Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh lậu là gì? Những điều cần biết về bệnh lậu
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội, có tính lây nhiễm cao. Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục cho cả nam và nữ. Bệnh biểu hiện chủ yếu ở bộ phận sinh dục, cũng có thể ở các vị trí khác như họng, hậu môn. Trong những trường hợp nặng, bệnh lậu còn có thể dẫn đến vô sinh. Nhận biết được nguyên nhân, biểu hiện của bệnh và phương pháp phòng ngừa giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bệnh lậu là gì?
Bệnh Lậu là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gây nên bởi vi khuẩn bệnh lậu Neisseria gonorrhoeae. Tình trạng này có thể liên thể liên quan đến bộ phận sinh dục, miệng hoặc trực tràng. Đây là một bệnh rất phổ biến và xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, đặc biệt là trong giới trẻ độ tuổi từ 15 đến 24. Bệnh lậu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Đường lây truyền bệnh lậu
Vi khuẩn bệnh lậu thường lây truyền chủ yếu qua đường tình dục khi quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn, hoặc quan hệ qua đường miệng, hậu môn. Bên cạnh đó, vi khuẩn lậu còn có thể lây truyền qua những con đường khác như:
- Dùng chung đồ dùng cá nhân: người lành có nguy cơ bị lây nhiễm lậu nếu dùng chung đồ lót, bàn chải, kem đánh răng, khăn tắm, dao cạo râu của người bệnh. Nếu trong gia đình có người bệnh, người thân cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.
- Từ mẹ sang con: bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mẹ bị bệnh, sinh thường và không có các biện pháp can thiệp. Ngoài ra trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ cũng cần lưu ý không để dịch tiết dịch mủ dính vào cơ thể bé.
- Ngoài ra, vi khuẩn lậu còn có thể lây truyền qua đường máu, khi dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu hoặc tiếp xúc với vết thương hở.
Các giai đoạn của bệnh lậu
Bệnh lậu sinh dục thường phát triển qua 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn ủ bệnh, cấp tính, và mãn tính. Chi tiết như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Tính từ lúc lậu cầu xâm nhập vào cơ thể cho đến khi chuyển sang cấp tính và không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Thời gian ủ bệnh khá ngắn từ 2 – 5 ngày, có thể lâu hơn đến 14 ngày. Điều này tùy theo sức khỏe, hệ miễn dịch và độ mạnh/yếu của vi khuẩn.
- Giai đoạn cấp tính: Vi khuẩn bệnh lậu bắt đầu phát triển và triệu chứng bệnh rõ ràng hơn. Một số triệu chứng thường gặp ở đường tiết niệu và bộ phận sinh dục, gây đau nhức và sinh hoạt khó khăn.
- Giai đoạn mãn tính: Lậu cầu tiếp tục tấn công và gây viêm nhiễm. Chúng có thể lan rộng đến nhiều vùng khác như họng, cổ tử cung, trực tràng, và mắt.
Biến chứng do bệnh lậu gây ra
- Vô sinh: Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, viêm nhiễm lan rộng vào các cơ quan sinh dục bên trong sẽ dẫn tới nguy cơ vô sinh ở cả nam giới và nữ giới.
-
- Đối với nam giới: nếu không điều trị kịp thời, bệnh lậu sẽ tiến triển thành viêm mào tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn có xu hướng bị một bên với biểu hiện sưng nóng, đỏ đau và sốt. Nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh ở nam.
- Đối với nữ giới: trong tình trạng viêm nặng, mủ ra nhiều làm tắc vòi trứng khiến trứng đã thụ tinh không thể đi qua được, thậm chí tinh trùng không thể bơi vào gặp trứng.
- Nhiễm trùng: Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lây lan vào máu và gây nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa (DGI). Nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn tới viêm khớp do lậu cầu, viêm bao gân hoặc viêm da. Những tình trạng này có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS: Theo nghiên cứu “Sự góp phần của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) vào việc lây nhiễm HIV” năm 1999 của Fleming D, Wasserheit J đã chỉ ra rằng cả STDs loét và không gây loét đều thúc đẩy lây truyền HIV. Do đó, bệnh lậu làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở người bệnh. HIV cũng tiến triển nhanh hơn nếu người mắc bệnh bị lây nhiễm qua đường tình dục.
