Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mụn đầu đen là gì? Những điều cần biết về mụn đầu đen
Mụn đầu đen là nỗi ác mộng của nhiều người vì chúng khiến làn da vùng mặt, lưng, ngực, cổ,… kém tươi tắn, mịn màng. Không chỉ vậy, mụn đầu đen còn dễ tiến triển thành mụn bọc hoặc mụn mủ, gây ảnh hưởng nặng nề tới vẻ đẹp làn da. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Mụn đầu đen là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Mụn đầu đen hình thành từ các lỗ nang lông trên da bị tắc nghẽn do tế bào chết, vi khuẩn và bụi, khiến lượng dầu sản sinh không thể thoát ra khỏi bề mặt da. Khi đó, đầu mụn bị oxy hóa do tiếp xúc trực tiếp với không khí và dần chuyển thành màu đen đặc trưng.
Thông thường, mụn đầu đen sẽ có kích thước nhỏ khoảng 1mm và có phần nhân mụn màu đen nằm trên bề mặt da, trông sẽ khá mất thẩm mỹ. Mụn đầu đen thường xuất hiện trên mặt. Trong đó, mụn đầu đen mọc ở các khu vực 2 bên má, đặc biệt mụn đầu đen ở mũi.
Triệu chứng
Bạn rất dễ nhận thấy mụn đầu đen ở mũi, ở má hoặc ở bất kỳ nơi nào khác trên mặt. Chúng là những nốt mụn nhỏ hơi nhô trên bề mặt da và thường có màu tối. Bên cạnh đó, các nốt mụn thường không gây đau nhức hoặc sưng đỏ lên như mụn bọc (mụn mủ). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bạn nặn mụn đầu đen không đúng cách, chúng có thể tiến triển nặng hơn gây viêm nhiễm và trở thành mụn bọc hoặc mụn mủ.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân thường gặp gây mụn đầu đen gồm:
- Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: Tuyến bã nhờn hoạt động nhiều, sản xuất nhiều bã nhờn sẽ gây bít tắc lỗ chân lông. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, bã nhờn, tế bào chết và vi khuẩn trong lỗ chân lông sẽ dần trở nên khô cứng và sau nhiều ngày tiếp xúc với không khí sẽ hình thành các nốt mụn đầu đen.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Việc thường xuyên sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng hoặc uống nước ngọt, cà phê, bia, rượu,… dễ khiến da nổi mụn đầu đen vì các tác nhân trên sẽ kích thích tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động và cản trở quá trình điều trị mụn.
- Không uống đủ nước: Nước đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải các chất cặn bã khỏi cơ thể, giúp làn da sạch sẽ, tươi tắn và khỏe mạnh hơn. Nếu cơ thể không được bổ sung đủ lượng nước cần thiết thì sẽ tích tụ độc tố trong cơ thể và làn da sẽ dễ xuất hiện mụn đầu đen.
- Lối sống không khoa học: Mất cân bằng nội tiết do căng thẳng, bận rộn, ăn ngủ không điều độ, ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt; tiết mồ hôi nhiều, môi trường sống ô nhiễm, độ ẩm cao; không chú ý vệ sinh da cẩn thận,… là những nguyên nhân gây mụn đầu đen.
- Tự ý dùng thuốc không qua tư vấn: Việc lạm dụng mỹ phẩm chăm sóc da chứa lithium, corticoid; tự ý uống thuốc ngừa thai chứa androgen, thuốc chống động kinh không được bác sĩ chỉ định có thể khiến da tăng tiết bã nhờn, hình thành mụn đầu đen.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng dễ xuất hiện loại mụn này bao gồm:
- Người đang tuổi dậy thì (ở cả nam và nữ)
- Phụ nữ có thai và cho con bú
- Người đang trong thời kỳ kinh nguyệt
- Người sử dụng thuốc tránh thai.
Chẩn đoán
Thông thường, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách quan sát da và các nốt mụn của bạn, từ đó đưa ra kết luận dựa vào tính chất của mụn. Sau đó, các bác sĩ có thể hỏi về một số vấn đề như bạn có đang sử dụng các loại thuốc như corticoid hay không để tìm ra nguyên nhân gây mụn đầu đen.
Phòng ngừa bệnh
Bên cạnh việc trị mụn đầu đen, bạn cũng cần chú ý chăm sóc da đúng cách để ngăn mụn quay trở lại. Dưới đây là một số điểm quan trọng bạn nên chú ý:
Làm sạch da mặt đúng cách: Làm sạch là bước chăm sóc da cơ bản mà bất cứ ai cũng cần thực hiện hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng để duy trì một làn da sạch khỏe. Làn da của chúng ta hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân có thể gây ra mụn như bụi bẩn, mỹ phẩm… Do đó, nếu chỉ dùng sữa rửa mặt thông thường, rất khó để loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn bám trên da. Ngay cả khi bạn chỉ dùng kem chống nắng, hãy dành chút thời gian để tẩy trang bằng sản phẩm phù hợp trước khi rửa mặt. Điều này sẽ giúp làn da luôn sạch sẽ, hạn chế nguy cơ hình thành mụn đầu đen do bít tắc lỗ chân lông.
