Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hôi nách là gì? Những điều cần biết về hôi nách
Hôi nách không phải là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng lại đặc biệt gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, giao tiếp của người mắc bệnh lý này. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về hôi nách qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hôi nách xuất hiện ở một số người có tuyến mồ hôi đặc biệt, làm tăng tiết mồ hôi khu vực này, cộng với tích tụ vi khuẩn gây hôi. Đây là một bệnh lý không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại gây tâm lý e ngại, khó khăn trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày. Hôi nách trầm trọng hơn vào mùa nóng, khi mồ hôi ra nhiều hoặc vào tiết trời hanh khô.
Nguyên nhân gây hôi nách chủ yếu là do tuyến mồ hôi. Tuyến mồ hôi của chúng ta chia làm hai loại, tuyến nhỏ phân bố khắp cơ thể, có chức năng đào thải chất cặn bã, với 99% nước và 0,5% là muối.
Tuyến mồ hôi lớn nằm ở dưới da, mở ở các lỗ chân lông, nằm ở nách, âm hộ và lông mày. Tuyến này thải ra chất lỏng đặc, chứa lipid, protein và sắt. Chính các chất này bị vi khuẩn phân hủy sẽ tạo mùi khó ngửi, gọi là mùi hôi nách.
Cũng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng tiết mồ hôi nách như:
- Những người có thói quen ăn cay nồng, ăn nhiều dầu mỡ
- Một số người hoạt động thể thao, lao động nhiều.
Triệu chứng
Hôi nách hình thành do sự tương tác của mồ hôi và vi khuẩn trên cơ thể. Một số dấu hiệu nhận biết hôi nách như:
- Vùng nách tiết nhiều mồ hôi và có mùi: Dấu hiệu rõ ràng nhất của hôi nách là mùi hôi phát ra từ vùng nách. Mùi khác nhau ở mỗi người và bị ảnh hưởng bởi di truyền, hormone, thực phẩm và thuốc.
- Vùng áo dưới cánh tay bị ố: Mồ hôi chứa rất nhiều chất béo và protein, khiến nó đặc hơn và có màu vàng. Vì vậy khi bị hôi nách, gắn liền với tình trạng mồ hôi ra nhiều là sự xuất hiện của các vệt ố vàng ở vùng áo dưới cánh tay.
Nguyên nhân
Bài tiết mồ hôi là một hoạt động sinh lý bình thường, có vai trò quan trọng trong đào thải các chất và giúp duy trì sự ổn định thân nhiệt của cơ thể. Trên cơ thể người gồm 2 đến 4 triệu tuyến mồ hôi với hai loại chính là:
- Tuyến Eccrine có ở khắp bề mặt da, mồ hôi tiết ra thành phần chính là nước và chất muối khoáng, không có mùi. Đây là loại mồ hôi tiết ra ở trán, bàn tay, bàn chân,… khi nóng, vận động nhiều. Loại mồ hôi này không gây mùi hôi trong bệnh hôi nách, chúng chỉ thỉnh thoảng có mùi khó chịu một chút khi chúng ta ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cà ri,…
- Tuyến Apocrine: chỉ hoạt động khi đến tuổi dậy thì. Tuyến này tập trung ở các vị trí như nách, bẹn, cơ quan sinh dục, quanh tai, vùng mắt, quầng vú,… Mồ hôi do tuyến apocrine tiết ra có một số chất như axit béo, cholesterol, hydrocarbon. Những chất này khi sinh ra không có mùi, nhưng do hoạt động của một số vi khuẩn trên da, phân hủy các chất này gây ra mùi khó chịu. Hai vi khuẩn phân hủy mồ hôi thường gặp là Propionibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis. Mồ hôi được phân hủy thành các sản phẩm như axit isovaleric, acid propionic, propanoic. Axit isovaleric có mùi như phô mai trong khi axit propionic có mùi như giấm.
Bệnh hôi nách xảy ra chủ yếu ở những người vừa có nhiều tuyến apocrine vừa có tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi là một rối loạn bất thường, khi lượng mồ hôi tiết ra vượt quá mức yêu cầu điều tiết nhiệt độ của cơ thể.
Tăng tiết mồ hôi có thể do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Do sử dụng nhiều thuốc lá, cà phê, các thức ăn cay nóng hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực. Tăng tiết mồ hôi cũng có thể xảy ra ở người mắc một số bệnh lý như bệnh hôi mùi cá (Trimethylaminuria), bệnh đái tháo đường, bệnh cường giáp, bệnh tim mạch, suy hô hấp, Parkinson, mãn kinh,…hoặc do sử dụng một số thuốc.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị hôi nách cao như:
- Đối tượng tuổi dậy thì: Các tuyến mồ hôi thường hoạt động mạnh hơn ở cả nam và nữ trong tuổi dậy thì. Vì vậy, thanh thiếu niên thường bắt đầu bị hôi nách ở thời điểm này, dù trước đây không hề bị như vậy.