- Gây biến chứng ở trẻ sơ sinh: Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu làm xuất hiện nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ sang con. Lậu cầu – Neisseria gonorrhoeae sẽ truyền từ mẹ sang con gây ra lậu mắt ở trẻ sơ sinh. Những triệu chứng sinh ra do lậu mắt ở trẻ sơ sinh mà ba mẹ cần chú ý bao gồm: mắt đỏ, sưng mí mắt, chảy nước và mủ từ mắt. Lậu mắt nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới viêm, loét giác mạc và gây mù vĩnh viễn.
Triệu chứng nhận biết bệnh lậu
Ở nam giới
- Lậu cấp: Thời kỳ ủ bệnh trung bình 3 – 5 ngày, có thể sớm nhất 1 ngày, chậm nhất là 2 tuần. Thời gian này người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan cho người khác. Người bị bệnh thường có các biểu hiện như:
- Sớm nhất là cảm giác khó chịu dọc niệu đạo kèm đái rắt.
- Nhiều mủ, đái ra mủ.
- Đái buốt, đái rắt.
- Lậu mạn: Thường do lậu cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết hơn, tuy nhiên có thể thấy các triệu chứng:
- Đái ra mủ chỉ thấy vào buổi sáng (gọi là “giọt mủ ban mai”)
- Đái buốt không rõ ràng. Bệnh nhân có cảm giác nóng rát dọc niệu đạo sau
- Có thể có các biến chứng như áp xe, viêm tiền liệt tuyến, viêm túi tinh,…
Ở Nữ giới
- Lậu cấp: Thời kỳ ủ bệnh ở nữ thường kéo dài hơn nam, trung bình 5-7 ngày. Biểu hiện lâm sàng thường âm thầm không rõ ràng. Khám bộ phận sinh dục thấy:
- Mủ ở âm hộ;
- Lỗ niệu đạo viêm đỏ;
- Các lỗ tuyến Skene, Bartholin đỏ;
- Cổ tử cung viêm đỏ có mủ nhầy.
- Lậu mạn: Triệu chứng bệnh nghèo nàn, chủ yếu là “khí hư” giống bất cứ viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục.
- Lậu ở một số vị trí khác
- Lậu ở họng, hầu: do quan hệ sinh dục – miệng. Biểu hiện lâm sàng là đau họng, ngứa họng, khám thấy họng đỏ, viêm họng mãn, có thể kèm giả mạc.
- Lậu hậu môn – trực tràng: Ở nam: do quan hệ sinh dục hậu môn. Ở nữ: do quan hệ tình dục qua hậu môn hoặc do mủ chảy từ âm hộ xuống hậu môn. Biểu hiện lâm sàng: Bệnh nhân mót rặn, buồn đi ngoài liên tục, lúc đầu còn có phân sau đó chỉ ra chất nhầy hoặc không có gì.
- Lậu mắt: Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: bệnh thường xuất hiện sau đẻ từ 1-3 ngày. Có thể bị 1 hoặc cả hai mắt. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và loét. Lậu mắt ở người lớn: có thể do dùng chung khăn, chậu rửa mặt với người bị nhiễm lậu hoặc do chính bệnh nhân gây ra (đi tiểu không rửa tay sạch). Người bệnh thường có biểu hiện viêm kết mạc, giác mạc có mủ, mắt sưng nề.
- Viêm âm hộ: Có thể gặp ở trẻ gái bị cưỡng dâm, bé gái bò lê la dưới đất, hay do dùng chung khăn, chậu bị nhiễm lậu khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Biểu hiện âm hộ viêm đỏ, có mủ vàng xanh kèm theo đái buốt.
Nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) là tác nhân gây ra loại bệnh lậu ở cả nam và nữ.
Lậu cầu khuẩn là một song cầu Gram (-) có hình hạt đậu, kích thước 0,8-1mm, không di động, không tạo nha bào, phát triển thành đôi với mặt dẹt quay vào nhau, thường thấy trong bào tương của bạch cầu đa nhân trung tính.
Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: lậu cầu dễ bị diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô và bởi thuốc sát khuẩn thường dùng.
Chúng phát triển mạnh trong điều kiện môi trường ấm, ẩm ướt. Vi khuẩn phát triển ở bất kỳ mảng nhầy nào của cơ thể, bao gồm mảng nhầy ở bộ phận sinh dục, miệng, cổ họng, mắt và trực tràng.
Đối tượng dễ mắc bệnh lậu
Bất kỳ ai có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, như:
- Những người quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su.
- Người có nhiều bạn tình.
- Người mắc một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, hoặc HIV.
- Người quan hệ tình dục ở trạng thái không tỉnh táo (như sử dụng ma túy hoặc rượu), làm giảm khả năng sử dụng bao cao su đúng cách.
Chẩn đoán bệnh lậu
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh ngoài dựa vào tiểu sử và các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh, các bác sĩ còn có thể dựa vào việc thực hiện các xét nghiệm.
- Xét nghiệm nhuộm gram: Là một trong những phương pháp phổ biến hiện nay cho ra kết quả sau 30 – 45 phút. Xét nghiệm làm nổi bật lậu cầu bằng thuốc nhuộm chuyên biệt để dễ dàng phát hiện.
- Xét nghiệm PCR: Được ứng dụng để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm với độ nhạy và độ đặc hiệu đến 98%. PCR phù hợp những đối tượng nghi ngờ nhiễm nhưng chưa có triệu chứng.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Là phương pháp có độ chính xác cao khi đã nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường đặc biệt. Tuy nhiên sẽ mất khoảng 3 – 5 ngày để có kết quả.
Cần khám lâm sàng và xét nghiệm tìm căn nguyên để chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với các viêm niệu đạo không phải do vi khuẩn lậu như viêm niệu đạo do nấm Candida, do ký sinh trùng Trichomonas, do tụ cầu, liên cầu.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh lậu
Quan hệ tình dục an toàn là cách ngừa lậu tốt nhất hiện nay. Chuyên gia hướng dẫn một số lưu ý như sau:
- Dùng bao cao su khi quan hệ để giảm nguy cơ lây truyền và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục khác.
- Khi đã phát hiện hoặc nghi ngờ về tình trạng bệnh, cần kiêng, ngừng quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể và bộ phận sinh dục cả trước và sau khi quan hệ.
- Quan hệ với bạn tình đã được xét nghiệm và không bị nhiễm bệnh.
- Duy trì mối quan hệ một vợ, một chồng lâu dài, chung thủy.
Điều trị bệnh lậu
Lậu là bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Vì vậy, nếu vẫn còn triệu chứng sau khi uống hết thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Người bệnh lậu cũng đừng quên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và không chia sẻ thuốc với người khác. Khi điều trị bệnh lậu, người bệnh nên tuân thủ những nguyên tắc chung sau:
- Điều trị cho cả vợ, chồng và bạn tình.
- Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những hoạt động gây sang chấn bộ phận sinh dục – tiết niệu như đi xe đạp, chạy nhảy,…
- Kết hợp điều trị các nhiễm khuẩn sau lậu (C.trachomatis, liên cầu, tạp khuẩn…).
- Khám lâm sàng và xét nghiệm lại định kỳ.
Phác đồ điều trị bệnh nhân lậu không biến chứng
- Spectinomycin 2 gram tiêm bắp liều duy nhất hoặc Ceftriaxone 250mg tiêm bắp liều duy nhất.
- Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.
Phác đồ điều trị bệnh nhân lậu gặp biến chứng
- Ceftriaxone 1 gram/1 ngày tiêm bắp x 3- 7 ngày. Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.
Trong các trường hợp nặng hơn như biến chứng viêm màng não, viêm nội tâm mạc do lậu, bác sĩ vẫn có thể dùng liều lượng trên, nhưng phải kéo dài đến 4 tuần lễ.
Kết luận
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, và kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ bạn và người thân khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nếu bạn hoặc đối tác có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.