Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng chân không yên là gì? Những điều cần biết về bệnh
Hội chứng chân không yên (Restless legs syndrome – RLS) là một bệnh lý thần kinh. Biểu hiện 2 chân luôn ở trạng thái muốn vận động, do rối loạn của hệ thống thần kinh. Bệnh có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi và thường trầm trọng hơn khi người bệnh già đi. Bệnh không nguy hiểm nhưng người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần lâu dài. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa hội chứng chân không yên ở bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hội chứng chân không yên là gì?
Hội chứng chân không yên (tên tiếng Anh là Restless legs syndrome – RLS), hay còn gọi là hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED). Đây là một bệnh lý thần kinh khiến cho người bệnh có những cơn xung động hầu như không kiểm soát được. Hội chứng này khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống khiến người bệnh phải đứng lên và di chuyển. Di chuyển giúp giảm bớt cảm giác khó chịu tạm thời. Những cảm giác này cũng có thể xảy ra đối với tay.
Hội chứng chân không yên thường xảy ra vào buổi tối hoặc đêm trong khi bạn đang ngồi hoặc nằm. Nó có thể là nguyên nhân phá vỡ giấc ngủ, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ban ngày và khiến người bệnh đi lại khó khăn.
Triệu chứng và tiến triển của hội chứng chân không yên
Triệu chứng điển hình nhất của hội chứng chân không yên là những cơn đau, cảm giác căng cơ, tê rát, ngứa, cảm giác kiến bò, bứt rứt khiến người bệnh muốn đi lại và lắc chân để giảm cảm giác khó chịu. Cảm giác khó chịu này, thường có đặc điểm:
- Xuất hiện khi nghỉ ngơi, khi đang nằm hoặc ngồi trong một thời gian dài.
- Bệnh nhân giảm cảm giác khó chịu khi chân được cử động, kéo giãn, lắc lư, đi lại hoặc đi bộ.
- Thường xảy ra chủ yếu vào ban đêm. Đôi khi, triệu chứng biến mất trong một khoảng thời gian, sau đó quay trở lại.
- Người bệnh thường cảm thấy các triệu chứng khó chịu xảy ra ở chân, ở cả hai bên. Tuy nhiên, các cảm giác này ít gặp ở tay.
Triệu chứng sẽ nặng hơn theo tiến triển bệnh, ban đầu người mắc hội chứng chân không yên chỉ gặp phải triệu chứng khó chịu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi bệnh nặng hơn, triệu chứng cũng xảy ra thường xuyên và cường độ cao gây mất ngủ, tàn phế.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên
Các nhà khoa học cho rằng hội chứng chân bồn chồn là do sự mất cân bằng của các chất Dopamine trong não bộ, là chất gửi tín hiệu điều khiển chuyển động cơ bắp. Về nguyên nhân vì sao lại có sự mất cân bằng này hầu như vẫn chưa rõ ràng. Có một nguyên nhân đã được xác định bao gồm:
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Những tổn thương thần kinh này ở bàn tay và bàn chân đôi lúc do bệnh lý mãn tính gây ra, chẳng hạn như tiểu đường và nghiện rượu.
- Di truyền :Hội chứng chân không nghỉ có mối quan hệ đặc biệt với yếu tố di truyền. Có tới 50% số bệnh nhân mắc Willis-Ekbom trong gia đình có ít nhất 1 người từng mắc bệnh. 1 trong các nhiễm sắc thể được xác định gây ra Willis-Ekbom đã được xác định.
- Thay đổi hormone ở phụ nữ: Phụ nữ tuổi trung niên và phụ nữ mang thai dễ mắc phải tình trạng này nhất. Thai kỳ hoặc sự thay đổi hormone có thể tạm thời làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Một số phụ nữ bị bệnh khi mang thai lần đầu tiên, đặc biệt xảy ra vào ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên triệu chứng buồn chân khi ngủ thường sẽ biến mất sau sinh.
- Thiếu sắt: ngay cả khi không bị thiếu máu thì tình trạng thiếu sắt vẫn có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng buồn tay buồn chân không ngủ được. Nếu bạn có tiền căn xuất huyết dạ dày ruột, bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh hoặc hiến máu nhiều lần thì bạn dễ bị thiếu sắt.
- Suy thận: nếu bạn bị suy thận, bạn cũng có thể bị thiếu sắt, thường là đi kèm với thiếu máu. Khi chức năng thận hoạt động không tốt, lượng sắt dự trữ trong máu sẽ giảm xuống. Cùng với những thay đổi sinh hoá khác trong cơ thể, điều này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chứng buồn tay buồn chân khi ngủ.
- Tổn thương tủy sống: chấn thương, tổn thương tủy sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm tăng nguy cơ gây hội chứng chân không yên.