- Người bị tăng tiết mồ hôi: Một số người mắc chứng rối loạn nội tiết khiến họ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
- Người có chế độ ăn uống không hợp lý: An nhiều thực phẩm gia vị như hành, tỏi,…
- Người dùng thuốc trị bệnh: Thuốc morphine hay thuốc hạ sốt khiến cơ thể đổ mồ hôi, gây ra mùi hôi nách. Ngoài ra, các bệnh như gan thận và tiểu đường cũng làm xảy ra tình trạng này. Khi đó, người bệnh gan có mùi giống như amoniac trong khi người bị tiểu đường có mùi giống như sơn móng tay.
- Di truyền: Mùi hôi nách còn có khả năng do di truyền vì các thành viên trong gia đình thường có mùi liên quan đến nhau.
Chẩn đoán
Khám lâm sàng vùng nách tìm dấu hiệu bệnh:
- Xác định mùi khó chịu: bằng cách lấy giấy mềm lau vùng da dưới cánh tay sau khi vận động nhiều
- Quan sát dịch tiết vùng lông nách
Xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng tuyến giáp, đường huyết, acid uric và xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các bệnh nghiêm trọng hơn có thể xảy ra đồng thời khi bị tăng tiết mồ hôi.
- Xét nghiệm dịch tiết trong mồ hôi nhằm kiểm tra nguyên nhân gây ra hôi nách có phải do tuyến mồ hôi bị viêm nhiễm hay không.
- Nội soi tuyến mồ hôi: để phát hiện các tình trạng bất thường như tắc tuyến mồ hôi do chất nhờn hoặc giãn nở tuyến mồ hôi, …
- Nội soi tai: để kiểm tra ráy tai
Phòng ngừa bệnh
Kết hợp việc giữ gìn vệ sinh cơ thể cùng chế độ ăn uống thích hợp, lối sống sinh hoạt lành mạnh sẽ mang lại tác dụng giảm mùi mồ hôi kéo dài bền vững. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa hôi nách dưới đây có thể giúp bạn hạn chế lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra, đồng thời giảm hôi nách
- Tắm rửa, vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng xà bông kháng khuẩn. Tập trung vào những vùng thường đổ mồ hôi nhiều nhất, như vùng da dưới cánh tay. Loại bỏ vi khuẩn trên da giúp ngăn ngừa mùi cơ thể khó chịu.
- Tẩy lông nách để vùng da dưới cánh tay luôn khô thoáng hạn chế điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Thường xuyên giặt quần áo sạch sẽ, không mặc lại đồ cũ.
- Mặc quần áo rộng rãi làm bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, ví dụ như cotton.
- Hạn chế những thực phẩm nặng mùi trong chế độ ăn uống hoặc chú ý xem liệu những thực phẩm cụ thể có khiến mùi cơ thể có tệ hơn hay không. Tỏi, hành và rượu là một vài ví dụ về thực phẩm có thể khiến mồ hôi có mùi khó chịu hơn.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm là tuyến apocrine tăng tiết gây ra mùi khó chịu.
Điều trị như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị hôi nách bao gồm:
Điều trị hôi nách bằng phương pháp dân gian:
- Sử dụng gừng, lá trầu không, phèn chua chà xát vào vùng nách
- Sử dụng các dạng dung dịch xịt hay lăn nách
Tuy nhiên, phương pháp này không mang tính chất điều trị tận gốc nguyên nhân gây mùi mà chỉ có tính chất tạm thời.
Điều trị hôi nách bằng thuốc:
- Thuốc gây giảm tiết mồ hôi
- Thuốc tác dụng trên hệ thần kinh giao cảm, tuy nhiên có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
- Tiêm botox cũng là phương pháp có hiệu quả tương đối tốt, tuy nhiên chỉ duy trì được kết quả trong vòng 6-8 tháng và là phương pháp điều trị rất tốn kém.
Điều trị hôi nách bằng tia laser: Phương pháp này có nhiều ưu điểm như điều trị nhanh, không cần phẫu thuật, không chảy máu và không để lại sẹo tuy nhiên giá thành cao và phải thực hiện nhiều lần.
Điều trị bằng phẫu thuật nội soi cắt tuyến mồ hôi: Chỉ định phẫu thuật điều trị hôi nách bằng cách cắt tuyến mồ hôi rất chặt chẽ, vì vậy, bệnh nhân nên được khám và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm tránh bỏ sót tuyến mồ hôi và giảm những biến chứng như tổn thương da hay đọng dịch sau mổ.
Trên đây là những chia sẻ về hôi nách. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.