Tẩy da chết định kỳ: Tẩy da chết cũng là một phần không thể thiếu trong chu trình chăm sóc da. Dù bạn thuộc kiểu da dầu mụn hay da khô, việc tẩy tế bào chết định kỳ với tần suất phù hợp vẫn rất cần thiết. Việc này sẽ giúp làm sạch sâu bên trong da đồng thời kích thích tái tạo tế bào da mới. Nhờ đó, làn da của bạn sẽ luôn khỏe mạnh, mịn màng, ngăn hiệu quả nguy cơ hình thành mụn.
Xông hơi giúp da mặt thông thoáng: Xông hơi là cách chăm sóc da mặt vô cùng đơn giản nhưng có khả năng mang lại vô số lợi ích khác nhau, bao gồm cả trị mụn đầu đen. Khi xông hơi, da bạn sẽ dễ dàng đào thải cặn bẩn, dầu thừa bên trong lỗ chân lông, kích thích lưu thông máu đồng thời tăng cường dưỡng ẩm cho da. Nhờ đó, làn da của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh, ngăn chặn nguy cơ hình thành mụn đầu đen cũng như nhiều vấn đề khác.
Bỏ các thói quen xấu: Cần cố gắng loại bỏ các thói quen xấu như sinh hoạt không điều độ, sử dụng thực phẩm ngọt, nhiều dầu mỡ…Dành thời gian tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, sử dụng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, bao gồm cả những loại vi khuẩn gây mụn hiệu quả hơn.
Điều trị như thế nào?
Mụn đầu đen tuy không gây đau nhức như mụn bọc nhưng lại làm bề mặt da kém mịn màng, thô ráp, sần sùi, lỗ chân lông giãn to và da nhanh lão hóa. Hơn thế, mụn đầu đen thường khó loại bỏ, dễ tái đi tái lại nhiều lần. Để điều trị mụn đầu đen hiệu quả, người dùng có thể tham khảo các phương pháp sau:
Dùng mỹ phẩm, serum trị mụn đầu đen
Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm có công dụng trị mụn đầu đen, thu nhỏ lỗ chân lông. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên mỗi người cần phải sáng suốt lựa chọn cho mình sản phẩm tốt, phù hợp với da.
Áp dụng các mẹo trị mụn đầu đen tại nhà
Người dùng có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong nhà sau đây để trị mụn đầu đen:
- Kem đánh răng: Đầu tiên, chuẩn bị một tuýp kem đánh răng và một chiếc bàn chải lông mềm. Khi thực hiện, người dùng cần rửa mặt thật sạch với nước ấm, lấy một chút kem đánh răng ra bàn chải rồi chà nhẹ lên vùng da bị mụn đầu đen khoảng 2 – 3 phút và giữ nguyên trong khoảng 10 – 15 phút. Cuối cùng, rửa mặt lại với nước. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý chỉ nên thực hiện phương pháp này 1 – 2 lần/tuần vì sử dụng kem đánh răng trong thời gian dài có thể làm da mỏng, khô và dễ bắt nắng.
- Mật ong: Người dùng cần làm ấm mật ong nguyên chất trong vòng vài phút rồi thoa đều mật ong ấm lên vùng da có mụn đầu đen. Sau khoảng 10 phút, người dùng cần rửa lại thật sạch với nước ấm. Mật ong có khả năng khử trùng, chống oxy hóa, giúp trị mụn đầu đen, làm se khít lỗ chân lông, tăng cường hiệu quả dưỡng ẩm, giúp da mịn màng và trắng sáng.
- Baking soda: Người dùng cần pha baking soda với nước theo tỷ lệ 1:1, khuấy đều rồi chà lên mũi hoặc các vùng da bị mụn đầu đen khác, để khô trong 15 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Tuy nhiên, những người sở hữu làn da nhạy cảm không nên dùng baking soda vì nguyên liệu này dễ gây kích ứng da.
- Trứng gà: Cần chuẩn bị một quả trứng gà, một chiếc bát và một miếng vải mềm. Khi thực hiện, người dùng tách lấy lòng trắng trứng, nhúng miếng vải sạch vào lòng trắng trứng rồi thoa đều lên vùng da bị mụn, nằm thư giãn khoảng 10 – 15 phút trước khi rửa mặt lại với nước sạch. Phương pháp này vừa có công dụng trị mụn đầu đen vừa giúp làm sáng da hiệu quả.
Sử dụng thuốc để trị mụn đầu đen:
- Trường hợp mụn ở mức độ nhẹ: Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc bôi dạng mỡ, dạng kem lên vùng da bị mụn.
- Trường hợp mụn ở mức độ nặng kèm viêm nhiễm: Có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh bôi ngoài da và thuốc kháng sinh điều trị toàn thân.
- Thuốc kháng sinh bôi ngoài da gồm: Acid Azelaic, Clindamycin, Benzoyl peroxide, Dapsone, Erythromycin,… có thể phát huy công dụng tại chỗ, giúp tiêu diệt vi khuẩn mụn và tăng sức đề kháng cho da, ngăn ngừa mụn mới hình thành.
- Thuốc kháng sinh điều trị toàn thân gồm: Clindamycin, Doxycycline, Minocycline, Sulfonamid, Tetracycline,… có thể đi sâu và phục hồi hệ thống miễn dịch cho cơ thể, loại trừ tận gốc các vi khuẩn gây mụn, từ đó trị mụn hiệu quả, ngăn ngừa mụn tái phát.
Trên đây là một số chia sẻ về Mụn đầu đen là gì? Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn và gia đình của bạn.