- Căng thẳng, stress tinh thần kéo dài khiến hội chứng chân không yên diễn tiến nặng hơn. Chế độ ăn và môi trường sống cũng có tác động nhất định đến bệnh lý này ở nhiều người.
- Một số thuốc: như thuốc chống trầm cảm đôi khi khiến bệnh nặng hơn.
Đối tượng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên
Khoảng 10% dân số trên thế giới sẽ gặp phải hội chứng này tại một thời điểm nào đó trong đời. Hội chứng chân không yên có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí cả trẻ nhỏ, nhưng phổ biến ở tuổi trung niên và người già. Tuổi càng cao, rối loạn này có xu hướng thường gặp hơn.
Chẩn đoán hội chứng chân không yên
Do là bệnh lý thần kinh nên việc chẩn đoán hội chứng chân không yên chủ yếu thông qua khám lâm sàng và mô tả triệu chứng. Bác sĩ có thể đề nghị làm các kiểm tra :
- Xét nghiệm máu
- Thử nghiệm thần kinh học
- Đánh giá giấc ngủ
Phòng tránh và cải thiện hội chứng chân không yên
Một số biện pháp có thể áp dụng nhằm phòng tránh và cải thiện hội chứng chân không yên như:
Thay đổi chế độ sinh hoạt tích cực, thích nghi với bệnh
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, tránh cưỡng lại cảm giác thôi thúc cử động, nếu cố gắng kìm chế việc thôi thúc cử động có thể các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn.
- Nên bắt đầu và kết thúc một ngày bằng các bài tập kéo giãn cơ hoặc xoa bóp nhẹ nhàng.
- Giảm hút thuốc lá, uống rượu bia nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ thần kinh của cơ thể.
- Đến ngay các cơ sở y tế khi nhận thấy cơ thể có những bất thường, luôn hợp tác và tuân thủ điều trị của bác sĩ, nên khám định kỳ.
- Tự tin, chia sẻ cùng người thân, bạn bè và đồng nghiệp: điều này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn khi họ thấy việc bạn đi lại hoặc lắc chân quá nhiều lần trong ngày.
Chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa hội chứng chân không yên
- Kết hợp nhiều loại trái cây tươi và rau quả vào khẩu phần ăn hàng ngày, ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc và vitamin D có trong rau bina và một số loại cá.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đường và thực phẩm chiên rán.
Một số phương pháp khác
- Thử tắm, ngâm mình trong bồn nước ấm và xoa bóp chân có thể làm thư giãn các cơ.
- Chườm ấm hoặc chườm mát có thể làm giảm cảm giác khó chịu ở chân tay.
- Hội chứng chân không yên có thể nặng hơn nếu cơ thể thiếu ngủ, mất ngủ. Vì vậy điều quan trọng là phải có giấc ngủ tốt. Tốt nhất là có môi trường ngủ thoáng mát, yên tĩnh, thoải mái, ngủ đúng và đủ sẽ giúp bạn có được một cơ thể khỏe mạnh.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm giảm mức độ của bệnh.
- Hạn chế caffeine như cà phê, trà,… sẽ giúp cải thiện triệu chứng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng chân không yên
Mục tiêu của điều trị hội chứng chân không yên là làm giảm triệu chứng để người bệnh có giấc ngủ ngon, ngăn ngừa biến chứng tàn phế. Có hai biện pháp điều trị là dùng thuốc và điều trị tại nhà, hiện nay bệnh nhân thường được chỉ định phối hợp cả hai phương pháp,
Các phương pháp điều trị hội chứng chân không yên
Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với bệnh nhân và các yếu tố liên quan mà các bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Điều trị không dùng thuốc
- Thay đổi nhận thức hành vi
- Tránh các yếu tố làm nặng bệnh (tránh thiếu ngủ, mất ngủ,…)
- Tránh sử dụng các nhóm thuốc tác động lên hệ thống thần kinh (thuốc chống trầm cảm, an thần kinh, chống nôn, kháng histamin…)
- Tập thể dục thường xuyên
- Bổ sung và theo dõi thường xuyên để tránh thiếu hụt sắt trong cơ thể.
Điều trị dùng thuốc
- Nhóm thuốc làm tăng dopamine trong não, nhóm thuốc chống động kinh, nhóm thuốc giãn cơ và thuốc an thần, thuốc gây nghiện…
- Riêng phụ nữ có thai cần được cân nhắc cẩn thận khi dùng thuốc.
Kết luận
Hội chứng chân không yên có thể gây ra nhiều phiền toái, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, với việc nhận biết sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này. Đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia y tế để được tư vấn và hỗ trợ khi có các triệu chứng bất thường. Hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng chế độ dinh dưỡng, và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giảm thiểu triệu chứng. Sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình, bạn bè cũng là nguồn động viên to lớn giúp người bệnh vượt qua khó khăn.