chế protease hoặc một thuốc ức chế reverse transcriptase non-nucleoside (NNRTI). Với điều trị như vậy thì cho thấy kết quả HIV âm tính lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng virus sẽ tăng trở lại khi ngưng điều trị.
Kết luận
HIV/AIDS là một trong những thách thức y tế lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh đã trở nên khả thi hơn. Điều quan trọng là chúng ta cần nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng đắn và tuân thủ điều trị để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Hãy luôn nhớ rằng, sự hiểu biết và hành động kịp thời có thể giúp chúng ta chiến thắng HIV/AIDS.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.